Thứ Tư, 28/02/2018 09:04

Trung Quốc thâu tóm ồ ạt đất trồng trọt của các nước khác

Nhiều quốc gia đã bắt đầu "dị ứng" với các nhà đầu tư Trung Quốc khi họ lăm le thâu tóm đất nông nghiệp của mình với những khoản đầu tư khổng lồ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước đại diện nông dân Pháp hôm 22-2 - Ảnh: REUTERS

Nông dân Pháp thời gian qua không mấy dễ chịu khi một tỉ phú người Trung Quốc có tên Hồ Khắc Cần (Hu Ke Qin) mua đứt cả ngàn hecta các cánh đồng trồng lúa mì.

Trước làn sóng chỉ trích ngày một tăng, tuần trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải tổ chức một buổi tiệc trưa tại điện Elysée với khoảng 1.000 nông dân trẻ Pháp tham dự để trấn an.

"Chiếm" một góc Tây Âu

"Đối với tôi, các vùng đất nông nghiệp Pháp là những khoản đầu tư chiến lược, quyết định chủ quyền của chúng ta. Do đó, chúng ta không thể để cho hàng trăm ha đất bị các cường quốc bên ngoài mua lại mà không biết rõ mục đích của các thương vụ này" - ông Macron phát biểu tại sự kiện diễn ra hôm 22-2.

Nhà lãnh đạo Pháp hứa hẹn với nông dân Pháp rằng ông sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ cần thiết để ngăn các nhà đầu tư nước ngoài mua đứt đất trồng trọt tại nước này.

Ngay từ cuối năm ngoái, hiệp hội nông nghiệp Safar của Pháp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ can thiệp sau khi tỉ phú Hồ Khắc Cần - Chủ tịch tập đoàn Reward Group của Trung Quốc, mua đứt dần 2.600 ha đất nông nghiệp tại các vùng Indre (1.700 ha) và Allier (900 ha) ở miền trung của Pháp lần lượt chỉ trong hai năm 2016 và 2017.

Tiệm bánh mì Chez Blandine thuộc sở hữu của ông Hồ Khắc Cần ở Bắc Kinh ngày 30-1-2018 - Ảnh: AFP

Kiểu đầu tư này được cho sẽ gây đe dọa tới mô hình sở hữu đất trồng trọt kiểu gia đình truyền thống của Pháp. Một điều đáng quan ngại là những người Trung Quốc giàu sụ như tỉ phú Hồ Khắc Cần không phải là nông dân, mà là những nhà đầu tư tài chính với mục đích cuối cùng là kiếm tiền.

Chỉ một ngày sau cam kết của ông Macron, Bắc Kinh đã ra tuyên bố kêu gọi Paris "tạo một sân chơi bình đẳng cho các vụ đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc".

Tỉ phú Hồ Khắc Cần hy vọng rằng những cánh đồng lúa mì ở miền trung nước Pháp sẽ giúp cung cấp bột cho 1.500 lò bánh mì ở Trung Quốc, phục vụ cho tầng lớp trung lưu nổi lên ngày càng nhanh của đất nước tỉ dân này.

Trước làn sóng chỉ trích, vị tỉ phú 57 tuổi biện hộ: "Chúng tôi đang chăm sóc khá tốt đất đai của chúng tôi và chúng tôi chỉ dùng lao động người Pháp".

Ông cũng tỏ ra bất bình trước sự phản ứng mạnh của nông dân Pháp. "Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mua đất ở Pháp. Lẽ nào chúng tôi lại khác với người Đức hay người Anh hay sao? Chẳng phải chúng tôi, cũng như những người khác, nên khuyến khích kinh tế địa phương phát triển à?" - tỉ phú Hồ Khắc Cần trả lời phỏng vấn tại Bắc Kinh.

Tỉ phú Trung Quốc Hồ Khắc Cần - Ảnh: AFP

"Xâm thực bốn bể"

Với 1,4 tỉ dân - chiếm 1/5 dân số thế giới, nhưng chỉ sở hữu chưa tới 10% đất canh tác của cả hành tinh, Trung Quốc nhiều năm qua đẩy mạnh mua đất nông nghiệp ở nước ngoài.

Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng, các vụ bê bối an toàn thực phẩm trong nước đã làm tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm nhập khẩu. Người Trung Quốc rõ ràng ưa thích hàng ngoại vì chúng được đánh giá an toàn hơn.

Số liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ và quỹ Heritage Foundation cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài đã tăng vọt kể từ năm 2010, lên tới ít nhất là 94 tỉ USD. Trong đó, đầu tư của hai năm 2016 và 2017 chiếm gần một nửa.

Các doanh nghiệp tư nhân và nhà nước của Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư để mua 9 triệu ha đất ở các quốc gia phát triển tính từ năm 2012. Tuy nhiên, sự chú ý đổ dồn nhiều nhất vào Úc, Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây.

Trước thực tế Trung Quốc ngày càng can thiệp vào kinh tế, chính trị và xã hội của Úc, ngày 1-2-2018, Úc đã ban bố các quy định giới hạn mới nhằm vào những người mua đất nông nghiệp đến từ nước nước ngoài.

Theo đó, đất nông nghiệp phải được chào bán cho người Úc ít nhất 30 ngày trước khi có thể được bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo người dân bản địa có đủ cơ hội để sở hữu đất.

Trước đó không lâu, hồi năm 2016, sau nhiều nỗ lực bất thành của chính phủ Úc, nhà phát triển bất động sản Shanghai CRED của Trung Quốc cùng một công ty mỏ địa phương đã mua lại thương hiệu S. Kidman & Co, một trong những công ty sản xuất thịt bò lớn nhất thế giới.

S. Kidman & Co sở hữu bầy gia súc 185.000 con và lớn đến mức có hệ thống trang trại bằng 2,5% diện tích đất trồng của cả nước Úc.

Năm 2016, Trung Quốc đứng vị trí thứ năm xét về những quốc gia sở hữu đất canh tác lớn nhất tại Úc. Tuy nhiên, đến năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai chỉ sau Anh. Trong khi đó, Mỹ đứng ở vị trí thứ ba, theo báo ABC của Úc.

Theo một nghiên cứu được công bố hồi năm 2014 trên tạp chí Environmental Research Letters, Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng những quốc gia năng động nhất trên thế giới xét về buôn bán đất. Nước này mua đất từ 33 quốc gia trong khi chỉ bán đất cho 3 quốc gia.

Bình An

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Ả Rập Xê Út khởi công siêu thành phố 500 tỷ USD, lớn gấp 33 lần New York (28/02/2018)

>   Tổng thống Chile: Không thể thay đổi TPP chỉ để làm vui lòng Mỹ (27/02/2018)

>   Iran hướng hợp tác thương mại sang Qatar và Oman thay thế UAE (26/02/2018)

>   Ông Trump có thực sự muốn quay lại TPP? (26/02/2018)

>   Tỷ lệ thất nghiệp Anh tăng lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit (24/02/2018)

>   Dân Mỹ ngày càng khó mua nhà (24/02/2018)

>   Cỗ máy rửa tiền khổng lồ của Trung Quốc trên hòn đảo Mỹ (24/02/2018)

>   Chính phủ Trung Quốc tiếp quản đại gia bảo hiểm Anbang (23/02/2018)

>   Italy lo giới mafia can thiệp bầu cử (23/02/2018)

>   Tỷ phú Ray Dalio: Xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 là 70% (23/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật