Tỷ lệ thất nghiệp Anh tăng lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit
Anh vừa ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng lần đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trong năm 2016.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp nước này tăng lên 4.4% và khiến các chuyên gia kinh tế phải kinh ngạc. Bên cạnh đó, đồng Bảng Anh cũng giảm 0.6% so với đồng USD, khi nhà đầu tư lo ngại liệu dữ liệu mới có làm trì hoãn đợt nâng lãi suất kế tiếp của Anh hay không.
Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12/2017, số lượng người thất nghiệp tăng thêm 46,000 người lên tổng số là 1.47 triệu người, qua đó đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2013.
Bất chấp mức tăng trên, tỷ lệ thất nghiệp của Anh vẫn chỉ cao hơn 0.1% so với mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế Anh cũng giảm tốc trong năm 2017, một phần là do sự không chắc chắn về kết quả của các cuộc thương lượng về mối quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) sau khi Brexit bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2019.
Cùng lúc đó, các công ty Anh tiếp tục tạo thêm việc làm mới. Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 1/2018, có 823,000 vị trí công việc còn bị bỏ trống, cao hơn 70,000 so với cùng kỳ năm trước.
“Số lượng vị trí bị bỏ trống cao có nghĩa là vấn đề của Anh nghiêng nhiều hơn về việc không có người lao động hợp lý cho công việc đó, thay vì nền kinh tế Anh không tạo đủ việc làm”, Yael Selfin, Chuyên gia kinh tế trưởng tại KPMG tại Luân Đôn, cho hay.
Báo cáo việc làm mới nhất chứa đựng nhiều thông tin tiêu cực đối với người lao động Anh. Báo cáo này xác nhận rằng tiêu chuẩn sống vẫn đang suy giảm.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở mức 3% trong tháng 12/2017 và tháng 1/2018 nhưng tiền lương chỉ tăng trưởng 2.5%. Điều này có nghĩa cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn hơn so với 1 năm trước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đà sụt giảm của tiền lương thực (real wage) xuất phát từ quyết định rời khỏi EU của Anh. Ngoài ra, đồng Bảng Anh suy yếu sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit còn làm gia tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa.
Các doanh nghiệp ngày càng lo ngại về sự không chắc chắn của Brexit và cũng không rõ là sẽ có một giai đoạn chuyển giao sau Brexit hay không. Sở dĩ, Anh muốn có một giai đoạn chuyển giao là để cho các doanh nghiệp Anh thích nghi với môi trường bên ngoài EU.
“Tôi không thể diễn tả hết sự khẩn cấp của việc làm rõ là liệu có giai đoạn chuyển giao sau Brexit hay không”, Judith Hackitt, người đứng đầu Hiệp hội Ngành sản xuất công nghiệp Anh EFF, cho biết trong ngày thứ Ba (20/02).
Theo kịch bản tồi tệ nhất – trong đó Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận thương mại mới, điều này có thể khiến nền kinh tế Anh mất hàng chục ngàn việc làm.
Dựa trên dữ liệu từ công ty tư vấn Oliver Wyman, lĩnh vực tài chính có thể mất 75,000 việc làm nếu như Anh và EU không tiến tới thỏa thuận thương mại mới.
Tháng trước, Nhật Bản lên tiếng cảnh báo rằng các ngân hàng, công ty sản xuất xe hơi và các công ty khác của xứ sở mặt trời mọc có thể rời khỏi Anh nếu như Brexit diễn biến xấu đi.
Góp phần gia tăng sự không chắc chắn của người tiêu dùng ở Anh là dữ liệu việc làm được công bố trong ngày thứ Tư (21/02). Dữ liệu này cho thấy có khoảng 901,000 người làm việc dưới hình thức “Hợp đồng lao động không giờ” (zero-hours contracts), cao hơn 20,000 người so với thời điểm tháng 6/2017. Được biết, hợp đồng lao động không giờ là loại hợp đồng lao động được giao kết giữa người sử dụng lao động và người lao động mà trong đó không quy định sự ràng buộc về thời gian cũng như cam kết một thời gian làm việc nhất định từ người sử dụng lao động đối với người lao động. Người lao động chỉ nhận tiền lương thực tế theo giờ công mà mình làm được, không kèm theo các chế độ phúc lợi và sự bảo đảm về việc làm.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|