Thứ Tư, 21/02/2018 17:28

Tăng cường quản lý, không để tăng giá bất hợp lý dịp đầu năm

Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết...

Sức mua Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 12%-15% so với ngày thường.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp về tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo tổng hợp của cơ quan quản lý, Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm nay diễn ra muộn vào thời điểm giữa tháng 2/2018 dương lịch, các hoạt động sản xuất, dự trữ hàng phục vụ Tết đã diễn ra nhộn nhịp từ những tháng cuối năm 2017 đến trước Tết.

Tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hàng năm vào dịp Tết, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn. Nhiều siêu thị mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm khiến nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn.

"Sức mua Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 12%-15% so với ngày thường và tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017. Sức mua tăng chủ yếu do các yếu tố như kinh tế 2017 tăng trưởng tốt, sản xuất công nghiệp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp khả quan, lạm phát ở mức thấp và các chính sách thực hiện bình ổn thị trường", báo cáo của Bộ Tài chính cho hay.

Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao vào ngày 23 tháng Chạp từ 25 – 30% so với ngày thường và sức mua tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cận Tết từ 28 - 29 Tết do năm nay thời gian nghỉ Tết ngắn. Nhu cầu mua sắm của người dân trong thời điểm này tập trung chủ yếu ở các mặt hàng phục vụ thăm hỏi, chúc Tết, cúng Tết như bia, rượu, nước giải khát, ngũ quả, thực phẩm tươi sống, đồ cúng...

Tháng 1/2018 là tháng cao điểm cho chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng 12/2017.

"Tuy đây là mức tăng cao hơn so với các tháng gần đây (tháng 12/2017 tăng 0,21%, tháng 11/2017 tăng 0,13%) nhưng là mức tăng trung bình và theo quy luật hàng năm đối với các tháng giáp tết trong các năm gần đây", Bộ Tài chính nhận định.

 Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1 năm 2018 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước, CPI bình quân tháng 1/2018 so với tháng 1/2017 chỉ tăng 2,65%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 khoảng 4% do Quốc hội đề ra. Điều này cho thấy việc chỉ số giá tháng 1/2018 tăng 0,51% là theo quy luật, vẫn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước về giá đề ra.

Bộ Tài chính cho biết, tháng 2/2018 là tháng Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cơ bản giá cả thị trường không có biến động bất thường và mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước, một phần do nguồn hàng của các đơn vị kinh doanh dồi dào cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp, góp phần ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết năm nay.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng lưu ý, sau Tết bắt đầu là thời điểm của lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý 2/2018, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chú trọng các biện pháp:

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết của người dân để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Thứ hai, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Thứ tư, quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá như xăng dầu, dịch vụ sự nghiệp công, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi...theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018.

BẠCH DƯƠNG

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Cú hích niềm tin từ Chính phủ kiến tạo (21/02/2018)

>   Dự báo nhiều yếu tố thuận lợi cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng (18/02/2018)

>   Để Việt Nam trỗi dậy thành "con hổ" mới (17/02/2018)

>   Kinh tế Việt Nam 2018 qua góc nhìn của 5 'đại chuyên gia' (13/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   Chính phủ chỉ đạo giảm, sáp nhập hàng loạt cơ quan (12/02/2018)

>   Tình hình giá cả thị trường năm 2017 và dự báo năm 2018 (12/02/2018)

>   Năm 2018, TPHCM đặt mục tiêu tăng GRDP từ 8.3% đến 8.5% (08/02/2018)

>   Chắp cánh cho kinh tế tư nhân (08/02/2018)

>   Cẩn trọng với lạm phát (05/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật