Thứ Tư, 21/02/2018 09:31

Cú hích niềm tin từ Chính phủ kiến tạo

Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính giảm thiểu, tiếp cận vốn nhanh gọn hơn, chi phí ngoài luồng đã giảm... là kết quả của một năm thực thi quyết liệt Chính phủ kiến tạo từ trung ương tới địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ lãnh đạo một số doanh nghiệp vào tháng 10.2017 Ảnh: TTXVN

Nhiều doanh nhân cho rằng cú hích cải cách này không chỉ nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) mà còn tạo sự hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa trong toàn xã hội.

Cần sự chuyển động của tất cả các bộ, ngành

Năm 2017, việc Chính phủ triển khai hợp nhất các đơn vị, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã tạo được động lực rất lớn cho các DN, bồi đắp niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo thật sự. Đây là cú hích để cộng đồng có thể tin tưởng, dựa vào đó mà mạnh dạn triển khai ý tưởng, thực hiện các đề án. Cụ thể, về tài chính, các vấn đề liên quan chính sách điều phối tiền tệ được thực hiện tốt, giúp DN có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhanh và dễ dàng. Các thủ tục về thuế được rút gọn, giảm nhiều thủ tục không cần thiết trong việc đăng ký kinh doanh cũng góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của các DN.

Riêng đối với ngành du lịch, một trong những chính sách quan trọng nhất được thực thi là triển khai cấp visa điện tử (e-visa). Việc cải thiện các thủ tục xuất nhập cảnh tạo sức bật rất lớn trong thu hút du khách nước ngoài, hình thành niềm tin đối với du khách vào một VN thân thiện, luôn sẵn sàng chào đón tất cả mọi người, từ đó tạo sức bật cho toàn ngành trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo.

Tuy nhiên để thực sự có được một Chính phủ kiến tạo, tạo ra được môi trường thuận lợi cho DN phát triển, cần sự chuyển động đồng đều của tất cả các bộ, ngành cho tới địa phương. Thực tế trong bộ máy nhà nước mới chỉ có một số bộ phận đứng đầu vận động thay đổi, vẫn còn không ít đơn vị bên dưới thực hiện theo tính chất quản lý, an toàn là chính khiến việc cải thiện bị ghìm lại, chưa được như kỳ vọng.

Với đà của năm trước, năm nay kỳ vọng Chính phủ sẽ có thêm những chính sách cụ thể, tác động sâu hơn nữa đến hoạt động kinh doanh của DN. Cùng với đó, các hiệp hội ngành nghề phải thể hiện được vai trò của mình trong việc kết nối các DN, tạo nên sức mạnh tập thể, không để tiếp diễn tình trạng kết nối lỏng lẻo, mang tính hình thức dẫn đến lãng phí nguồn lực, tiềm năng của ngành như hiện nay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel)

Khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ

Tôi đặc biệt quan tâm việc hàng trăm điều kiện kinh doanh được loại bỏ trong năm qua. Một quyết tâm cải cách hành chính đột phá của Chính phủ chứ không còn là câu chuyện kêu gọi bộ này, ngành nọ hãy cải cách, hãy thay đổi như lâu nay. Cải cách hành chính càng nhiều, DN càng dễ thở và hứng khởi hơn rất nhiều. Theo tôi, chính sách cải cách này đã bắt đầu có dấu hiệu lan tỏa khá tốt tại một số tỉnh thành. Chẳng hạn tại Long An, địa phương đang mời gọi đầu tư vào một số khu công nghiệp. Năm qua chúng tôi quyết định mở tiếp nhà máy sản xuất và lắp ráp thứ 4 của tập đoàn cũng do chính sách cải cách hành chính khá tốt ở đây. Mọi thủ tục từ giấy phép đầu tư, thuê đất, chính sách ưu đãi đầu tư… rất rõ ràng và minh bạch. Quan trọng là chúng tôi được hướng dẫn rất tận tình, không có tâm trạng “bị hành” trong quá trình xin giấy phép như tại một số địa phương mà chúng tôi bắt buộc phải bỏ cuộc ngay từ đầu.

Chính nhờ đột phá mang tầm quốc gia nên doanh nhân chúng tôi có quyền kỳ vọng nhiều hơn cho một năm mới 2018. Thứ nữa, phong trào quốc gia khởi nghiệp do Chính phủ đề ra trong năm qua đã xây dựng tinh thần sáng tạo và “tự lực tự cường” trong tâm lý giới trẻ rất lớn và những người khởi nghiệp trước phải tạo tấm gương cho thế hệ sau. Tôi tham dự nhiều hội nghị, diễn đàn bàn về vấn đề khởi nghiệp, gặp gỡ nhiều bạn khởi nghiệp thành công hoặc có kế hoạch bắt đầu. Có rất nhiều bạn trẻ chia sẻ được những ước mơ, dự định nghiêm túc và thực tế, chứ không phải chỉ ước mơ hão huyền. Năm 2018, tôi kỳ vọng phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhiều bạn trẻ có kinh nghiệm, có sự kiên trì và sáng tạo nhiều hơn. Có thể khi bắt đầu khởi nghiệp bạn chỉ nghĩ đến kiếm thật nhiều tiền, nhưng sau đó hãy nghĩ đến việc phải làm một cái gì có giá trị lan tỏa hiệu ứng tốt với xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, quốc gia phát triển bền vững hơn, không chỉ chuyện kiếm tiền và giàu có thế nào.

Ông Phạm Văn Tam (Người sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo VN)

Hành động để kiến tạo

Ngay từ đầu năm 2018, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra thông điệp mới là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Theo tôi, đây là thông điệp tiếp nối những gì mà Chính phủ đã làm được trong năm 2017. Đây sẽ là bước tiếp theo quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Chính phủ “liêm chính kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và DN”. Muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo thì buộc phải hành động mà hành động đó phải đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ lợi ích của người dân và DN.

Tại phiên họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi bộ máy chính quyền 63 tỉnh, thành “hãy hành động và hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn để chớp lấy thời cơ, đã nói là làm và làm ngay” và kiên quyết “Cần thay thế ngay những cán bộ nào lơ là công vụ, kém năng lực, thiếu nhiệt huyết, trách nhiệm”. Hành động đó là câu trả lời cho câu hỏi vì sao có tới 65% số ý kiến đại diện của DN tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN 2017 - lần thứ 2 bày tỏ mong muốn Chính phủ hãy “hành động”. Tôi nghĩ, đơn giản vì các DN mong muốn Chính phủ hành động thực thi chính sách nhiều hơn là nói. Lời nói đi đôi với việc làm, hành động cần mang lại hiệu quả.

Những tồn tại hiện nay về thể chế, cán bộ đang là cản trở rất lớn đối với cải cách của Chính phủ. Nếu Chính phủ hành động đáp ứng nhu cầu của DN, doanh nhân và người dân thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh, tạo nền tảng phát triển kinh tế bền vững theo hướng thị trường. Nếu chỉ nêu kiến tạo chung chung thì chẳng khác nào vẽ ra điều luật nhưng không làm, hô khẩu hiệu. Tôi cho rằng nếu Chính phủ hành động theo hướng kiến tạo thì DN sẽ có thay đổi lớn trong nhiệm kỳ của Thủ tướng. Đây chính là sự khác biệt lớn. Tôi còn nhớ GS Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị của Học viện Quốc phòng Úc, đã từng nhận xét: “Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một nhà điều hành và thực thi chính sách đầy năng lực, chúng ta có thể kỳ vọng vào những thành quả trong nhiệm kỳ của ông ấy”.

Tôi cũng tin, nơi nào có quyết tâm, nơi ấy có đường đi. Chính phủ cũng như một DN, nếu nghĩ mới làm mới, chỉ nghĩ những gì thiên hạ chưa nghĩ và chỉ làm những gì thiên hạ có thể đã nghĩ mà chưa dám làm thì tôi tin rằng nền kinh tế, cuộc sống người dân trong thời gian tới sẽ “cất cánh”. Tôi nghĩ rằng chính sách, luật pháp đưa ra hiện nay đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, Chính phủ cần có sự giám sát để các chính sách đó triển khai và được thực thi một cách có hiệu quả, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, chính sách ban hành một đằng nhưng ở các địa phương thực thi một nẻo, thậm chí đẻ thêm các thủ tục con hành người dân, DN, từ đó kìm hãm sự phát triển của đất nước. Điều các DN cần không phải là sự giúp đỡ về nguồn vốn mà là chủ trương, cơ chế, chính sách thông thoáng. Một khi đã có chủ trương đúng đắn, cộng với một cơ chế thông thoáng, từ các mối quan hệ của mình, DN có thể huy động được rất nhiều nguồn lực từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí nguồn lực trong dân để dựng xây đất nước lớn mạnh hơn, đẹp, hiện đại hơn.

Ông Đào Hồng Tuyển (Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu)

Mong môi trường kinh doanh bình đẳng

Thị trường bán lẻ VN đang cạnh tranh rất mạnh không chỉ giữa các DN trong nước mà còn có sự tham gia của nhiều tập đoàn nước ngoài. Đây là ngành phục vụ người tiêu dùng nên muốn thành công thì điều quan trọng nhất là DN phải lấy khách hàng làm trung tâm, xem người tiêu dùng cần gì và đáp ứng điều đó một cách tốt nhất. Bản thân khách hàng sẽ không quan tâm đó là DN nội hay ngoại, họ chỉ quan tâm nơi nào bán hàng chất lượng, giá phù hợp, ai phục vụ tốt hơn thì họ sẽ chọn đơn vị đó.

Lợi thế của các DN trong nước là đã ở trong thị trường lâu, dễ dàng nghe và hiểu được nhu cầu của khách hàng, từ đó có thể đáp ứng và chăm sóc được khách hàng một cách tốt nhất. Tuy nhiên, bất lợi là các tập đoàn nước ngoài có tiền nhiều, có thể mang tiền tỉ vào VN để chi khá “xa xỉ” trong khi DN trong nước lại không thể làm được điều đó. Nhưng trong ngành bán lẻ, tài chính lại chưa phải là yếu tố quyết định nhất. Nếu DN làm tốt thì tự động các nguồn vốn sẽ chảy vào để sinh sôi nảy nở.

Các chính sách của nhà nước trong thời gian qua khá tích cực và tôi hy vọng sắp tới sẽ tạo ra được môi trường kinh doanh với các chính sách bình đẳng, không tạo ra sự bất bình đẳng như có sự ưu đãi riêng cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Một môi trường kinh doanh bình đẳng như một mảnh đất tốt, gieo các hạt giống vào đó thì hạt nào khỏe sẽ sống tốt, hạt nào yếu sẽ chết đi là bình thường. Bất kỳ

sự ưu ái, hỗ trợ nào cũng sẽ khiến DN ù lì và khó phát triển mạnh. Giấc mơ của Thế Giới Di Động là hướng đến doanh thu 10 tỉ USD trong vòng 5 năm tới. Tôi tin rằng nếu môi trường đầu tư tốt cộng với khát vọng giúp ích cho đất nước thì sẽ ngày càng có nhiều DN của VN phát triển mạnh hơn, trở thành những tập đoàn lớn trên thị trường. Bởi xét về nhiều thứ, thì các doanh nhân và DN Việt sẽ không thua kém gì những DN nước ngoài.

Ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động)

Đại biểu doanh nhân trẻ, cá nhân khởi nghiệp phát biểu khi gặp lãnh đạo TP.HCM Ảnh: Đ.N.T

Kỳ vọng hình thành nền kinh tế số

Với những thay đổi và hành động quyết liệt của Chính phủ trong năm 2017, tôi tin trong năm 2018, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ tăng trưởng theo đúng kỳ vọng và mục tiêu đề ra. Còn đứng trên cương vị một DN, tôi kỳ vọng năm nay Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy hình thành nền kinh tế số. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để VN có thể thay đổi vị thế trong cuộc cách mạng 4.0, cuộc cách mạng của tốc độ.

Ngoài ra, trong năm 2017 đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng tỷ lệ đi vào thực tiễn chưa cao, chẳng hạn như việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực ngành công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, còn một số chính sách cản trở sự phát triển của DN như Nghị định 102 về đầu tư dự án công nghệ thông tin. Do đó, chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Bản thân Tập đoàn FPT năm nay sẽ kỷ niệm 30 năm thành lập, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 2 chữ số, từ khóa của FPT trong năm này sẽ là “Tiên phong chuyển đổi số”. Với định hướng này, FPT sẽ tiếp tục cùng tiên phong đồng hành cùng các tập đoàn sở hữu công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng số chuyển đổi số cho khách hàng trên toàn cầu. Tập trung phát triển các giải pháp trên nền tảng công nghệ 4.0 như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số... góp phần hình thành và phát triển nền kinh tế số của VN. Đồng thời tiên phong nghiên cứu và đưa các ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... vào thực tiễn hoạt động DN VN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT)

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Dự báo nhiều yếu tố thuận lợi cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng (18/02/2018)

>   Để Việt Nam trỗi dậy thành "con hổ" mới (17/02/2018)

>   Kinh tế Việt Nam 2018 qua góc nhìn của 5 'đại chuyên gia' (13/02/2018)

>   Dự trữ ngoại hối đã ở mức an toàn? (13/02/2018)

>   Chính phủ chỉ đạo giảm, sáp nhập hàng loạt cơ quan (12/02/2018)

>   Tình hình giá cả thị trường năm 2017 và dự báo năm 2018 (12/02/2018)

>   Năm 2018, TPHCM đặt mục tiêu tăng GRDP từ 8.3% đến 8.5% (08/02/2018)

>   Chắp cánh cho kinh tế tư nhân (08/02/2018)

>   Cẩn trọng với lạm phát (05/02/2018)

>   Tự do kinh tế: Việt Nam thua cả Lào và Campuchia (04/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật