Thứ Năm, 22/02/2018 10:10

Tại vì đã quen phi thương bất phú

Những người xách giỏ đi chợ đều đều mỗi ngày, chẳng bao giờ, thoáng chút ngạc nhiên khi thấy chợ những ngày giáp Tết nở phình, tràn lan tùm lum như nước đổ xòa ra từ cái ly bị rớt bể tan từng mảnh. Càng nhiều hàng bán cùng một thứ càng nhiều lựa chọn, khỏi lo bị mua giá mắc.

Năm nay giống năm rồi, năm rồi giống năm trước, cứ thế, từ hăm bảy, hăm tám Tết, những con đường bên ngoài chợ, đột nhiên, có thêm nhiều lắm những người bán hàng lạ hoắc. Kẻ ngồi tại chỗ bày bán rau củ, trái cây, bánh chưng, bánh tét, gà vịt còn sống nhăn, giãy giụa tưng bừng, bay tung lông lá. Người đi ngang dọc, bán bao lì xì và những miếng giấy đỏ in chữ mong cầu may mắn, bình yên bằng hai loại chữ (người mua tùy chọn sau khi đã biết chắc chữ đó có nghĩa là gì). Có người chỉ bưng một rổ trầu cau vôi, đứng, ngồi, hoặc đi lại tùy lúc, cũng bán được hết. Có bán có lời. Phải tranh thủ chứ, buôn nọ bán kia mấy ngày Tết, trước mắt kiếm được mớ tiền xoay xở cho có cái Tết với người ta, còn nếu thuận lợi hơn, biết đâu chừng có thể đủ xài tới qua Giêng.

Chuyện trở thành một người đi bán cứ diễn ra tự nhiên như hít thở, ăn cơm uống nước mỗi ngày. Thì từ hồi con nít chưa biết chữ đã quen chơi trò bán đồ hàng rồi mà, không có ai làm người mua thì tự bán cho mình, một mình đóng hai vai: bán, mua, trả tiền, thối tiền, ăn, rửa tô (giả bộ). Tới chừng đi học thì nhét đầy cặp táp, ba lô nào bánh, nào kẹo... bán cho bạn cùng lớp. Thời đại mạng miếc toàn cầu thì bán hàng qua Zalo, Lazada, Facebook... Cô giáo, bác sĩ, nhân viên hành chính... biết gì bán nấy. Bưởi, cá khô, dầu gió, quần áo, mỹ phẩm, muối tôm, tóp mỡ chiên nước mắm tỏi ớt...

Suốt ngày, từ sáng sớm tinh mơ tới đêm hôm khuya khoắt, lúc nào cũng có người bán thứ gì đó. Đông đúc nhất là đồ ăn thức uống.

Trong công viên có chị bán hàng xách (trên) tay, khách hàng thân thiết là những người đi tập thể dục. Hai tay chị xách đủ đồ ăn chơi, ăn bữa chính. Chả lụa, bánh chưng, đậu phộng luộc, rau xanh và nhiều thứ nữa không nhìn được vì túm chặt trong bao nylon tối màu.

Trong những ngõ hẻm rộng xe hơi vào được, hoặc nhỏ chật ngoằn ngoèo, không tính những căn nhà bán đồ tạp hóa, thường có một đôi quang gánh, một chiếc xe đạp bày ra cái chợ tí hon. Rau củ các loại, bầu, bí, mướp, dưa leo, hành ngò chanh tỏi ớt, thịt heo bò gà, cá sông cá biển, tôm tươi tôm khô... Nhờ vậy mà người già coi nhà, giữ cháu khỏi phải đi ra tuốt ngoài chợ nắng nôi xa xôi, khỏi lo cái cảnh nhà vắng chủ cho bọn trộm cắp tung hoành.

Bán nhỏ, bán lẻ rầm rộ nên buổi sáng ở đầu hẻm cũng bị kẹt xe. Không kẹt sao được khi một bên hẻm là xe bánh mì một phút mấy giây, một bên là xe gimbap cuộn rong biển ba kiểu hấp dẫn, chiên xù, không chiên, cuộn trứng, cách đó một căn là xôi gà với món độc da gà chiên giòn, cách hai căn là xe hủ tiếu mì, phở bò, miến gà đồng giá, cách bốn căn là xe cơm chiên Dương Châu, bánh bao, xúc xích nướng... Người mua toàn đi xe hai bánh, mười chiếc thì tới chín chiếc là xe tay ga có phần nở hậu kềnh càng. Khách đông phải chờ, càng chờ càng đông. Vậy là thành ra vụ việc kẹt xe trên con đường hẹp cấm xe hai mươi lăm chỗ.

Sau khi thoát ra khỏi hẻm, tới ngã tư sẽ gặp thêm cơm tấm, bánh mì chả cá, bún riêu, rồi bánh cuốn nóng có nhân, có chả mười lăm ngàn một hộp... Tỉ mỉ mà đếm thì một bên lề đường, chừng năm chục thước, thường có năm hàng ngồi chồm hổm bán đồ ăn sáng, chưa tính những hàng bán trong sân, trong nhà. Trên khúc đường đó, hàng ăn sáng đang dọn vào, thì ăn trưa, ăn xế vừa kịp dọn ra. Hàng ăn xế còn khách, thì hàng ăn tối đã mở nhạc, sáng đèn. Đó là những hàng cố định trong nhà, ngoài đường còn xe đẩy, xe đạp, xe máy, xe tải nhỏ, quang gánh, đi bộ đeo trước ngực, hoặc vác trên vai một cái kệ treo lủng lẳng bông ráy tai, móc khóa, tăm xỉa răng... đi rong đường sá phố phường. Tùy theo loại, hàng im lặng mà đi, hàng rao ông ổng, liền liền qua cái loa với tiếng thu sẵn. Hàng rao bằng miệng theo kiểu, dùng từ theo thời thượng bây giờ là “live” thì hiếm lắm, chỉ còn ve chai, vé số. Ve chai rao hai tiếng ngắn gọn, ngắt quãng. Vé số có kiểu rao riêng, cứ đọc ra rả những con số hàng chục, mà dân trong nghề thuộc làu số nào là con thú nào.

Cũng vì chuyện bán hàng mà có ông tổ trưởng khu phố cứ đòi xin thôi giữ chức. Nói nhỏ mà nghe, ông có chiếc xe đẩy bán đồ ăn vặt trước cổng trường học. Có hồi sắp xếp trật tự lòng lề đường quyết liệt quá, ông than “căng thẳng thấy bà”. Một buổi sáng chưa rõ mặt người, thấy ông lui cui đem “cái xe kiếm ăn” vào hẻm bên cạnh, gửi nhờ vì nhà có đám hỏi con gái út. Lúc đó mới thấy ông là một người bán hàng rong vất vả, không còn vẻ thung thăng thường ngày gọi cửa đưa giấy kêu đi họp tổ, thu các loại tiền quỹ xã hội.

Lại nhớ hồi xưa, mấy bạn học cùng lớp có cha mẹ làm công chức không thèm chơi với tôi. Lý do là gì thì có lần, tôi, chắc nhờ có số hên, nên được nghe lóm họ nhắc tới tôi bằng cái tên dài thòng “cái đồ con nhà bán thịt bò”, chứ không thèm gọi bằng tên trong sổ gọi tên ghi điểm của lớp. Lúc đó, tôi chẳng thấy tức giận, chỉ càng nhìn thấy rõ hơn thân phận tầng lớp của mình. So với con nhà đi làm ăn theo giờ hành chính, Chủ nhật ngày lễ được nghỉ mà vẫn ăn lương nhà nước, thì con nhà buôn bán là hạng thấp kém, đừng hòng trèo đèo kết bạn kết bầy với chúng, chỉ có phí công, thêm tủi mà thôi.

Bây giờ nhà nhà buôn bán, người người bán buôn, buôn sỉ bán lẻ tùy theo sức của mình, mạnh ai nấy tự xưng. Người bán hàng qua mạng, trên mạng bây giờ nhiều có lẽ còn hơn số người ngồi bán hàng dãi nắng dầm mưa ngoài chợ. Nên thấy mừng cho con nít bây giờ, chắc đã hết rồi mặc cảm tự ti, xấu hổ vì nhà mình làm nghề buôn gánh bán bưng, bán rong, bán lẻ? 

LƯU THỊ LƯƠNG

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khách đi Myanmar lên nhầm máy bay Vietnam Airlines đến Singapore (20/02/2018)

>   Hàng chục chuyến bay bị hủy, lãnh đạo CHK Vinh nói gì? (20/02/2018)

>   Méo mặt đi Uber, Grab ngày Tết vì giá cước cao ngất (17/02/2018)

>   Hoa tết ế, thương nông dân, nhưng người tiêu dùng không có lỗi (16/02/2018)

>   Tết của ai? (15/02/2018)

>   Ta tự đi tìm niềm vui Tết cho ta (14/02/2018)

>   "Lì xì biến tướng thành món lợi nhuận chứ không còn là sự chúc mừng đầu năm mới" (14/02/2018)

>   Uber, Grab: Rồi cũng “tát nước theo mưa”? (14/02/2018)

>   Rau, củ quả chợ lẻ tăng gấp đôi, thịt heo 'công ty' giảm giá (13/02/2018)

>   Dạy con sao để khỏi 'quê' vì lì xì? (13/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật