"Lì xì biến tướng thành món lợi nhuận chứ không còn là sự chúc mừng đầu năm mới"
Đây là lời chia sẻ của PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - trước những biến tướng của việc mừng tuổi đầu năm.
Mừng tuổi đầu năm đang bị biến tướng.
|
Theo đó, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung phân tích, phong tục chúc tết và mừng tuổi tết là một truyền thống có từ lâu đời. Từ thời Lý, thời Trần kể cả trong cung đình, Vua cũng chúc tết quần thần, bách tính và mọi người đều chúc tết lẫn nhau. Việc chúc tết, mừng tuổi dịp tết mang đậm tình cảm và ý nghĩa nhân văn, không câu nệ mừng nhiều hay ít. Có thể chỉ mừng tuổi một chinh, một khắc, một câu chúc hoặc bằng hiện vật, nếu như mừng bằng tiền thì vô cùng nhỏ bé chứ không có giá trị nhiều.
Những năm 60, 70 thời kì mới thống nhất đất nước, phong tục truyền thống vẫn giữ được. Việc chúc tết và mừng tuổi tết thiên về tình cảm chứ không nặng về vật chất. “Nhưng trong khoảng 20 năm trở lại đây, xu hướng mừng tuổi dường như đang bị biến tướng, người ta mừng tuổi nhau với giá trị rất lớn, có khi là một chục, hai chục nghìn đô và đằng sau cái mừng tuổi ấy không có sự vô tư, trong sáng mà luôn kèm theo những mục đích như thăng quan tiến chức, giúp đỡ học tập để được điểm cao, hay phân đất phân nhà… Tất cả được lồng ghép trong quyền lợi cá nhân của họ” – chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung phân tích.
Cũng theo chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung, xuất phát từ điều đó nên hiện nay nhiều người lợi dụng phong tục mừng tuổi tết để tiếp cận với lãnh đạo, họ mưu cầu lợi ích cá nhân. Điều này gây ảnh hưởng không ít tới các cháu nhỏ.
“Ngày nay, chúng ta có thể thấy một thực trạng đáng buồn đó là khi được mừng tuổi, nhiều cháu nhỏ dở ra xem nhiều hay ít, ai mừng tuổi nhiều thì khen, ai mừng tuổi ít thì chê, thậm chí là không lấy. Điều này vô hình chung hình thành cho các cháu nhỏ ý thức rằng mừng tuổi là một món lợi nhuận chứ không còn thuần túy là sự chúc mừng nhân dịp đầu năm mới nữa” – chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung nói.
Ông Trung nói thêm, việc chúc tết, mừng tuổi tết hiện nay đang núp dưới chiêu bài tình cảm mà để hạn chế tình trạng này chủ yếu chỉ dựa vào tinh thần tự giác của người dân. Điều này đến từ hai phía, cả phía nhận và phía mừng đều phải nhận thức được điều này là không nên, đừng để những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa, văn minh của truyền thống mừng tuổi ngày tết trở thành một dịp để chuộc lợi, để mua bán chức quyền, mua bán quyền lợi.
N.Hà
lao động
|