Thứ Sáu, 23/02/2018 13:48

Sẽ không còn "một cái bánh cõng 13 giấy phép"

Nghị định 15 là một trong rất ít các nghị định mà Chính phủ quyết tâm có hiệu lực ngay từ ngày ký...

Nhắc lại hai từ "cách mạng" được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khi nói về nghị định này, ông Long cụ thể hơn là, "cách mạng" lớn nhất chính là thay đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Cuộc cách mạng, luồng gió mới, món quà đầy trách nhiệm..., hình như chưa bao giờ ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại dùng từ ngữ mạnh mẽ như thế để nói về một nghị định mới.

Đó là Nghị định 15/2018/NĐ- CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, nội dung được phổ biến tại hội nghị do VCCI tổ chức hôm 23/2.

"Cách mạng"

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh rằng, đây là một trong rất ít các nghị định mà Chính phủ quyết tâm có hiệu lực ngay từ ngày ký (2/2/2018).

Nhắc lại hai từ "cách mạng" được Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khi nói về nghị định này, ông Long cụ thể hơn là, "cách mạng" lớn nhất chính là thay đổi phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Quy định về quản lý rủi ro và nguy cơ, theo Thứ trưởng Long đã phù hợp với thông lệ của quốc tế, bắt kịp quản lý của các nước tiên tiến.

Trong nhiều nội dung được thay đổi rất căn bản, mạnh mẽ, Thứ trưởng Long lấy ví dụ về quy định thủ tục tự công bố sản phẩm. Thủ tục này trước đây phải gửi đến rất nhiều cơ quan để xin giấy phép, từ đó đẻ ra rất nhiều giấy phép con nên có tình trạng "một cái bánh cõng 13 giấy phép".

Nghị định này không quy định giấy phép nào nữa mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tự công bố khi đủ tiêu chuẩn an toàn, cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm, xử lý vi phạm nếu có, ông Long cho biết.

Vị Thứ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh thêm điểm mới là ngay sau khi tự công bố thì cá nhân, tổ chức có quyền kinh doanh.

Điểm mới tiếp theo được ông Long nói đến là sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và kiểm tra hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây.

Thay đổi ở nội dung này, theo ông Long là tiết kiệm rất lớn thủ tục hành chính, sẽ không còn đại diện 3 bộ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu nữa mà chỉ có hải quan.

Nghị định lần này quan tâm nhất là chỉ tiêu về mặt an toàn, Bộ sẽ ban hành danh mục các chất cần được kiểm nghiệm xét nghiệm trước khi lưu thông, đồng thời cũng đang dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Long cho biết.

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ

Giới thiệu cụ thể hơn về nghị định, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết nghị định gồm 13 chương, 44 điều, điều chỉnh 11 vấn đề. Ngoài thủ tục tự công bố sản phẩm thì quy định về quảng cáo thực phẩm cũng có điểm rất mới.

Như, trước đây tất cả sản phẩm đều phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo. Nay nghị định chỉ quy định hai loại phải thực hiện thủ tục này. Một là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Hai là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại điều 7 của Luật Quảng cáo.

Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm lâu nay vẫn được cho là nhiều bất cập. Với nghị định này, điểm mới được nhấn mạnh là quy định đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.

Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành công thương quản lý, trừ trường hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ hai cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị định 15 thực sự là cuộc cách mạng trong quản lý an toàn thực phẩm, là dấu chấm hết cho thời kỳ gian nan của các doanh nghiệp khi thực hiện Nghị định 38 - vốn được cho là hết sức hành chính và hình thức mà không nâng cao được sự an toàn thực phẩm.

Trên 90% thủ tục của lĩnh vực này được cắt giảm, nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp lại được nâng lên 100%, ông Lộc đánh giá.

Bên cạnh trách nhiệm tập thể, đề cao vai trò cá nhân trong "cuộc cách mạng" này, Chủ tịch VCCI nhắc đến danh tính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong.

Sự thay đổi phương thức quản lý tại nghị định được cho là sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng ông Lộc cho rằng có ý nghĩa hơn con số này là sự thay đổi về tư duy.

Đây là nghị định mang dấu ấn cải cách, là món quà đầy trách nhiệm cho dân và doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.

HÀ VŨ

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Úc kiểm tra chuỗi sản xuất tôm Việt Nam (23/02/2018)

>   5 ngành công nghiệp hứa hẹn bùng nổ nhờ ứng dụng AI năm 2018 (22/02/2018)

>   Động lực cho tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không? (25/02/2018)

>   Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không buông xuôi ở nhà máy Đạm Ninh Bình (22/02/2018)

>   Người nuôi cá tra lãi lớn (22/02/2018)

>   Sau Tết, nhiều doanh nghiệp phải chờ công nhân trở lại (22/02/2018)

>   Hàng Việt hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do AANZFTA (22/02/2018)

>   Thủ tướng đồng ý cho đầu tư nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao tại Ninh Bình (22/02/2018)

>   Con tôm vươn tầm thế giới (22/02/2018)

>   EVN phải đảm bảo kinh doanh có lãi với chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn từ 3% trở lên giai đoạn 2016-2020 (21/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật