NÓI THẲNG: Taxi truyền thống hay Grab, Uber - ai đúng?
Dưới góc độ người tiêu dùng, tôi quyết ngay: Grab và Uber.
Vì sao? Vì giá rẻ. Tiện dụng. Nhanh chóng. Phục vụ tốt.
Nhưng dưới góc độ công dân, một công dân có trách nhiệm với xã hội, tôi phải cân nhắc. Lưỡng lự là bởi qua theo dõi phiên tòa TAND TP HCM xử vụ Vinasun kiện GrabTaxi hai ngày 6 và 7-2, tôi thấy GrabTaxi chưa minh bạch.
Nói rõ hơn là chưa sòng phẳng. Phải chăng do không phải thực hiện một cách đầy đủ và sòng phẳng các nghĩa vụ đối với nước sở tại, cụ thể là Việt Nam, nên GrabTaxi mới có khả năng đưa ra các dịch vụ hấp dẫn người dùng, thu hút tài xế "đối tác vận tải" đến vậy?
Cũng nhờ lợi thế cạnh tranh vậy mà GrabTaxi đẩy Vinasun (và nhiều hãng taxi truyền thống khác) vào thế chống đỡ vất vả.
Tại 2 ngày xét xử, rõ ràng GrabTaxi chưa trả lời được hoặc còn vòng vo trước hàng loạt câu hỏi của chủ tọa. Nếu minh bạch, sòng phẳng thì đại diện pháp lý của GrabTaxi không khó để trả lời từng vấn đề và làm được như vậy thì GrabTaxi đã chiếm ưu thế ban đầu trong cuộc chiến pháp lý này, có thể tác động tới phán quyết của tòa về sau.
Dù có phần không ưa Vinasun vì taxi truyền thống để lại dấu ấn không đẹp trong mắt hành khách nhưng những luận cứ họ nêu tại tòa và qua phần xét hỏi của chủ tọa, có thể thấy họ kiện là có lý và nếu không tiên phong làm như vậy thì hoạt động kinh doanh vận tải sẽ còn bát nháo đến bao giờ.
Trước hết, GrabTaxi không thể chối bỏ việc họ cùng ngành nghề kinh doanh với Vinasun, là taxi, như cái tên đã đăng ký của họ; đó là chưa kể các ngành, nghề kinh doanh vận tải mà GrabTaxi đã đăng ký, bao gồm: H4931: "Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành" (trừ vận tải bằng xe buýt), H4932: "Vận tải hành khách đường bộ khác", H4933: "Vận tải hàng hóa bằng đường bộ". GrabTaxi khó mà chứng minh được mình chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng chứ không kinh doanh vận tải. Mọi chứng cứ sờ sờ ra đó.
Và hầu hết chúng ta đã đi Grab, đều biết việc quyết định giá cước đi từ điểm A đến B bao nhiêu, là do GrabTaxi quyết chứ chẳng phải bác tài nào quyết. Ngay cả việc chỉ định bác tài nào chạy, khen hay phạt bác tài, khuyến mãi bao nhiêu phần trăm giá, khuyến mãi bao nhiêu đợt trong ngày, trong tuần..., làm gì bác tài có quyền. Thậm chí, tăng hay giảm chiết khấu đối với bác tài là do hãng, đã mấy lần cánh tài xế tập trung phản đối, bỏ việc là do Grab tăng thu chiết khấu đó sao?
Ai thu tiền hành khách? Nếu tiền mặt, bác tài được một phần, còn lại của hãng. Nếu trả qua tài khoản thì đó là tài khoản của Grab (hãng sẽ chia lại cho bác tài). Hai năm rõ mười như vậy mà bảo là chỉ cung ứng dịch vụ phần mềm đặt chỗ chứ không kinh doanh vận tải là ngụy biện. Đó là chưa nói Grab còn mua bảo hiểm cho tài xế và cho khách với giá trị cao, lại còn hợp tác với các ngân hàng để hỗ trợ bác tài đối tác vay đến 90% giá trị xe để mua xe mà chạy cho Grab. Hỏi, trên thế giới, có doanh nghiệp nào tốt bụng đến vậy?
Chủ tọa phiên tòa truy Grab về danh sách gọi là "hợp tác xã vận tải" mà Grab cho là đối tác của hãng (theo Grab, các bác tài đầu quân qua những hợp tác xã này), đại diện Grab nói do không phụ trách kinh doanh nên không biết, hồi sau thì bảo "sẽ cung cấp sau". Tôi đồ rằng làm gì có cái danh sách ấy để mà cung cấp, tức là chả có "ông hợp tác xã" nào quyết định giá dịch vụ Grab cả!
Thay vì đưa ra lý lẽ để phản bác những cáo buộc của Vinasun trong vụ kiện đòi đền bù thiệt hại ngoài hợp đồng này, phía GrabTaxi cứ loanh quanh đòi xem lại thẩm quyền của tòa án, đòi đình chỉ vụ án và cứ "cù nhầy" kiểu như "bảo tôi sai sao chưa thấy cơ quan chức năng nào phạt"?
GrabTaxi cũng đã bị Cục Thuế TP HCM thanh tra và truy thu, phạt 2,98 tỉ đồng. Ba năm hoạt động tại Việt Nam, họ đóng thuế 9,5 tỉ đồng thôi; còn Vinasun đóng 1.200 tỉ đồng cùng thời gian. Và năm nào Grab cũng báo lỗ, gộp hơn 938 tỉ, chủ tọa hỏi lỗ thế thì lấy gì bù đắp khoản lỗ ấy trong khi vẫn cứ hoạt động ồ ạt và ngày càng mở rộng? Nhìn cách Grab "ấm ớ hội tề" sau câu hỏi, tôi chợt nhớ đến một số hãng nước ngoài như C., M.&C. vào Việt Nam kinh doanh và báo lỗ liên tục, sau đó bị cơ quan chức năng làm rõ đó là trò chuyển giá, chuyển lãi về công ty mẹ, ở nước sở tại thì báo lỗ để né thuế.
Không thực hiện nghĩa vụ về thuế thì không chỉ phạm luật mà còn bất nghĩa với người tiêu dùng nước sở tại. Thương hiệu nào dù có tiện dụng, giá rẻ đến mấy mà làm trái điều này thì không thể được chấp nhận. Lợi ích quốc gia và lâu dài là trên hết, đâu thể vì cái lợi trước mắt mà xuê xoa, để người ta làm bậy và qua mặt.
Các cơ quan chức năng trong đó có Bộ GTVT đã khẳng định loại hình hoạt động của GrabTaxi đích thị là kinh doanh vận tải taxi. Cũng chính Bộ GTVT cho phép GrabTaxi thực hiện thí điểm Đề án 24 - theo đó Grab là doanh nghiệp kinh doanh phần mềm ứng dụng - nhưng khi triển khai đề án thì bản chất lộ rõ là doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi. Ở chỗ này, phải trách Bộ GTVT đã không kiểm soát được. Nếu không kiểm soát được phải dừng ngay Đề án 24 và xử lý sai phạm.
Bộ GTVT cũng đã rất chậm chạp trong việc tham mưu các thiết chế pháp lý để quản lý các loại hình như Grab, Uber. Làm quản lý nhà nước thì không được duy tình, hễ phạm luật chơi thì phải xử chứ không thể vì thấy rẻ, có cảm tình với người tiêu dùng mà làm ngơ. Tòa án EU đã phán quyết Uber (tương tự Grab) là kinh doanh vận tải bằng taxi. Nhiều nước EU cũng đã tống khứ những thương hiệu như vậy vì chơi trò hai mặt. Lẽ nào các nước châu Âu kém tiến bộ hơn ta?
Không đứng về phía bên nào, chỉ đứng về phía lợi ích quốc gia thì thấy GrabTaxi đã chưa sòng phẳng, nay và sắp tới muốn tiếp tục được yêu thích thì phải làm nghĩa vụ "trả nợ", đồng thời cũng là để công bằng trong cạnh tranh. Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, muốn vào đây làm ăn thì điều tiên quyết phải tuân thủ luật. Còn nếu họ không tuân thủ luật mà vẫn tồn tại và sống tốt thì đó thuộc về lỗi các cơ quan chức năng Việt Nam.
Về phần mình, Vinasun và nhiều hãng taxi truyền thống khác phải đổi mới mạnh mẽ, dẹp bỏ tư duy làm ăn cũ. Khách hàng là trên hết, chắc Vinasun cũng biết vậy nhưng chưa thấy làm vậy!
Hoài Phương
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|