Nhịp đập Thị trường 06/02: Thu hẹp đà giảm vào phút cuối
Giao dịch về cuối phiên chiều khá bất ngờ khi các chỉ số thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể vào phút cuối. Bất động sản và thực phẩm - đồ uống là những ngành có hồi phục ấn tượng nhất.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 37.11 điểm tương đương 3.54% xuống mức 1,011.6 điểm. HNX-Index giảm 2.78% xuống mức 115.64 điểm.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 93 mã tăng điểm và 442 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán vẫn tiếp tục áp đảo bên mua.
Ngành khai khoáng và tiện ích giảm mạnh nhất thị trường. Đồng USD khởi sắc và sản lượng dầu tại Mỹ tăng cao đã đẩy giá dầu WTI xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần. Điều này ảnh hưởng khá tiêu cực đến các cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS, PVC, PVB, GAS…
Riêng PVD, giá đã phá vỡ MA 20, MA 50 và MACD cũng đã cho bán trở lại. Nếu trong các phiên tới MACD rơi xuống dưới ngưỡng 0 thì rủi ro sẽ tăng lên mức rất cao.
Ngành bất động sản nằm trong top giảm mạnh của thị trường trong phiên sáng nhưng lại thu hẹp đà giảm hết sức ấn tượng trong phiên chiều.
Mã NVL là điểm sáng của ngành này. Khối lượng của NVL thường xuyên nằm ở mức cao chứng tỏ dòng tiền đang tập trung mạnh vào cổ phiếu này. Nếu có điều chỉnh xảy ra thì vùng 74,000-78,000 sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho NVL.
Gây ấn tượng không kém là mã VIC. Giá đã phục hồi mạnh sau khi giảm sàn vào đầu phiên sáng và về lại mức tham chiếu. Vùng 70,000-75,000 được đánh giá là hỗ trợ mạnh nếu đà giảm vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Ngành thực phẩm - đồ uống cũng được giới đầu tư quan tâm. Mã MSN có khối lượng tăng trưởng gấp 3 lần bình thường và lộ sắc xanh vào cuối phiên.
Mã VNM cũng có khối lượng tăng trưởng mạnh tương tự dù không tăng điểm trở lại. Điều này cho thấy nhà đầu tư không có hiện tượng hoảng loạn và vẫn đang miệt mài gom hàng ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Ngành ngân hàng phân hóa mạnh khi STB tăng trưởng trở lại trong khi CTG, BID... giảm sâu. Vùng 13,500-15,000 của STB được giới phân tích đánh giá là rất mạnh.
14h: Cầu vào nhóm bất động sản
Đà giảm của phiên sáng đã được thu hẹp một chút. Lực cầu bắt đáy ở nhóm bất động sản khá mạnh.
Độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng về bên bán với 48 mã tăng và 492 mã giảm.
Chỉ số VN-Index còn giảm khoảng 5% và nằm dưới mốc tâm lý 1,000 điểm. Theo đánh giá của giới phân tích chỉ khi nào VN-Index vượt lên trên ngưỡng này thì mới hi vọng có phục hồi mạnh xảy ra. HNX-Index giảm 4.45% và đang ở mức 113.64 điểm.
Ngành bất động sản gây nhiều chú ý nhất. Trong phiên sáng ngành này có nhiều mã giảm sàn và nằm trong top giảm mạnh của thị trường nhưng hiện nay đã thu hẹp khá nhiều.
Mã NVL tiếp tục là điểm sáng của ngành này. Khối lượng của NVL tiếp tục duy trì mức cao chứng tỏ dòng tiền đang tập trung mạnh vào cổ phiếu này. Nếu có điều chỉnh xảy ra thì vùng 74,000-78,000 sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho NVL.
Ngoài ra, mã VIC đã thu hẹp đáng kể đà giảm. Vùng 70,000-75,000 được đánh giá là hỗ trợ mạnh nếu đà giảm vẫn tiếp tục trong thời gian tới.
Ngành công nghệ thông tin đã giảm rất nhiều trong suốt nhiều tháng qua nên hiện tại các mã cổ phiếu trong ngành này hầu như giảm không đáng kể. Đây có thể được coi là đối tượng đầu tư tiềm năng trong thời gian tới. Các cổ phiếu tiêu biểu trong ngành là CMT, ITD…
Biến động của ITD trong vòng 3 năm qua
|
Thị trường đã điều chỉnh đủ mạnh để cân nhắc chuyện bán mua?
Với mức giảm nhanh chóng chỉ sau 2 ngày thị trường đang tạm quay về mức đầu năm 2018. Và mức sụt giảm gần 10% này là điều chỉnh phù hợp để dừng lại cân nhắc chuyện giao dịch hay không giao dịch.
Đó là chia sẻ của lãnh đạo đến từ một công ty quản lý quỹ đầu tư trước diễn biến của thị trường hiện nay. Theo vị này, nguyên nhân lao dốc mạnh trong 2 ngày qua một phần bởi tình hình Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới với nhiều thông tin như việc tăng lãi suất của Fed, giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và thị trường đã tăng rất mạnh trong năm 2017 khiến nhà đầu tư chốt lời. Trong nước cũng có những yếu tố tác động như tâm lý nhà đầu tư, rút tiền dịp trước Tết Nguyên đán, đóng tiền cho các đợt IPO hay siết chặt margin trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên những yếu tố này cũng đã “âm ỉ” và “lai rai” từ trước và chỉ góp phần nhỏ, còn vấn đề tác động mạnh nhất có lẽ cũng là do thị trường đã tăng quá mạnh trong năm vừa qua.
Nhưng mức sụt giảm của thị trường khác hoàn với câu chuyện hơn 10 năm về trước tại thời điểm 2007 vì yếu tố hỗ trợ tốt từ nền tảng. Với mức giảm nhanh chóng chỉ sau 2 ngày thị trường đang tạm quay về mức đầu năm 2018. Và mức sụt giảm gần 10% này là điều chỉnh phù hợp để dừng lại cân nhắc chuyện giao dịch hay không giao dịch, đã đủ mạnh để bắt đầu nhìn lại liệu có nên bán tiếp và bán bằng mọi giá hay không? Và vị này dự báo đà giảm sẽ không kéo dài. Còn chuyện phục hồi của thị trường có lẽ còn phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới bởi mức độ tương quan giữa thị trường Việt Nam và thế giới đã tương đối cao.
Với cái nhìn trong dài hạn, các yếu tố thị trường vẫn ổn và nhà đầu tư nên bình tĩnh không bán tháo cổ phiếu.
Một yếu tố khác cũng đáng lưu ý là trên thị trường hợp đồng tương lai, mặc dù giá các mã hợp đồng đều giảm nhưng vẫn cao hơn chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở với độ lệch khá cao, tức là vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tăng trong tương lai.
Trở lại với thị trường hiện tại, kết phiên sáng, nhóm ngành tài chính giảm sâu nhất. Các mã cổ phiếu thuộc nhóm tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cùng với khai khoáng, bất động sản là những ngành giảm mạnh nhất thị trường.
Chỉ số VN-Index xuống mức 987.45 điểm, giảm 5.84%; HNX-Index dừng tại mức 111.99 điểm, tương đương mức giảm 5.85%.
Giao dịch trên cả hai sàn khá bi quan và thận trọng. Bên bán chiếm ưu thế vượt trội với 50 mã tăng và 480 mã giảm.
Về nhóm ngành, nhóm khai khoáng có mức giảm lớn nhất. Đồng USD khởi sắc và sản lượng dầu tại Mỹ tăng cao đã đẩy giá dầu WTI xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần. Điều này ảnh hưởng khá tiêu cực đến các cổ phiếu trong ngành dầu khí như PVD, PVS, PVC, PVB…
Các ngành giảm mạnh tiếp theo đều thuộc nhóm tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngành chứng khoán có đặc điểm nổi bật là mẫu hình Falling Window đều đồng loạt xuất hiện trên đồ thị giá của các cổ phiếu SSI, HCM, VND, SHS… Điều này chứng tỏ tâm lý của nhà đầu tư đang rất bi quan trong ngắn hạn.
Ngành ngân hàng cũng nằm trong nhóm các ngành giảm mạnh nhất thị trường. Giá các cổ phiếu như VCB, CTG, SHB… đều phá vỡ các đường MA ngắn hạn trong phiên giao dịch sáng nay. Vì vậy, quá trình điều chỉnh, rung lắc dự kiến sẽ còn tiếp tục.
Mặc dù ngành bất động sản giảm mạnh với nhiều mã nằm sàn như VIC, DXG, DRH, HAR… nhưng NVL lại tăng điểm. Đây là điểm sáng hiếm hoi trong phiên giao dịch sáng nay. Khối lượng của NVL cũng duy trì mức cao trong suốt nhiều tuần qua chứng tỏ dòng tiền đang tập trung mạnh vào cổ phiếu này. Nếu có điều chỉnh xảy ra thì vùng 74,000-78,000 sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho NVL.
10h40: Khối ngoại không còn mua ròng như các đợt điều chỉnh trước
Sự điều chỉnh của thị trường Mỹ tối qua và thị trường châu Á sáng nay tiếp tục tác động mạnh đến nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên, có một điểm cần chú ý là khối ngoại không còn mua ròng mạnh như các đợt điều chỉnh trước đây.
Chỉ số VN-Index vẫn giảm hơn 5% và nằm dưới mốc tâm lý 1,000 điểm. HNX-Index giảm 6.26% và đang ở mức 112.68 điểm.
Thường thì khi thị trường điều chỉnh mạnh như trên thì khối ngoại sẽ không bỏ lỡ cơ hội gom hàng. Tuy nhiên, theo số liệu tạm tính thì khối này đang bán ròng khoảng 63 tỷ trên HOSE và mua ròng 38 tỷ trên HNX.
Rõ ràng việc gom hàng mạnh chưa xảy ra. Nếu tình trạng này vẫn duy trì đến cuối phiên thì rủi ro sẽ tăng lên vì lực cầu mạnh của khối ngoại luôn là một trong những yếu tố giúp ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm.
Các ngành trên thị trường đã thu hẹp một chút đà giảm nhưng vẫn chưa tạo ra được tác động đáng kể lên chỉ số. Vì vậy, quá trình điều chỉnh, rung lắc dự kiến sẽ còn tiếp tục.
10h: Khai khoáng và ngân hàng giảm mạnh nhất
Sự điều chỉnh diễn ra ở tất cả các nhóm ngành trên thị trường. Khai khoáng, bất động sản, chứng khoán, ngân hàng đang là những ngành giảm mạnh nhất.
Bên bán tiếp tục áp đảo khi có 41 mã tăng điểm và 416 mã giảm điểm. Trong đó, có đến 187 mã nằm sàn.
Chỉ số VN-Index giảm hơn 63 điểm và phá vỡ mốc tâm lý 1,000 điểm. HNX-Index cũng giảm mạnh không kém khi mất 7.76 điểm, tương ứng 6.5% và lùi về mức 111.21 điểm.
Nhóm khai khoáng là nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Nổi bật nhất là PVD, PVS, PVC… Với sự đi xuống của giá dầu và các tín hiệu bán với các đường MA quan trọng thì xu hướng tăng trưởng của ngành này có nguy cơ bị đảo ngược.
Ngành ngân hàng cũng nằm trong nhóm các ngành giảm mạnh nhất thị trường. Giá các cổ phiếu như VCB, CTG, SHB… đều phá vỡ đường middle của Bollinger Bands trong phiên giao dịch sáng nay. Vì vậy, quá trình điều chỉnh, rung lắc dự kiến sẽ còn tiếp tục.
Biến động của VCB trong vòng 12 tháng qua
Nhóm chứng khoán cũng không thoát khỏi điều chỉnh mạnh. Mẫu hình Falling Window đều đồng loạt xuất hiện trên đồ thị giá của SSI, HCM, VND, SHS… Điều này chứng tỏ tâm lý của nhà đầu tư đang rất bi quan trong ngắn hạn.
9h40: 124 mã giảm sàn, VN-Index mất mốc 1,000
Đến 9h40, chỉ số VN-Index đã chính thức mất mốc 1,000 điểm để lùi về dưới 985 điểm. Tính đến thời điểm này, VN-Index đang giảm (6.1%) mạnh nhất trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt.
Toàn sàn lúc này có 124 mã giảm sàn, 258 mã giảm và chỉ 40 cổ phiếu tăng điểm.
Mở cửa: VN-Index rơi tự do
Các ETF đều giảm rất mạnh trong phiên giao dịch tối qua. Thông tin từ việc thoái lùi của thị trường chứng khoán Mỹ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
Độ rộng thị trường rất yếu vào đầu phiên khi có 12 mã tăng và 265 mã giảm. Điều này cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế so với bên mua.
Chỉ số VN-Index hiện giảm gần 45 điểm, về sát mốc 1,000 điểm khi sàn này có 78 mã nằm sàn. HNX-Index cũng không khác khi mất 6.86 điểm, tương ứng hơn 5.5% và lùi về 112 điểm.
Các ETF quan trọng đều sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch tối qua. Điểm đáng lo ngại nhất là các ETF này đều ở trong trạng thái discount nên khối ngoại có thể bán ròng trở lại trong ngắn hạn.
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên đầu tuần. Dow Jones có lúc sụt gần 1,600 điểm trong phiên giao dịch (sau đó đã xóa bớt đà lao dốc), đồng thời đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giới đầu tư ở thị trường Việt Nam.
Theo sau đà lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng USD khởi sắc và sản lượng dầu tại Mỹ tăng cao đã đẩy giá dầu WTI xuống mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần. Điều này ảnh hưởng khá tiêu cực đến các cổ phiếu trong ngành dầu khí như PVD, PVS, PVC…
Thế Phong
FiLi
|