Góc nhìn 22/02: Áp lực chốt lời gia tăng
Áp lực bán chốt lời giá cao có thể khiến đà tăng của VN-Index gặp khó khăn và chỉ số sẽ chỉ dao động tích lũy trong biên độ 1,070-1,100 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn quan sát diễn biến thị trường và có thể tận dụng đà hồi phục này để bán chốt lời dần một phần danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Xu hướng tăng điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Phiên giao dịch đầu tiên của năm Mậu Tuất diễn ra sôi động với sự tăng mạnh của các cổ phiếu Ngân hàng như BID, VPB, VCB. Đà tăng cũng lan rộng trên toàn thị trường đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu Bluechip khi mà VIC, VNM, PNJ liên tục bứt phá. Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán thế giới đã phục hồi trong thời gian nghỉ lễ và tâm lý tích cực trong những ngày đầu năm mới cũng sẽ là tác nhân giúp cho chỉ số tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn còn khá cầm chừng và chỉ duy trì ở mức trung bình cũng là yếu tố nên cân nhắc.
BSI nhận định thị trường đang trong xu hướng tăng và nhiều khả năng sẽ vượt qua đỉnh cũ của năm 2007 trong những phiên giao dịch sắp tới khi dòng tiền quay trở lại. Nhà đầu tư nên cân nhắc những mã cổ phiếu cơ bản tốt với kết quả kinh doanh quý 1 khả quan như Ngân hàng và Bất động sản.
Thị trường phân hóa
CTCK KB Việt Nam (KBVN): Sự phân hóa đã trở lại chi phối thị trường. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn đều đã trở lại đỉnh cũ và/hoặc đã vượt đỉnh. Tương ứng với phần còn lại của thị trường đã phục hồi chậm chạp hơn rất nhiều so với các chỉ số chung. Biên độ dao động trong phiên vẫn tiếp tục ở mức cao. Các cổ phiếu dẫn dắt đều đang ở quanh vùng đỉnh, vị trị rất nhạy cảm về mặt kỹ thuật.
Kế hoạch được đề xuất là tiếp tục quan sát thị trường và chờ đợi các phản ứng của từng nhóm cổ phiếu riêng biệt để kết luận thị trường “test” lại vùng đỉnh hay có thể vượt qua và thiết lập đỉnh cao mới. Trong trường hợp chấp nhận rủi ro cao hơn trung bình, các cổ phiếu ngân hàng và vốn hóa VNM, GAS, BVH, VIC, MSN, PLX, VJC được đề xuất ưu tiên với các kế hoạch trading ngắn hạn.
Vùng kháng cự tại 1,100 – 1,120
CTCK Asean (Asean Securities): Dựa vào chuyển động của các chỉ báo kỹ thuật, Asean Securities cho rằng VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần nhất tại 1,100 – 1,120 điểm.
Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index được dự báo nằm tại 1,060 – 1,080 điểm. Đây được xem là điểm mua vào tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Xem xét bán ra khi thủng ngưỡng hỗ trợ 1,060. Vùng hỗ trợ tiếp theo được dự báo ở mức 1,020 – 1,040 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng 1,100 – 1,120 điểm sẽ đóng vai trò là vùng kháng cự gần, đồng thời là điểm bán giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Vùng kháng cự tiếp theo được dự báo ở mức 1,140 – 1,160 điểm.
Áp lực chốt lời gia tăng
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Thị trường khởi đầu năm mới với tâm lý hứng khởi của nhà đầu tư. Dòng tiền mới có dấu hiệu tham gia vào thị trường giúp cho thanh khoản toàn thị trường tăng nhẹ và đạt mức trung bình. Tâm lý hứng khởi có thể duy trì trong hai phiên cuối tuần nữa nhưng áp lực chốt lời cũng sẽ gia tăng theo đà hồi phục này. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index đang là Tích cực với các ngưỡng kháng cự tâm lý tiếp theo lần lượt tại 1,100 điểm và 128 điểm; vùng hỗ trợ cho hai chỉ số trên lần lượt tại 1,050-1,070 điểm và 121-123 điểm.
Dự báo, trong phiên giao dịch ngày 22/2, áp lực bán chốt lời giá cao có thể khiến đà tăng của VN-Index gặp khó khăn và chỉ số sẽ chỉ dao động tích lũy trong biên độ 1,070-1,100 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn quan sát diễn biến thị trường và có thể tận dụng đà hồi phục này để bán chốt lời dần một phần danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Cát Lam
FILI
|