Các kênh đầu tư
Chứng khoán Tuần 05-09/02: Bán tháo diễn ra, VN-Index ”bốc hơi” hơn 100 điểm
Ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới đã kích hoạt làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước sức ép điều chỉnh dồn dập, VN-Index đã đánh rơi hơn 100 điểm. Tuy vậy điểm tích cực là mốc 1,000 điểm vẫn được giữ vững về cuối tuần.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 05-09/02/2018
Giao dịch: Các chỉ số thị trường đồng loạt sụt giảm trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 9.15% đứng tại 1,003.94 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 5.22% đang dừng ở 117.50 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 236.3 triệu đơn vị/phiên sụt giảm 6.89% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 72 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 10.60%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch với những biến động cực mạnh diễn ra trên cả hai sàn HOSE và HNX. Ảnh hưởng tiêu cực từ đà lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới đã kích hoạt các chuỗi bán tháo diễn ra ồ ạt trên toàn thị trường. Trước sức ép vượt trội từ bên bán, sắc đỏ lan tỏa khắp các nhóm cổ phiếu với con số hàng trăm cổ phiếu giảm sàn.
Điểm đáng lo ngại là trong hàng trăm cổ phiếu giảm sàn trên thị trường có không ít cổ phiếu thuộc nhóm Large Cap và Bluechip VN30. Nổi bật như nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường với VIC, MSN, GAS, BVH, PLX… cùng nhóm cổ phiếu Tài chính với BID, CTG, VCB, SSI, STB… Với đà bán tháo diễn ra trên diện rộng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “bốc hơi” gần 14 tỷ USD trong hai phiên đầu tuần.
Điểm sáng tích cực nhất trong hai phiên lao dốc lịch sử đến từ sự sôi động của thanh khoản thị trường. Nhiều cổ phiếu giảm giá rất mạnh chỉ trong thời gian ngắn đã kích hoạt lòng tham của giới đầu tư. Hoạt động giải ngân đều đặn diễn ra và tập trung tại các mức giá sàn. Trong đó, nhóm cổ phiếu Bluechip VN30 nhận được nhiều sự chú ý nhất khi đây là cơ hội để giới đầu tư gia tăng tỷ trọng ở nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường.
Trước sự hiện diện của dòng tiền bắt đáy, thị trường đã dần lấy lại sự cân bằng và quay trở lại với xu hướng hồi phục trong phiên giao dịch ngày 07/02. Xu hướng hồi phục không chỉ tập trung ở nhóm Large Cap mà còn lan tỏa tốt sang các nhóm Mid Cap và Small Cap. Nhờ đó đã giúp sắc xanh lan tỏa rộng hơn và giúp VN-Index đạt mức hồi phục gần 30 điểm.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là thanh khoản mất đi sự đồng thuận. Bên mua cho thấy sự e ngại lớn về khả năng hình thành Bull trap. Tâm lý này đã kéo thanh khoản giảm mạnh với sắc đỏ chiếm ưu thế trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo.
Phiên cuối tuần, diễn biến thị trường không có nhiều thay đổi khi những e ngại về rủi ro điều chỉnh T+3 cùng tác động từ thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu Large Cap đồng loạt bị bán mạnh ngay từ lúc mở phiên. Tuy nhiên, trái với các phiên đầu tuần đã không còn dấu hiệu của hoạt động bán tháo. Nhờ đó, lực cầu bắt đáy đã giúp thị trường dần hồi phục về cuối phiên và giúp VN-Index giữ vững mốc 1,000 điểm.
Trong bối cảnh thị trường liên tục điều chỉnh mạnh, bệ đỡ khối ngoại đã không còn phát huy vai trò vốn có. Nếu khối ngoại tranh thủ mua ròng mạnh trong hai phiên lao dốc đầu tuần thì họ lại quay đầu bán ròng trong các nhịp hồi phục sau đó. Nhìn chung, giao dịch của khối ngoại đã mất đi sự ổn định trong tuần qua.
Nhà đầu tư nước ngoài: bán ròng hơn 290 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 4,113 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 110 tỷ đồng. Nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận mua ròng đột biến từ VRE thì khối ngoại lại bán ròng gần 400 tỷ đồng trên HOSE.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các đại diện tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là FUCVREIT tăng 29.55% và trên HNX là LCS tăng 66.67%.
FUCVREIT tăng 29.55%. Chứng chỉ quỹ Bất động sản Techcom Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thị trường chứng khoán trong tuần qua khi đi ngược thị trường với chuỗi tăng trần qua 4 phiên liên tiếp. Khối ngoại là một trong những nhân tố thúc đẩy đà tăng trưởng khi không ngừng mua ròng qua các phiên. Tuy vậy, chứng chỉ quỹ này cũng đã giảm sàn trở lại trong phiên cuối tuần.
LCS tăng 66.67%. LCS tiếp tục nối dài chuỗi tăng giá qua 6 tuần liên tiếp. Cổ phiếu này vẫn không ngừng bứt phá sau khi đón nhận KQKD quý 04/2017 khả quan. Cụ thể, doanh thu hợp nhất năm 2017 đạt 213 tỷ đồng, tăng trưởng 32.4%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 17.8 tỷ đồng, tăng gấp 22 lần so với năm 2016.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG giảm 22.94%, HNG giảm 21.43%, HAG giảm 19.25%, PVD giảm 22.11%, PXS giảm 19.29% và GAS giảm 20.79%.
VHG giảm 22.94%. VHG tiếp tục bị bán mạnh trong tuần qua. Cổ phiếu này đã duy trì trong xu hướng điều chỉnh dài hạn trong nhiều năm qua. Kết quả kinh doanh năm 2017 của VHG cũng tiếp tục ghi nhận sự lao dốc với mức lỗ sau thuế hơn 1,164 tỷ đồng.
HAG giảm 19.25% và HNG giảm 21.43%. HAG và HNG giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc hai đơn vị này bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhắc nhở về việc đã chậm nộp báo cáo tài chính 2 năm liên tiếp. Theo quy định của HOSE, HAG và HNG sẽ bị hủy niêm yết khi hai tổ chức niêm yết này vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 03 năm liên tiếp.
GAS giảm 20.79%, PXS giảm 19.29% và PVD giảm 22.11%. GAS, PVD, PXS và nhóm ngành Dầu khí nói chung đã điều chỉnh mạnh trong tuần qua. Bên cạnh xu hướng điều chỉnh chung của thị trường chứng khoán thì việc giá dầu thế giới điều chỉnh mạnh cũng là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu Dầu khí lao dốc trong tuần qua.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|