Thứ Bảy, 24/02/2018 11:20

Các hãng ô tô tiếp tục mở rộng đầu tư

Ngành sản xuất ô tô trong nước đang có sự phân hóa rõ nét. Trong khi một số liên doanh, hãng lắp ráp ô tô ngưng hẳn hoặc chuyển hướng nhập khẩu một số mẫu xe do ngại không cạnh tranh với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, thì một số doanh nghiệp khác mở rộng hoạt động sản xuất thông qua việc tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn.

Một số liên doanh, doanh nghiệp ô tô vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất trong nước - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Thị trường ô tô trong nước hơn một năm qua đã chứng kiến sự thu hẹp sản xuất các mẫu xe của các tên tuổi lớn như Toyota, Honda... trong bối cảnh ô tô lắp ráp trong nước chịu sức ép cạnh tranh gay gắt với dòng xe nguyên chiếc nhập khẩu, đặc biệt khi thuế nhập khẩu ô tô từ Thái Lan và Malaysia vào Việt Nam đã về mức 0%.

Mở rộng hoạt động sản xuất để duy trì vị thế

Thế nhưng vẫn có một số hãng xe hiện nay tiếp tục duy trì việc sản xuất, thậm chí đang mở rộng với quy mô lớn hơn. Cụ thể, Ford Việt Nam vừa đánh dấu tròn 20 năm sản xuất đã chính thức xuất xưởng Ford EcoSport mới được sản xuất tại nhà máy ở Hải Dương với kế hoạch giao xe cho khách hàng vào tháng 3 tới.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho biết để đáp ứng kế hoạch sản xuất của EcoSport mới, nhà máy Ford Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào dây chuyền sản xuất như chiếc ro-bot ở xưởng thân xe để dập và đột lỗ vuông trên phần đầu xe; 20 máy hàn, hàng trăm thiết bị lắp và xiết bu-lông giúp kiểm soát lực xiết tiêu chuẩn. Tất cả các thiết bị này trị giá hàng triệu đô la Mỹ.

Đáng chú ý, việc chuyển giao công nghệ và phát triển nhân sự tại nhà máy được tập đoàn Ford làm bài bản và hiện nay tất cả các vị trí quản lý chủ chốt điều hành công ty ở Việt Nam đều do người Việt Nam đảm nhận, ông Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, thương hiệu ô tô Nhật Mitsubishi Motors lần đầu tiên sau 23 năm hoạt động ở Việt Nam đã cho lắp ráp mẫu xe Outlander ở nhà máy tại Việt Nam và cho xuất xưởng vào cuối tháng 1 rồi với giá bán giảm khoảng 200 triệu đồng/chiếc so với xe nhập khẩu nguyên chiếc ở Nhật Bản trong năm qua.

Theo lãnh đạo Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV), xuất xưởng dòng xe Outlander lắp ráp tại Việt Nam thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của Mitsubishi Motors cùng tham vọng đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Đây được xem là một cú lội ngược dòng của Mitsubishi so với các liên doanh lắp ráp ô tô trong nước khác đang có mặt tại Việt Nam. Nhiều liên doanh đã ngưng lắp ráp các mẫu xe trong nước để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc ở các thị trường lân cận như Thái Lan và Indonesia, nhằm tận dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào Việt Nam về mức 0% so với mức 30% của năm 2017.

Theo ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc MMV, hành trình mới của công ty bắt đầu vào năm 2016, khi các cổ đông của tập đoàn Mitsubishi quyết định tăng thêm cổ phần và thay đổi tên từ Công ty Ô tô Ngôi Sao thành Công ty Ô tô Mitsubishi Việt Nam (MMV). "Để bắt đầu hành trình mới, chúng tôi đã quyết định giới thiệu mẫu xe Outlander - mẫu xe đại diện với ý tưởng thiết kế mới: Dynamic Shield", ông nói.

Đáng chú ý, so với các phiên bản nhập khẩu, Outlander lắp ráp trong nước có mức giá hấp dẫn, không chỉ thấp hơn khoảng 200 triệu đồng mà còn sở hữu những trang thiết bị cao cấp hơn.

Tuy nhiên, thay đổi lớn và đáng chú ý nhất có lẽ nằm ở việc toàn bộ các phiên bản Outlander giờ đây đều có kết cấu 5+2 ghế, một động thái quan trọng nhằm cạnh tranh với đối thủ mạnh như Honda CR-V - vốn gần đây đã có phiên bản 7 chỗ. Tuy nhiên, Honda đã chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc dòng xe CR-V từ Thái Lan và đang bị "kẹt" vì bị vướng quy định ở Nghị định 116, vốn cản trở việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018.

Như vậy, Outlander là mẫu xe thứ hai sau Pajero (đang được lắp ráp tại Việt Nam) mà Mitsubishi đang lắp ráp tại thị trường Việt Nam đặt ở tỉnh Bình Dương. Hãng cho biết sẽ tiếp tục lắp ráp các mẫu xe khác ở Việt Nam trong đó có Xpander.

Trước đó, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đã khởi công nhà máy THACO Mazda sản xuất lắp ráp xe mang thương hiệu Mazda có công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1 có công suất 50.000 xe/năm) với tổng vốn đầu tư là 12.000 tỉ đồng, tương đương 520 triệu đô la. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 35 ha tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 4-2018.

Trong khi đó, Tập đoàn Hyundai Motor đã chọn Tập đoàn Thành Công là đối tác trong khu vực để chính thức liên doanh lắp ráp các dòng xe du lịch mang thương hiệu Hyundai. Trong giai đoạn đầu, liên doanh Hyundai - Thành Công tiếp tục vận hành nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình hiện tại với công suất 40.000 xe/năm, đồng thời liên doanh sẽ đầu tư mở rộng nhà máy, sản xuất trong tương lai gần.

Nhà máy mới sẽ được chuyển giao những công nghệ sản xuất, lắp ráp hiện đại nhất của Hyundai trên toàn cầu, hầu như các công đoạn đều sử dụng Robot tự động, bán tự động giúp chất lượng xe xuất xưởng đồng đều, chính xác, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Hyundai Motor.

Vì sao "lội ngược dòng"?

Câu hỏi đặt ra là vì sao các doanh nghiệp, liên doanh ô tô nói trên lại có cú lội ngược dòng trong bối cảnh xe lắp ráp trong nước được đánh giá kém cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các thị trường khu vực Đông Nam Á (ASEAN)?

Không chỉ những thương hiệu có lượng bán ra thấp như Suzuki, Isuzu, Nissan... mà ngay cả những liên doanh có thị phần lớn như Toyota, Honda... cũng đang thu hẹp sản xuất. Bởi lẽ hầu hết các hãng xe này đều đã có ít nhất một nhà máy tại Thái Lan hoặc Indonesia, hoặc cả hai. Tất cả nhà máy đó đều có quy mô lớn hơn các nhà máy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô trong nước cũng chưa đủ sức hấp dẫn do yêu cầu đảm bảo cơ sở hạ tầng không bị quá tải. Và khi các nước trong khối ASEAN trở thành một thị trường chung miễn thuế, việc các tập đoàn đa quốc gia chọn đầu tư sản xuất ở các nước có lợi thế cạnh tranh rồi xuất khẩu sang các nước khác là điều dễ hiểu.

Theo các hãng ô tô, quy mô thị trường ô tô Việt Nam chỉ bằng một phần sáu Indonesia, bằng một phần năm Thái Lan, nhưng lại hiện diện nhiều mẫu xe, dẫn đến sản lượng của mỗi mẫu xe là rất nhỏ, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam có thể cao hơn tới 20%. Do vậy, việc các liên doanh từ bỏ lắp ráp tại Việt Nam để chuyển sang nhập khẩu diễn ra ngày càng mạnh.

Trong bối cảnh đó, dự án đầu tư, mở rộng sản xuất của các hãng xe nói trên được cho là một hướng đi mạo hiểm và lội ngược dòng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quyết định của các doanh nghiệp này là có cơ sở. Như trường hợp của Ford Việt Nam hiện vẫn duy trì sản xuất và lắp ráp 4 mẫu xe gồm EcoSport, Focus, Fiesta, và Transit. Theo ông Phạm Văn Dũng, tất cả các mẫu xe này của Ford Việt Nam lắp ráp mỗi năm tiêu thụ đều tăng trưởng và đáng chú ý là không có được lắp ráp ở các nhà máy của Ford ở Thái Lan nên không bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu về 0%.

Tương tư với thương hiệu Mazda, cho tới nay, tập đoàn Mazda chưa có nhà máy riêng với quy mô lớn trong khu vực ASEAN. Mazda có nhà máy liên doanh tại Thái Lan song sản lượng thấp và chỉ sản xuất dòng xe bán tải (pick-up). Hiện chỉ có Thaco sản xuất các mẫu xe du lịch Mazda và đây là một cơ hội lớn, một bước đệm để nhà sản xuất ô tô trong nước này hướng tới xuất khẩu.

Hiện Mazda Nhật Bản đã đồng ý chuyển giao công nghệ cho nhà máy mới của Thaco. Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, chỉ cần nhà máy đạt sản lượng 50.000 chiếc/năm trở lên thì hãng hoàn toàn có thể giảm giá thành và tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Còn đối với tập đoàn Mitsubishi, quyết định lắp ráp chiếc Outlander vì dòng xe này lâu nay bán ở thị trường Việt Nam được nhập khẩu trực tiếp ở Nhật Bản, nơi không bị ảnh hưởng của chính sách thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Lãnh đạo Mitsubishi đánh giá Việt Nam là một trong những công xưởng quan trọng và là thị trường tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay.

Trong chuyến thăm và làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam vào tháng 1 rồi, ông Kozo Shiraji, Phó chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Motors, cho biết đang nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ 2 ở Việt Nam với quy mô 250 triệu đô la Mỹ. Dự kiến, nhà máy thứ 2 sẽ có thể sản xuất từ giữa năm 2020 với công suất 50.000 xe/năm.

Tương tự, lãnh đạo Hyundai Thành Công cho biết dự án nhà máy Hyundai Thành Công tại Ninh Bình đặt mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà sẽ xuất khẩu sản phẩm xe Hyundai sang các nước trong khu vực.

Một điểm đáng chú ý nữa theo giới phân tích đó là xe lắp ráp và hãng lắp ráp vẫn là đối tượng ưu tiên trong những năm tới mà Chính phủ sẽ tìm hướng tháo gỡ để duy trì sản xuất, lắp ráp hoặc đầu tư mới nếu không muốn thị trường xe con trong nước dành cho xe nhập khẩu.

Và quy định của Nghị định 116 phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu (VTA) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng mới được nhập vào Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018 được xem là hành động và là cú ngăn chặn xe nhập khẩu nguyên chiếc, bởi nhiều nước trên thế giới không cấp loại giấy này. Với chính sách này, giới phân tích cho rằng các hãng xe đã ngưng lắp ráp một số mẫu xe phải xem xét lại.

Quốc Hùng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   19.648 tỉ xây đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (24/02/2018)

>   Ngày 19-3, ông Đinh La Thăng hầu tòa vụ thứ hai (23/02/2018)

>   Nhập siêu hơn 300 triệu USD trong 7 ngày Tết (23/02/2018)

>   Không hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt cho hàng nhập bị tiêu hủy (23/02/2018)

>   Phí cầu đường 'đè' doanh nghiệp (23/02/2018)

>   Sẽ không còn "một cái bánh cõng 13 giấy phép" (23/02/2018)

>   Úc kiểm tra chuỗi sản xuất tôm Việt Nam (23/02/2018)

>   5 ngành công nghiệp hứa hẹn bùng nổ nhờ ứng dụng AI năm 2018 (22/02/2018)

>   Động lực cho tăng trưởng kinh tế và cổ phiếu ngành dịch vụ hàng không? (25/02/2018)

>   Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không buông xuôi ở nhà máy Đạm Ninh Bình (22/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật