Ám ảnh quá khứ
Với hai phiên giao dịch ngày 5 và 6-2-2018 chứng khoán đã đánh mất gần hết thành quả đạt được trong cả tháng 1. Hiện VN-Index chỉ còn nhỉnh hơn mức đóng cửa cuối năm ngoái không đáng kể. Hậu quả của hai phiên giảm điểm với tốc lực mạnh không chỉ là sự “bốc hơi” 14 tỉ đô la Mỹ giá trị vốn hóa thị trường, mà còn đang đặt các đợt IPO doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước vào thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) dự kiến IPO vào ngày 9-2-2018, nhưng đến thời điểm đóng sổ, chỉ có 7,5 triệu cổ phần được nhà đầu tư đăng ký mua, chiếm 2,8% lượng chào bán.
Diễn biến thị trường chứng khoán một tuần qua. Ảnh chụp màn hình
|
Cái cách mà VN-Index chinh phục mốc 1.110 điểm (cao nhất là 1.123 điểm trong phiên) và cách mà nó lao dốc vừa qua rất khác nhau. Đại bộ phận nhà đầu tư cho rằng thị trường đã tăng cao, nên cần điều chỉnh để ổn định bền vững. Sự đỏ lửa của chỉ số Dow Jones là cái cớ tốt để nhà đầu tư giải thích cho sự bán ra. Tuy nhiên phải thấy rằng Dow Jones đã tăng trưởng từ mốc 6.500 điểm của năm 2008 lên hơn 26.000 điểm cuối tháng 1-2018, tức tăng 300%, còn VN-Index vẫn chưa vượt qua đỉnh cũ thiết lập vào tháng 3-2007. Chứng khoán Mỹ và thế giới nói chung, kể cả khu vực, đã chạy một quãng đường dài về phương Bắc, trong khi chứng khoán Việt vừa chân ướt chân ráo qua khỏi “thập kỷ mất mát”.
Giới đầu tư thế giới e ngại ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất các đồng tiền mạnh, lạm phát bắt đầu quay trở về và mặt bằng lãi suất đi vay sẽ đi lên. Đấy là những nguyên nhân kinh điển ảnh hưởng tới cổ phiếu. Nhưng Việt Nam thì khác. Hàng loạt ngân hàng lớn giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm ngay từ đầu tháng 1-2018, lãi suất huy động của cả bốn “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều giảm, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thị trường mở (OMO) từ 5% xuống 4,75%/năm và áp dụng lãi suất tái cấp vốn ưu đãi có thể tới 0%/năm cho các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Phải nhấn mạnh chưa bao giờ lãi suất cho vay của ngân hàng thấp như thế! Cũng chưa bao giờ thanh khoản ngân hàng dồi dào như thế bởi Ngân hàng Nhà nước bơm tiền đồng ra mua ngoại tệ. Trong khi đó, các chỉ số vĩ mô vẫn đang được kiểm soát tốt. Sự khác biệt của môi trường tài chính - tiền tệ ở Việt Nam so với các nước khu vực và thế giới là ưu thế. Chính vì vậy, vốn ngoại vẫn đổ vào chứng khoán. Ngày thứ Ba, khi VN-Index có thời điểm giảm 65 điểm trong phiên, nước ngoài đã mua thỏa thuận 95 triệu cổ phiếu VRE, trị giá 4.500 tỉ đồng - một kỷ lục!
Lẽ ra chứng khoán Việt đã có thể tránh được tác động trực tiếp và quá mạnh của việc chỉ số Dow Jones điều chỉnh nếu tâm lý nhà đầu tư vững vàng. Song tâm lý ấy đã bị nỗi ám ảnh quá lớn trong quá khứ chi phối. Mười năm qua, một bộ phận có kinh nghiệm và thâm niên trên thị trường, kể cả các chuyên viên phân tích và nghiên cứu của các công ty môi giới, dường như đã quen với việc VN-Index tăng trưởng đâu đó 10-15%/năm. Hoặc có năm VN-Index không giảm là tốt rồi.
Nay, khi vận hội của chứng khoán tới, năm 2017 thị trường tăng trưởng 48%, họ cho là quá “nóng”. Họ có thể đã quên 10 năm qua Dow Jones tăng trưởng 300%. Bao giờ VN-Index mới bắt kịp một nửa mức tăng trưởng của thế giới trong điều kiện nợ xấu đang tan băng, hệ thống ngân hàng đang khởi sắc? Không phải ngẫu nhiên các ngân hàng báo lãi bình quân 30-40% năm 2017 và một số ngân hàng lãi 50-100%. Khi khủng hoảng qua đi, ngân hàng là lĩnh vực tăng trưởng dẫn đầu, đấy là quy luật bất thành văn.
Lý giải thế nào đây trong hai phiên giảm điểm, thanh khoản của thị trường vẫn rất cao, riêng ngày 6-2 giá trị giao dịch khoảng 17.000 tỉ đồng? Đó là do dòng tiền mới chảy vào chứng khoán của khối nội và ngoại. Lớp nhà đầu tư mới, không phải trải qua những năm tháng khủng hoảng 2007-2015, tỏ ra tự tin hơn và có lẽ hành động dứt khoát hơn. Với họ, giá cổ phiếu hiện tại chưa phải đắt và nếu có đắt thì chúng cũng sẽ trở nên hợp lý nếu đặt vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao của doanh nghiệp trong hai, ba năm tới.
Ông Dominic Scriven, một trong những nhà đầu tư lão luyện trên thị trường, dạo này thỉnh thoảng thốt lên “thị trường điên quá!”, ý nói sự đi lên của VN-Index khiến ông đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Rồi nhìn ra thế giới, ông nói “các thị trường chứng khoán khác cũng điên luôn”. Ông kể bạn ông mua cổ phiếu Apple ở mức 100 đô la Mỹ, ông đã chê mắc. Giờ thì trong ngày Dow Jones mất 1.100 điểm, thị giá Apple vẫn 160 đô la Mỹ. Trước đấy hai tuần, nó đã cán mốc gần 180 đô la Mỹ.
Không ai có thể quên quá khứ, nhưng bị ám ảnh bởi quá khứ thì chẳng có gì tệ hại hơn!
Hải Lý
TBKTSG
|