Thứ Hai, 29/01/2018 14:59

Thị trường đông dân và bài toán tăng trưởng

Từ lâu, dân số là một ẩn số của thương mại điện tử vì chính thị trường đông dân đã nuôi dưỡng các tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu, cho dù đó là Amazon hay Alibaba, và rồi nhờ sự phát triển của thương mại điện tử mà các tập đoàn này tiến lên làm chủ công nghệ.

Go-Jek, công ty thương mại điện tử của Indonesia, đang thực hiện chiến lược mở rộng thị phần bằng chính sự am hiểu thị trường địa phương của mình.

Chu trình này đang diễn ra nhanh chóng tại các nước châu Á, từ Trung Quốc đến Ấn Độ và nay đang là Indonesia, bước tiếp theo có thể là Việt Nam nơi có dân số hơn 90 triệu người. Thị trường đông dân là mảnh đất màu mỡ cho thương mại điện tử, nhưng cũng là nơi quyết đấu để giành ngôi thứ giữa các công ty bán lẻ địa phương cũng như những tập đoàn nước ngoài mà sự thành công hay thất bại lại tùy vào khả năng giải bài toán dân số.

Tác nhân bùng nổ nơi các thị trường đông dân

Thông qua những sự trải nghiệm của Trung Quốc, nước đầu tiên phát triển thương mại điện tử ở châu Á dựa trên dân số, các nhà phân tích nhận ra năm tác nhân chính có thể tạo nên thời kỳ bùng nổ kinh doanh trực tuyến tại đó. Trước hết, đó là sự phát triển sáng kiến kinh doanh, thứ hai là khai thác nhân công giá rẻ, thứ ba là gia tăng sự thâm nhập của thiết bị di động, thứ tư là sự thích ứng với quá trình đô thị hóa thành những nơi tập trung dân số đông đúc. Và tác nhân cuối cùng là khai thác lỗ hổng của những mô hình thương mại hiện đại.

Trên mặt bằng chung, thương mại truyền thống diễn ra nơi các chợ vẫn đang ngự trị trong các cộng đồng dân cư ở châu Á cho đến nay, bởi các mô hình thương mại hiện đại phát triển rất chậm vì thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật.

Chính nhờ lỗ hổng này mà thương mại điện tử xuất hiện như một mô hình cải cách đã trở thành một kênh mua sắm thời thượng ở nhiều nước châu Á hiện nay, và đây cũng là lý do thương mại điện tử Trung Quốc bén rễ và phát triển rất nhanh trong một thời gian ngắn. Hiện tại, quốc gia này đang nhắm tới mục tiêu đầy tham vọng: bành trướng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong khi đó, cuộc chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành thị và việc đô thị hóa các vùng nông thôn làm thay đổi thói quen mua sắm truyền thống, và tạo thành thói quen mua sắm trên mạng. Giới trẻ nơi các đô thị phải dành nhiều thời gian cho công việc, và việc xem hàng và mua sắm qua mạng giúp cho họ tiết kiệm thời gian. Vì thế, tốc độ đô thị hóa nơi nhiều nước châu Á đồng nghĩa với sự gia tăng lượng giao dịch trực tuyến. Cùng lúc này lại có sự nổi lên của điện thoại thông minh đóng vai trò kép trong tăng trưởng thương mại điện tử, một là làm tăng nhanh chóng số người tiếp cận Internet nơi các thị trường châu Á, hai là giúp họ tiếp cận với những trang web bán hàng ngay trên chiếc điện thoại chứ không phải trên máy tính. Mặt khác, điện thoại giữ vai trò huy động các nhà kinh doanh tự do cung cấp dịch vụ  hậu cần cho kinh doanh trực tuyến, từ kho chứa đến phương tiện giao hàng. Một điểm ít ai chú ý là chiếc điện thoại rất hợp với sở thích của người châu Á trong việc mua ngay một vài món hàng vào bất kỳ lúc nào họ muốn, chứ không cần chờ đến dịp cuối tuần mới đi mua hàng cho cả tuần sau đó.

Có thể nói phát triển sáng kiến là vũ khí ban đầu, thương mại điện tử không thể cất cánh nếu các công ty không cung cấp cho khách hàng những sự trải nghiệm mà họ muốn có. Và điều quan trọng không kém là phải cung cấp cho người mua sắm các dịch vụ thanh toán thích ứng với hạ tầng kiến trúc tài chính của từng thị trường cùng với thói quen chi tiêu của họ.

Một cách tổng quát, có ba nguyên nhân thuyết phục khách mua hàng qua mạng là giá trị, sự tiện lợi, và khả năng tiếp cận với nhiều mặt hàng khác nhau. Nguyên nhân cuối rất quan trọng với các thị trường châu Á là nơi mà từ lâu mỗi thị trường truyền thống chỉ cung cấp cho họ một số mặt hàng nhất định; và chính đây là điểm thành công đầu tiên mà Alibaba gặt hái được tại Trung Quốc. Một vũ khí khác là khai thác nhân công giá rẻ và hệ thống phân phối chi phí thấp.

Thực vậy, thương mại điện tử cũng không thể thành công chỉ với một nền tảng cung cấp và thanh toán hợp lý mà còn nhờ vào việc thích ứng với hạ tầng phân phối. Không như các siêu thị hay những cửa hàng truyền thống, số kiện hàng mà các đại lý giao nhận phải mang đến cho khách hàng rất lớn; điều này đòi hỏi một hệ thống giao thông tốt, một hệ thống bưu điện đáng tin cậy, và chi phí nhân công bao gồm người lao động và dịch vụ vận chuyển đều thấp.

Đặc trưng văn hóa nơi các thị trường đông dân

Quang cảnh bên trong nhà kho của Lazada Indonesia.

Thị trường đông dân luôn là thị trường của sự đa dạng về văn hóa, và chỉ các mô hình kinh doanh nào thích hợp với những nét đặc trưng văn hóa tại đó mới có thể phát triển mạnh, thậm chí bùng nổ. Trong khi người tiêu dùng ở Nhật Bản, Mỹ và một số quốc gia châu Âu – nơi có nền tảng công nghệ thông tin phát triển sớm – đến với thương mại điện tử bởi tính tiện ích của chúng thì ở Trung Quốc người ta chuộng chúng vì cung cấp hàng hóa có giá rẻ. Người Ấn Độ thích mua hàng qua mạng bởi vì đây là một trong những lý do để sử dụng thiết bị di động, còn ở Indonesia người ta chuộng các trang web bán hàng vì hoạt động mua bán được đơn giản hóa.

Trong khi ở châu Âu hay Mỹ chỉ có một số ngày lễ trong năm là dịp mua sắm lớn như lễ Tạ ơn, Giáng sinh và năm mới thì ở các thị trường đông dân của châu Á, các dịp lễ hội mua sắm trải đều đều trong năm. Sự say mê lễ hội đã trở thành nhân tố thành công đến không ngờ cho Ngày Độc thân 11-11 tại Trung Quốc, cho dù đó không phải là ngày lễ truyền thống.

Cuối cùng, tính bản địa cũng là một đặc trưng văn hóa. Đa số dân chúng thích mua hàng từ những công ty trong nước, và điều này đã thấy rõ nơi Rakuten ở Nhật Bản, Alibaba ở Trung Quốc, Flipkart ở Ấn Độ, Tokopedia ở Indonesia, hay Tiki ở Việt Nam. Sở thích này buộc các nhà đầu tư nước ngoài như Softbank (Nhật Bản), Tencent và Alibaba (Trung Quốc) hay Amazon (Mỹ) phải nhắm đến việc bỏ vốn vào các công ty địa phương, thay vì lập ra công ty mới.

Ở Trung Quốc, Alibaba đã thành công nhờ tạo nên một hệ sinh thái thương mại giá rẻ, và hệ sinh thái này tiếp tục duy trì hơn 10 năm qua tạo nên sự ưu thế cho thị trường 1,38 tỉ dân. Tuy rằng gần đây Alibaba có những cuộc chấn chỉnh theo sau việc có quá nhiều nhà cung ứng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lên các sàn trực tuyến của hãng, nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng dịch vụ của tập đoàn này sẽ thay đổi trong một sớm một chiều, khi mà ưu thế của dịch vụ vẫn là hệ thống phân phối với nhân công giá rẻ. Trên thực tế, Alibaba đã có một thập kỷ rất thành công với thương mại giá rẻ, đối với một nhóm lớn khách hàng luôn chú ý đến những mặt hàng có giá hời. Alibaba đang gây áp đảo thị trường kinh doanh trực tuyến châu Á, cho dù cuộc cạnh tranh nội địa đối với hãng đang trở nên nhọc nhằn và sẽ khó khăn hơn nữa bởi sự xuất hiện của đối thủ JD – vốn có chiến lược tập trung vào chất lượng dịch vụ.

Trung Quốc đang cố xuất khẩu thương mại giá rẻ đến các nước đông dân khác, và gần đây nhất Alibaba đã đầu tư 1 tỉ đô la vào công ty thương mại điện tử hàng đầu của đất nước vạn đảo là Tokopedia, và trước đó cũng dành 1 tỉ đô la để mua lại Lazada nhằm đặt chân lên vùng Đông Nam Á, với hai thị trường trọng tâm là Việt Nam và Thái Lan.

Ấn Độ, quốc gia có 1,32 tỉ dân, lần lượt từ năm 2014, 2015 rồi 2016 đã có những mùa lễ hội bán hàng trực tuyến nhân lễ hội Diwali thành công vượt bậc. Doanh số bán hàng của tháng lễ hội 2016 ở mức 2,2 tỉ đô la, và con số tương ứng của năm 2017 là 3,3 tỉ đô la. Trở lại với Trung Quốc, ngày hội dành cho những người độc thân trong năm vừa qua đã là cái cớ giúp Alibaba thu về 25,3 tỉ đô la từ mùa bán hàng giảm giá, và của JD là 19,14 tỉ đô la, qua mặt rất xa kỷ lục những ngày Black Friday 3 tỉ đô la và Cyber Monday 3,45 tỉ đô la trên đất Mỹ.

Indonesia, điển hình của Đông Nam Á

Tính bản địa là một nét đặc trưng văn hóa mà không một nhà chiến lược phát triển thương mại điện tử nào được phép bỏ qua. Indonesia, nước đông dân thứ tư thế giới đang thực hiện những bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế Internet. Ứng dụng gọi xe Go-Jek, vốn khởi sự từ năm 2010 với dịch vụ xe máy chở khách (xe ôm), tiếp đó là dịch vụ giao nhanh hàng thực phẩm, nay phát triển thêm dịch vụ gọi xe taxi. Khi lớn mạnh, Go-Jek cùng lúc mua lại ba công ty để mở rộng dịch vụ thanh toán di động Go-Pay, nền tảng bán hàng trực tuyến và dịch vụ gọi xe taxi đang cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là Grab của Singapore, Uber của Mỹ và trong tương lai là Didi đến từ Trung Quốc.

Trong số những nhà đầu tư của Go-Jek, nổi bật hơn cả là cả hai thương hiệu của Trung quốc: JD với 1,2 tỉ đô la và Tencent với 100 triệu đô la. Go-Jek cho biết công ty đang có 900.000 đầu xe, 15 triệu người sử dụng dịch vụ mỗi tuần. Nền tảng bán hàng trực tuyến của hãng hiện có 125.000 nhà bán lẻ với hơn 100 triệu lượt giao dịch mỗi tháng và dịch vụ thanh toán qua Go-Pay cũng lên đến 5 tỉ đô la Mỹ.

Nhờ khai thác sự đặc trưng văn hóa bản địa mà hàng loạt công ty trong nước đã hình thành và cạnh tranh ngang bằng với những tập đoàn có tiềm lực đến từ nước ngoài. Theo trang tin e27.com, trong số 10 công ty thương mại điện tử hàng đầu ở Indonesia đã có đến bảy cái tên nội địa, dẫn đầu là Tokopedia với 46,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, Elevenia 34,6 triệu, Bukalapak 28,3 triệu, Blibli 25,7 triệu, Alfacart 17 triệu, Mataharimall 7,5 triệu và Bhinneka 4,5 triệu. Ba công ty đến từ nước ngoài là Lazada với 49 triệu lượt truy cập mỗi tháng, JD.in của JD mới chỉ đạt 12,5 triệu lượt và Blanja – liên doanh giữa eBay với Telkom – mới chỉ đạt 5 triệu lượt truy cập.

Sau Indonesia, Việt Nam là nước đông dân thứ hai của Đông Nam Á và việc tìm ra ẩn số cho bài toán dân số sẽ tạo nên nguồn lực bền vững cho sự phát triển thương mại điện tử nơi đây, đồng thời với việc hình thành những công ty trực tuyến ngang tầm khu vực hay thế giới.

Hoàng Việt

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bán lẻ chạy đua cùng xu hướng mới (29/01/2018)

>   Nghề lụa có thể phục hưng nhờ vụ Khaisilk (29/01/2018)

>   Tinh giản biên chế ngành y: Cuộc “cách mạng” đầy thử thách (29/01/2018)

>   Giày nội vẫn “lội” bì bõm (29/01/2018)

>   Giảm 50% phí đăng ký thành lập doanh nghiệp (29/01/2018)

>   Diễn đàn Leader Talk: Kinh tế chia sẻ dự báo là xu hướng kinh doanh toàn cầu (29/01/2018)

>   Hàng chục doanh nghiệp Bình Dương mất tích, nợ thuế tiền tỷ (29/01/2018)

>   Áp thuế tự vệ phân bón: "Cuộc chơi" cho doanh nghiệp nội (28/01/2018)

>   Giá đóng tàu biển tăng do quy định mới (28/01/2018)

>   Vận tải ở ĐBSCL: cần đột phá về chính sách từ Bộ GTVT (28/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật