Thứ Hai, 29/01/2018 09:27

Giày nội vẫn “lội” bì bõm

Nhìn bề ngoài năm 2017 cứ lầm tưởng một số DN giày nội địa đã có những bước phát triển khá ấn tượng, thế nhưng thị phần giày nội trên sân nhà vẫn còn khá khiêm tốn so với hàng ngoại. Liệu 2018 cơ hội có đến với các DN nội.

Thị phần còn nhỏ

Xét về những thương hiệu giày Việt có chuỗi mạnh có thể kể đến Juno và Vascara. Với Juno, thương hiệu giày nội đã được phái nữ ưa chuộng bởi những chương trình khuyến mại khủng. Tính đến nay thương hiệu này đã có 68 cửa hàng trên toàn quốc và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2018. Không chỉ phát triển mạnh chuỗi cửa hàng, những nhà điều hành của Juno còn mở rộng bán hàng đa kênh trên online.

Đặc biệt, Juno đang có tham vọng phát triển 1.000 cửa hàng giày Việt cho phụ nữ Việt. Trong khi đó, Vascara lại không quá ồn ào với các chương trình khuyến mại hay các chiến dịch truyền thông, song sau hơn 10 năm có mặt trên thị trường đến nay Vascara cũng sở hữu hơn 90 cửa hàng và khoảng 1/3 trong số đó là nhượng quyền. Vascara sớm định hình trong phân khúc trung bình cao, với sự đầu tư thiết kế khá chỉn chu nên thương hiệu giày nội này nằm trong danh sách mua sắm của nhiều nữ văn phòng. 

 Độ hấp dẫn của thị trường giày dép Việt Nam qua con số như nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm và không ngừng tăng theo mỗi năm, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường. Cơ hội dành cho DN nội rất lớn, nhưng làm sao để nắm được cơ hội là bài toán không đơn giản.

Ngoài 2 thương hiệu giày nữ trên, thị trường giày Việt Nam vốn dĩ vẫn có những cái tên quen thuộc như Vina Giày, Biti’s, Hồng Thạnh… Trong đó chỉ duy nhất Bitis có những chuyển biến mạnh mẽ trong thiết kế cũng như các chiến dịch quảng bá. Như việc Biti’s gắn hình ảnh thương hiệu sản phẩm mới của mình là Biti’s Hunter với ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTV và Soobin Hoàng Sơn. Ngay lập tức chiến dịch này của Biti’s đã thu hút được sự quan tâm lớn của giới trẻ. Ngoài ra với các thiết kế giày trẻ em thương hiệu này cũng mua bản quyền hình ảnh các nhân vật hoạt hình khá hợp với thị hiếu của những khách hàng nhí.

Theo phân tích của một chủ DN trong lĩnh vực này, không phải các DN không muốn đẩy mạnh quảng bá, thay đổi thiết kế, nhưng những chiến dịch này khá tốn kém và không phải DN nào cũng mạnh tay, vì sức tiêu thụ ở thị trường trong nước không phải quá lớn. Vị này cũng cho hay nhìn vào một số chuỗi thương hiệu giày đang bùng nổ, nhiều người nghĩ rằng có thể chiếm lại thị trường nội địa, nhưng thực chất thị phần vẫn còn rất khiêm tốn, sức mua cũng không quá cao. Vì thế mới có hiện tượng chuỗi này bùng nổ nhưng cũng có chuỗi khác đang tìm cách thu hẹp bớt.  

Hàng nhái với những mẫu mã đẹp, đa dạng, giá lại rẻ nên hàng nội khó bề cạnh tranh.

Gian nan chống chọi

Gian nan đầu tiên vẫn thường được nhắc đến là cuộc chiến với hàng ngoại vẫn tràn ngập thị trường. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày TPHCM, cho biết qua những khảo sát của hiệp hội ở một vài khu chợ lớn ở TPHCM như An Đông, Bình Tây thời gian gần đây, hàng Trung Quốc hiện không còn chiếm quá nhiều như cách đây vài năm. Lý do người tiêu dùng e ngại chất lượng hàng Trung Quốc nên phân vân trong việc mua hàng dù giá vẫn rất rẻ.

Và thực tế, Hiệp hội Da giày Hồng Công cho biết trong năm 2017, Trung Quốc giảm sản xuất tới 150 triệu đôi giày. Đây có lẽ là lý do giày dép Trung Quốc sang Việt Nam có phần giảm. Thế nhưng, khi giày dép Trung Quốc giảm, giày dép từ Campuchia, Thái Lan đã tranh thủ thời cơ chiếm lĩnh thị trường khá mạnh ở phân khúc trung bình. Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp các thương hiệu lớn trên thế giới vẫn là lựa chọn của người tiêu dùng có thu nhập khá. Gian nan thứ 2 là nhiều DN phải đối mặt chính là nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan.

Ông Trần Thế Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Viễn Thịnh, cho biết trung bình mỗi tháng công ty cho ra đời khoảng 120 mẫu mã mới, nhưng chỉ vài ngày sau trên thị trường đã xuất hiện hàng nhái. Điều đáng nói, việc sở hữu trí tuệ trong trường hợp giả nhái này cũng không thể sử dụng được. Bởi lẽ các hãng chỉ có thể đăng ký sở hữu cho các nhãn hàng, còn các mẫu giày mới được ra đời liên tục lại không thể đăng ký từng mẫu. Đó là chưa kể nếu sản phẩm có đăng ký cũng không đấu được hàng giả, nhái vì đối tượng làm nhái chỉ cần thay đổi một vài chi tiết là khác nguyên mẫu.

Một vấn đề nữa có thể đến từ chính cuộc cạnh tranh của các DN nội. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu cứ tiếp tục bùng nổ các chương trình khuyến mại giảm giá lớn có thể gây ra những hiệu ứng ngược. Đó là việc khách hàng chỉ chờ những đợt giảm giá mới mua hàng, còn nếu không có chương trình này sẽ khó kéo khách đến các cửa hàng.

Đó là chưa kể, giảm giá nhiều liên tục, chất lượng sản phẩm chắc chắn sẽ là dấu hỏi lớn của người tiêu dùng. Bởi trên thực tế ngành da giày Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá thành sản phẩm khó có thể rẻ.

Thanh Lâm

Sài Gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Giảm 50% phí đăng ký thành lập doanh nghiệp (29/01/2018)

>   Diễn đàn Leader Talk: Kinh tế chia sẻ dự báo là xu hướng kinh doanh toàn cầu (29/01/2018)

>   Hàng chục doanh nghiệp Bình Dương mất tích, nợ thuế tiền tỷ (29/01/2018)

>   Áp thuế tự vệ phân bón: "Cuộc chơi" cho doanh nghiệp nội (28/01/2018)

>   Giá đóng tàu biển tăng do quy định mới (28/01/2018)

>   Vận tải ở ĐBSCL: cần đột phá về chính sách từ Bộ GTVT (28/01/2018)

>   Tháo "nút thắt" kiểm tra chuyên ngành (27/01/2018)

>   Đề nghị EC bỏ “thẻ vàng” thuỷ sản trong quý II/2018 (27/01/2018)

>   Nhiều dự án nằm ì (27/01/2018)

>   Truy tố 'tập đoàn lừa đảo' Liên Kết Việt (26/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật