Tăng trưởng toàn cầu 2018 sẽ đạt mức cao nhất trong 8 năm?
Theo kết quả khảo sát của Reuters đối với 500 chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 có thể sẽ đạt mức cao nhất từ năm 2010.
Kinh tế toàn cầu được các chuyên gia nhận định sẽ đạt mức 3,7% năm nay, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010.
|
Khảo sát của Reuters được thực hiện trong tháng này ở 45 quốc gia. Theo đó, các chuyên gia kinh tế ở 70% các quốc gia được khảo sát không chỉ lạc quan về tăng trưởng kinh tế, mà còn nhận định áp lực lạm phát vẫn không thay đổi so với năm ngoái.
Theo đó, kinh tế toàn cầu được các chuyên gia nhận định sẽ đạt mức 3,7% năm nay, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2010.
Mức dự báo tăng trưởng này cao hơn mức dự báo 3,6% được Reuters công bố vào tháng 10/2017, nhưng thấp hơn mức dự báo 3,9% của IMF được đưa ra mới đây.
Theo Reuters, dự báo nói trên chủ yếu được dựa trên tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển, như khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Mỹ.
Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Eurozone sẽ tăng mạnh hơn nhờ sự gia tăng niềm tin kinh doanh, niềm tin tiêu dùng và thị trường lao động ổn định của khu vực này.
Tuy nhiên, đồng EUR tăng giá mạnh cũng là một thách thức đối với khu vực này khi mà Eurozone đang tiến tới chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào cuối năm nay.
“Mặc dù vậy, nhưng quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ chậm lại so với dự kiến”, ông Michael Carey, Chuyên gia kinh tế trưởng của Credit Agricole CIB nhận định.
Đối với Anh, ngân hàng trung ương quốc gia này sẽ chưa thực hiện tăng lãi suất ít nhất đến tháng 10 năm nay bởi quốc gia này đang chờ đợi kết quả đàm phán Brexit với EU.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm qua nhờ kế hoạch cải cách thuế của chính quyền Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này chỉ có tác động ngắn hạn đối với nền kinh tế Mỹ và FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay.
Trước đây, các chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn do chính sách bảo hộ của Mỹ, đặc biệt là chính sách “nước Mỹ là trên hết” của chính quyền Trump. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát của Reuters lại cho thấy, tác động của chính sách bảo hộ của Mỹ đối với kinh tế thế giới không đáng kể.
Hơn 80% trong số 140 chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ không có bất kỳ rào cản lớn nào đối với thương mại toàn cầu trong năm 2018.
“Rào cản thương mại toàn cầu là rủi ro đối với dự báo của chúng tôi trong năm nay. Tuy nhiên, rào cản này trên thực tế không lớn như mọi người nghĩ”, ông Scott Anderzon, chuyên gia kinh tế trưởng của Bank of the West cho biết.
Trong khi đó, 24 chuyên gia kinh tế nhận định sẽ có một số rào cản đối với thương mại toàn cầu, như việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thỏa thuận Brexit, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung,…
Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát khác của Reuters được công bố tuần trước cho thấy, NAFTA sẽ được đàm phán lại thành công mà không có thay đổi lớn nào, bất chấp một số yêu sách của chính quyền Trump.
“Tôi tin rằng, các quốc gia sẽ luôn nghĩ về đại cục và NAFTA sẽ không thể bị sụp đổ”, ông William Dickens, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế của Đại học Đông Bắc ở Boston chia sẻ.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, đa số các ngân hàng trung ương sẽ dần dịch chuyển từ chính sách nới lỏng tiền tệ sang chính sách thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, lãi suất vẫn ở mức thấp, nên không ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngọc Anh
Diễn đàn doanh nghiệp
|