Đại án Phạm Công Danh - giai đoạn 2
Những bất hợp lý trong cáo trạng quy kết trách nhiệm của Phạm Công Danh
Luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) nhận thấy, trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao có nhiều đánh giá về mức độ hành vi và hậu quả của ông Danh chưa chính xác. Đề nghị HĐXX bác bỏ những gì không đúng pháp luật.
Theo quan điểm của luật sư Hải, trong vụ án này, bị cáo Phạm Công Danh bị truy tố và xét xử về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ án có 2 vấn đề cơ bản ảnh hưởng đến trách nhiệm của bị cáo: (1) Xác định đúng mức độ hành vi vi phạm, (2) Xác định đúng mức độ hậu quả.
Qua theo dõi cáo trạng, luật sư nhận thấy, có rất nhiều đánh giá về mức độ hành vi và hậu quả chưa chính xác.
Thứ nhất, các giao dịch gửi tiền của VNCB tại 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) không vi phạm Pháp luật và hoàn toàn không sai luật. Trang 91 trong cáo trạng của VKSND tối cao có đề cập rằng, hành vi gửi tiền của VNCB sang 3 ngân hàng của Phạm Công Danh đã vi phạm các quy định của Thông tư số 01/2013/TT-NHNN ngày 07/01/2013 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/06/2012 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Tổ chức tín dụng không được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa 3 tháng) tại tổ chức tín dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Tuy nhiên, hợp đồng giữa VNCB và Sacombank là hợp đồng tiền gửi thanh toán, hợp đồng giữa VNCB và TPBank là hợp đồng tiền gửi không kỳ hạn (bản chất là tiền gửi thanh toán), còn hợp đồng giữa VNCB và BIDV là hợp đồng có kỳ hạn 7 ngày.
Thứ hai, pháp luật không quy định việc cho vay, cấp tín dụng phải có tài sản đảm bảo. Cũng tại trang 91 cáo trạng quy kết “Phạm Công Danh là người chỉ đạo việc cấp bảo lãnh cho các công ty của ông vay tiền nhưng không có tài sản đảm bảo là vi phạm các quy định của Nghị định số 163 ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Thông tư số 28 ngày 03/10/2012 của NHNN về bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, không có quy định nào bắt buộc cho vay tiền phải có tài sản đảm bảo, chỉ có quy định về đối tượng cho vay bị hạn chế. Vào tháng 12/2014, trong một yêu cầu trả lời chất vấn liên quan đến cấp tín dụng tín chấp, đại diện NHNN cũng có trả lời trên website của NHNN rằng pháp luật không có quy định nào cấm tổ chức tín dụng cấp tín chấp.
Thứ ba, luật sư bác bỏ quan điểm của Viện kiểm sát và đề nghị HĐXX bác bỏ quan điểm liên quan đến thiệt hại về lãi suất cho vay. Trong phiên thẩm vấn ngày 16/01, đại diện Viện kiểm sát có đề cập đến việc, tại sao lãi suất cho vay cao, VNCB không cho vay lại đi gửi tiền tại 3 ngân hàng với lãi suất tiền gửi thấp? Theo luật sư Hải, không có Pháp luật nào quy định cứ huy động vốn phải đem cho vay, ngược lại có rất nhiều quy định huy động vốn không được đem cho vay để đảm bảo an toàn. “Theo quy định tại thông tư 13, TCTD chỉ có thể đảm bảo được khả năng chi trả và tất cả các tỷ lệ an toàn, nhưng VNCB có đảm bảo không?”, luật sư đặt câu hỏi. Tại thời điểm đó, có đến 98% vốn huy động của VNCB mang cho vay biến thành nợ xấu, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 20,000 tỷ đồng, vốn tự có -2,800 tỷ đồng; các ngân hàng phải duy trì 9% vốn tự có nhưng tỷ lệ an toàn vốn của VNCB chỉ là 0.1%. Do vậy, Ngân hàng phải giữ thanh khoản bằng cách đem gửi tiền tại các nhà băng khác. Luật sư Hải nhấn mạnh, “Nếu HĐXX không chấp nhận quan điểm trên của tôi, thì hàng nghìn giao dịch ngân hàng đang sai phạm”.
Thu Phong
FILI
|