Nhờ đâu kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong năm 2017?
Nền kinh tế Mỹ dưới thời Donald Trump vừa có một khởi đầu rất tốt trong năm 2017. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang truyền tải một thông điệp đơn giản tới thế giới: “Nước Mỹ đang rất tuyệt vời dưới thời của tôi”.
“Cả thế giới đang chứng kiến sự hồi sinh của một nước Mỹ mạnh và thịnh vượng”, ông Trump cho biết trước các nhà lãnh đạo, CEO và giới báo chí tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ hôm thứ Sáu (26/01).
Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2.3% trong năm 2017, dựa trên số liệu thống kê công bố trong ngày 26/01. Đó là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 2 năm vừa qua.
Người tiêu dùng, chủ doanh nghiệp nhỏ và CEO đang tỏ ra tự tin một phần là nhờ chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump. Ông và những người Đảng Cộng hòa thuộc Quốc hội Mỹ đã thực hiện một đợt cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân, và một số công ty đã hứa thưởng hoặc nâng lương cho nhân viên sau đợt cắt giảm thuế này. Nhiều công ty còn gợi ý sẽ chi trả cổ tức lớn hơn cho cổ đông. Một số công ty nước ngoài, như Samsung, cũng mở thêm các nhà máy mới ở Mỹ.
Tuy nhiên, có một yếu tố khác không thể phủ nhận được đó là: Sự hồi sinh của nền kinh tế toàn cầu. Sự tăng trưởng mạnh trong năm 2017 đã giúp thúc đẩy thị trường việc làm và thị trường chứng khoán Mỹ.
Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.7% trong năm 2017, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010, dựa trên các ước tính mới từ IMF. Một điều cực kỳ hiếm thấy đã xảy ra trong năm 2017: Mọi quốc gia lớn hoặc khu vực lớn đều tăng trưởng, từ Trung Quốc cho tới châu Âu cho tới Mỹ Latinh đến Nhật Bản.
Nền kinh tế châu Âu khởi sắc ấn tượng. Tăng trưởng Trung Quốc khá ổn định. Và kinh tế Nhật Bản cũng phục hồi. Các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latinh (ngoại trừ Venezuela) đều phục hồi trở lại từ cuộc suy thoái.
Nhiều công ty Mỹ bán sản phẩm của các thị trường này. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh hơn còn thúc đẩy lợi nhuận của các công ty Mỹ. Doanh thu và lợi nhuận cao hơn cũng nhấc bổng các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ lên kỷ lục mới trong năm 2017.
Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu thậm chí còn quan trọng hơn đối với kinh tế Mỹ, nhất là với lĩnh vực mà Donald Trump muốn mở rộng: Lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng 5.5% trong năm 2017. Nghe thì có vẻ chẳng nhiều nhặn gì, nhưng đây rõ là một sự xoay chuyển tình thế quan trọng so với tình trạng suy giảm kim ngạch xuất khẩu hồi năm 2016. Và hoạt động sản xuất công nghiệp phục thuộc nhiều vào việc bán máy bay, xe hơi, thiết bị y tế và các hàng hóa khác trên khắp thế giới.
Khi hoạt động xuất khẩu gia tăng, các nhà máy ở Mỹ cũng tạo thêm gần 200,000 việc làm trong năm 2017. Trong năm 2016, các công ty sản xuất tại Mỹ còn cắt giảm biên chế.
Một yếu tố khác cũng quan trọng đối với các công ty sản xuất là giá trị của đồng USD. Đồng bạc xanh yếu hơn sẽ làm hàng hóa của Mỹ trở nên rẻ hơn đối với những người sử dụng những đồng tiền khác. Trong năm 2017, đồng USD đã mất 10% giá trị.
Trong khi đó, giá trị của các đồng tiền khác trên thế giới thì lại gia tăng sau khi các ngân hàng trung ương rút lại các gói kích thích và nền kinh tế của họ cũng tăng trưởng mạnh hơn.
Các chuyên gia kinh tế – bao gồm cả các chuyên gia kinh tế tại IMF – dự báo các đợt cắt giảm thuế của Mỹ sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong năm nay. Họ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức trên 2% trong năm 2019 hoặc 2020. Chính kỳ vọng này đã làm khiến đồng USD suy yếu.
Trong ngày thứ Năm, ông Trump kỳ vọng đồng USD sẽ ngày càng mạnh hơn trong tương lai, ám chỉ một nền kinh tế tăng trưởng mạnh dưới thời của ông. Kể từ đầu năm 2018, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – đã giảm 3.3% xuống mức thấp nhất trong 3 năm.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm thứ 2 dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể mạnh hơn nữa. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức 2.7%. Ngoài ra, các quan chức tại IMF còn dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3.9% trong năm nay.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|