Ngân hàng và thách thức đáp ứng các quy định an toàn mới
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN vào cuối tháng 12 vừa qua, theo đó đã sửa đổi một số quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đây là lần sửa đổi thứ hai sau lần sửa đổi đầu tiên vào giữa năm 2016 với Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Ngân hàng “dễ thở” hơn với tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Theo quy định mới vừa được ban hành, NHNN đã chính thức áp tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống 45% kể từ ngày 01/01/2018 và còn 40% kể từ ngày 01/01/2019. Đây được xem là động thái hỗ trợ cho các ngân hàng trong việc giảm áp lực lên nguồn vốn huy động đầu vào, khi quy định trước đó (theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN) dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 40% kể từ đầu năm 2018.
Với việc giãn lộ trình như trên, các ngân hàng sẽ giảm được sức ép lên nguồn vốn huy động đầu vào, nhất là khi hiện tại vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ này xấp xỉ ở mức 45%, từ đó cũng giúp hỗ trợ mặt bằng lãi suất có điều kiện ổn định hơn trong bối cảnh thanh khoản có dấu hiệu co hẹp trong mùa cao điểm kinh doanh dịp tết Nguyên đán.
Ngoài ra, trong cấu phần tính nguồn vốn đầu vào để sử dụng tính tỷ lệ này, NHNN đã bổ sung thêm khoản mục tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà TCTD chịu rủi ro; tiền vay của TCTD đầu mối trong trường hợp tham gia cho vay lại đối với các dự án tài trợ, ủy thác đầu tư và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay do TCTD phải chịu. Với quy định rõ ràng như trên, nguồn vốn đầu vào của các ngân hàng có cơ sở để mở rộng hơn.
Trong khi đó, ở cấu phần dư nợ cho vay, NHNN đã loại trừ các khoản cho vay các chương trình, dự án bằng nguồn vay tái cấp vốn NHNN theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Điều này nhằm giúp các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước vốn thường được chỉ định cho vay theo các chương trình, dự án của Chính phủ có cơ sở để loại trừ các khoản cho vay này ra khỏi phần dư nợ trung dài hạn khi tính toán tỷ lệ này, nhằm đảm bảo vẫn trong giới hạn quy định.
Nhưng bị siết lại ở hoạt động đầu tư?
Tuy nhiên, ở hoạt động đầu tư, NHNN đã quyết định giảm tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xuống mức 30%. Theo quy định cũ trước đây thì nhóm NHTM Nhà nước là 25%, ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 35%. Như vậy, trong khi nhóm NHTM Nhà nước được nâng tỷ lệ tối đa thêm 5% thì nhóm ngân hàng TMCP và ngân hàng nước ngoài bị giảm xuống 5%. Điều này cũng được xem là phù hợp vì thực tế thời gian qua nhóm NHTM Nhà nước đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ rất lớn nên cần phải nâng lên cho sát với thực tế.
Đáng chú ý là nếu như Thông tư 36 trước đây và Thông tư 06 sửa đổi sau đó đều chỉ áp dụng tỷ lệ này đối với phần trái phiếu Chính phủ, thì theo quy định mới trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cũng sẽ được tính vào. Theo đó, các khoản mua, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách phát hành và trái phiếu do tổ chức tài chính, TCTD phát hành được Chính phủ bảo lãnh cũng sẽ được tính vào giá trị của danh mục đầu tư, đồng nghĩa với việc tỷ lệ này của một số ngân hàng có thể tăng lên khi có đầu tư vào các trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, do đó hạn mức để đầu tư thêm sẽ bị thu hẹp lại.
Ngược lại, nếu như theo quy định cũ thì tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ chỉ được tính trên nguồn vốn ngắn hạn bình quân, thì quy định mới được tính trên tổng nợ phải trả bình quân của tháng liền kề trước đó. NHNN cũng bổ sung định nghĩa tổng nợ phải trả bình quân của tháng được tính bằng tổng số dư khoản mục tổng nợ phải trả trên cân đối kế toán cuối mỗi ngày trong tháng chia cho tổng số ngày trong tháng. Thông thường, tổng nợ phải trả của ngân hàng lớn hơn rất nhiều so với nếu chỉ tính riêng nguồn vốn ngắn hạn, do đó với sự điều chỉnh này đồng nghĩa với mẫu số được mở rộng ra thì phần tử số là giá trị đầu tư cũng sẽ tăng lên tương ứng, hay nói cách khác sự điều chỉnh này lại giúp các ngân hàng có cơ hội gia tăng nguồn vốn mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ.
Và những quy định đáng chú ý khác
NHNN cũng bổ sung quy định rõ khi tính toán các tỷ lệ của các loại ngoại tệ được quy đổi sang đồng Việt Nam thì sẽ tính theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá chéo do NHNN công bố hàng ngày, thay vì là tỷ giá bình quân liên ngân hàng như trước đây. Đối với những loại ngoại tệ không có tỷ giá trung tâm hoặc tỷ giá chéo được công bố thì TCTD được sử dụng tỷ giá tự xác định.
Đối với phương pháp tính tỷ lệ dự trữ thanh khoản, thì phần mẫu số tổng nợ phải trả theo quy định mới sẽ được loại trừ khoản tái cấp vốn của NHNN dưới hình thức khoản chiết khấu giấy tờ có giá (GTCG), khoản vay được cầm cố bằng GTCG, khoản vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, khoản bán có kỳ hạn GTCG qua nghiệp vụ thị trường mở của NHNN. Tuy nhiên, đối với khoản tái cấp vốn của NHNN trên cơ sở trái phiếu của VAMC sẽ không được loại trừ ra.
Ngoài ra, tổng nợ phải trả cũng được loại trừ khoản cấp tín dụng của TCTD khác dưới các hình thức bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu và khoản vay được cầm cố bằng các loại GTCG được sử dụng trong các giao dịch của NHNN và các loại trái phiếu, tín phiếu do Chính phủ các nước, NHTW các nước phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán có xếp hạng tín nhiệm từ AA trở lên. Với phần mẫu số là tổng nợ phải trả có thể giảm xuống khi được loại trừ một số khoản mục kể trên, thì tỷ lệ dự trữ thanh khoản của các ngân hàng có điều kiện tăng lên theo tính toán.
NHNN cũng đã bổ sung, sửa đổi các tỷ lệ an toàn đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, TCTD hỗ trợ tham chiếu đến các quy định mới trong Luật các TCTD sửa đổi được ban hành hôm 20/11/2017, cũng như các quy định về cấp tín dụng, hạn chế, giới hạn cấp tín dụng. NHNN đồng thời thêm điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, theo đó đáng chú ý nhất là tổng dư nợ cấp tín dụng cho hoạt động này cũng không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của TCTD, tương tự như hoạt động đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Tuy nhiên, ở hoạt động đầu tư, NHNN đã quyết định giảm tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xuống mức 30%. Theo quy định cũ trước đây thì nhóm NHTM Nhà nước là 25%, ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước là 35%.
|
Phan Thụy
FILI
|