Hơn 38.000 tỷ tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi
Tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức này tăng 22,4% so với năm 2016...
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nâng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng.
|
Nguồn thu và nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tăng, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, theo thông tin tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của cơ quan này ngày 15/1 vừa qua.
Cụ thể, báo cáo tại hội nghị trên cho biết, năm 2017, nhìn chung các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định. Trong năm 2017, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thực thu 5.866,7 tỷ đồng từ các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tăng 970 tỷ đồng (19,8%) so với năm 2016.
"Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam", báo cáo của cơ quan này cho biết.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi Bảo hiểm Tiền gửi đã đầu tư đạt 38.372,4 tỷ đồng (tăng 22,4% so với năm 2016), chủ yếu được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đang tập trung nghiên cứu phương án mua trái phiếu dài hạn của các tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua.
Trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa được nâng lên 75 triệu đồng, thay cho mức 50 triệu đồng trước đó, áp dụng từ ngày 5/8/2017.
Nhật Nam
vneconomy
|