Thứ Ba, 16/01/2018 16:00

Đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2 - Bài cập nhật

Toàn bộ số tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng VNCB đã sử dụng

Đại diện Ngân hàng Xây dựng (CB, tên cũ là VNCB) cũng nhận định rằng, toàn bộ số tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng là VNCB sử dụng, không phải cá nhân ông Phạm Công Danh và đồng phạm. Trong khoảng thời gian từ 14/02 đến 26/072014, ông Danh với tư cách Chủ tịch HĐQT VNCB đã sử dụng tiền của Ngân hàng cho mục đích của chính Ngân hàng.

Góc khuất khoản tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn của VNCB

Về bản chất, dòng tiền để tăng vốn điều lệ của Ngân hàng VNCB ngay từ đầu đã là dòng tiền “sai”, không đúng quy định của pháp luật. Đến thời điểm các lãnh đạo Ngân hàng này bị khởi tố, NHNN vẫn chưa cấp giấy phép chấp thuận tăng vốn điều lệ cho VNCB. Theo lời khai của cả Ban điều hành VNCB trước đây và CB bây giờ, khoản 4,500 tỷ đồng tăng vốn vẫn còn treo ở VNCB và hòa vào dòng tiền chung, đã sử dụng hết nhưng chưa rõ đã dùng vào các mục đích gì, việc hạch toán vào đâu vẫn còn là một ẩn số.

Nghẹn ngào trong phiên tòa sáng 12/01, bị cáo Phạm Công Danh có nói rằng nếu không bị NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ, ông sẽ không rơi vào thế khó và cuối cùng sẽ không mắc sai phạm. Bản thân ông bị ép phải làm trong bối cảnh như vậy.

Nhưng cuối cùng những nỗ lực để tăng vốn bằng chính dòng tiền sai trái về bản chất vay từ Ngân hàng BIDV, theo lời khai của ông Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB, đã không có kết quả. Đến thời điểm bị khởi tố, NHNN vẫn chưa cấp giấy phép chấp thuận tăng vốn điều lệ cho VNCB.

Bị cáo Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh

Theo ông Phạm Công Danh, trong một cuộc họp vào khoảng cuối năm 2013 tại VNCB với đại diện của NHNN làm chủ tọa đã yêu cầu bằng cách nào đó phải tăng vốn lên 7,500 tỷ đồng nhằm đáp ứng phương án tái cơ cấu, đảm bảo các chỉ số tài chính, tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN.

Tại cuộc họp này, ông Phạm Công Danh đã nhiều lần xin giãn tiến độ bằng cách chia nhỏ việc tăng vốn, mỗi lần tăng khoảng 500-1,000 tỷ đồng theo đúng năng lực của Ngân hàng nhưng không được sự chấp thuận của lãnh đạo NHNN và vẫn bị yêu cầu tăng vốn.

Do không có tiền để tăng vốn điều lệ nên vào khoảng tháng 9/2013, ông Phạm Công Danh đến BIDV tại Hà Nội gặp lãnh đạo Hội sở chính (theo lời khai là gặp ông Đoàn Ánh Sáng - Phó Tổng giám đốc) đặt vấn đề giới thiệu sang BIDV cho khách hàng doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD)). Nếu khách hàng do VNCB giới thiệu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ hỗ trợ dùng tài sản của mình để đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV.

Sau khi được lãnh đạo BIDV Hội sở chính đồng ý, ông Phạm Công Danh về chỉ đạo cấp dưới chọn 12 công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, 4 công ty cung cấp VLXD đầu vào trong số các công ty do ông Phạm Công Danh thành lập; lập khống hồ sơ vay vốn để nộp cho BIDV. Ông Phạm Công Danh là người quyết định dùng tài sản đảm bảo gồm 6 lô đất Sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng; đất tại số 209 Trường Chinh, Đà Nẵng và 3,070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4,700 tỷ đồng.

Sở dĩ, số tiền vay lên tới 4,700 tỷ đồng trong khi VNCB chỉ cần 4,500 tỷ đồng để tăng vốn, theo lời khai của bị cáo Phan Thành Mai, là bởi VNCB cần thêm tiền để chăm sóc khách hàng.

Để vay được 4,700 tỷ đồng tại BIDV, bên cạnh các tài sản là bất động sản, VNCB phải chuyển sang (theo tính toán của bị cáo Phan Thành Mai sau khi trừ đi tài sản cầm cố) hơn 2,550 tỷ đồng, nhưng thực tế đã chuyển trước đó 3,070 tỷ đồng để bảo lãnh. Nguồn tiền 3,070 tỷ đồng phần lớn là huy động thị trường 1 và một phần còn lại nằm trong số 3,600 tỷ đồng mà ông Phạm Công Danh mua tài sản của bà Hứa Thị Phấn đã chuyển vào Ngân hàng.

Sau khi được BIDV giải ngân 4,700 tỷ đồng, chạy lòng vòng qua nhiều tài khoản doanh nghiệp và cá nhân, ông Phạm Công Danh đã điều chuyển 4,000 tỷ đồng và dòng tiền 500 tỷ đồng khác (trong đó có 200 tỷ đồng vay TPBank) để tăng vốn điều lệ của VNCB. Nhưng cho đến thời điểm bị khởi tố, NHNN đã cho đoàn thẩm định xem xét và chưa cấp giấy phép chấp thuận tăng vốn cho Ngân hàng này.

VNCB đã từng được chấp thuận tăng vốn “hụt” khi Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An cấp phép cho Ngân hàng giấy chứng nhận với vốn điều lệ là 7,500 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Bị cáo Phan Thành Mai cho rằng lỗi này thuộc về HĐQT VNCB do nóng lòng muốn Ngân hàng có vốn điều lệ mới; có uy tín, vị trí mới để phát triển kinh doanh. Xác nhận trong phiên tòa ngay sau đó, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An cho biết do mảng ngân hàng là mảng đặc thù chuyên ngành nên Sở có sai sót trong việc cấp đăng ký kinh doanh. Đến đầu tháng 6/2014, sau khi nhận được văn bản của NHNN về việc đề nghị sửa giấy phép hoạt động, Sở đã xem xét và điều chỉnh trở xuống vốn điều lệ của VNCB còn 3,000 tỷ đồng.

4,700 tỷ đồng bây giờ ở đâu?

Theo bản cáo trạng cũng như lời khai của các bị cáo, 3 mục đích sử dụng khoản vay 4,700 tỷ đồng được Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Ngọc Sơn - nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV) đưa ra bao gồm: (1) tăng vốn cho VNCB, (2) trả nợ cũ (chủ yếu cho Ngân hàng Đại Tín trước đây) và (3) chăm sóc khách hàng.

Tổng hợp lại, các vấn đề liên quan đến đường đi của dòng tiền 4,700 tỷ được các bị cáo cũng như người có quyền và nghĩa vụ liên quan đưa ra như sau:

  • Đại diện Ngân hàng CB (tên mới của VNCB): Toàn bộ số tiền đã hòa vào dòng tiền chung, không được bóc tách ra và đã được sử dụng hết trước ngày 05/03/2015. Tuy nhiên, cụ thể là thời điểm nào thì không thể nhớ được vì đã hòa vào dòng tiền chung.
  • Bị cáo Nguyễn Quốc Viễn: Khoản 4,500 tỷ đồng để tăng vốn vẫn còn treo ở VNCB, tính tới thời điểm ông Phạm Công Danh bị khởi tố 26/07/2014.
  • Bị cáo Phan Thành Mai: Tính đến thời điểm bị khởi tố, quan điểm 4,000 tỷ đồng từ BIDV (trong số tiền 4,700 tỷ đồng giải ngân) về và mất là không chính xác. 4,000 tỷ đồng này đã được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong đó đa phần là sử dụng cho chính ngân hàng. Bị cáo Mai cho biết khi xem xét nên nhìn trên cả 3 góc độ: dòng tiền chỉ là một cái nền, tài sản của ngân hàng có thật sự mất hay không, và có sinh lợi không. Theo bị cáo Phan Thành Mai, số tiền 4,000 tỷ đã được dùng để giảm chi phí ngân hàng vào thời điểm đó, mặc dù đã dùng hết nhưng dùng cho chính Ngân hàng và đã hòa vào dòng tiền chung.

Vấn đề hạch toán khoản tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ cũng nhận được những câu trả lời trái chiều. Bị cáo Mai Hữu Khương - nguyên Giám đốc tài chính VNCB khai rằng đã hạch toán vào nợ phải trả; số liệu theo dõi nợ phải trả được thể hiện trong báo cáo tài chính (BCTC) hàng ngày, BCTC kiểm toán hoặc Báo cáo niên độ hàng năm của VNCB. Mai Hữu Khương cho biết, 4,500 tỷ đồng hòa chung vào dòng tiền nhưng không hòa tan; khi số tiền này được nhập vào hệ thống, nếu phát sinh việc chuyển ra sẽ có số liệu và cho đến thời điểm bị khởi tố vẫn chưa có số liệu phát sinh chuyển ra.

Tuy nhiên, đại diện CB lại khẳng định không không có dữ liệu nào cho thấy 4,500 tỷ đồng là khoản nợ phải trả của Ngân hàng và việc hạch toán nợ phải trả là không có. Phía CB trả lời rằng, bản chất không phải cổ đông cho VNCB mượn tiền mà là tiền đi vay nên sẽ không hạch toán khoản phải trả. Và nói thêm 4,500 tỷ đồng là khoản treo không được hạch toán là nợ phải trả và CB đang xin ý kiến NHNN về số tiền này.

Tại phiên tòa chiều 15/01, trả lời cho câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) về việc khoản tiền 4,500 tỷ đồng có cần phải được thu hồi để giảm thiệt hại của VNCB, điều tra viên Tăng Thị Nga xác nhận, cơ quan điều tra có đề nghị ưu tiên, xem xét thu hồi khoản tiền này. Cơ quan điều tra đã làm việc với Ngân hàng nhưng khoản tiền 4,500 tỷ đồng đã hòa chung vào dòng tiền thời điểm đó và sử dụng vào các mục đích khác nhau nên không có căn cứ thu hồi. Trong phần kết luận điều tra, cơ quan điều tra cho biết nguồn tiền này phải thu hồi nhằm giảm thiệt hại cho các bị cáo, tuy nhiên khoản tiền này chỉ có thể thu hồi khi còn tồn tại.

Nhận định về việc tăng vốn của VNCB có phải là thủ đoạn của bị cáo Phạm Công Danh, bà Nga cho rằng, theo kết luận điều tra, cơ quan điều tra chỉ làm rõ hành vi sai phạm của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi VNCB thế chấp cho khoản vay tại 3 ngân hàng, không xác định hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh trong việc tăng vốn.

Dòng tiền 4,500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ đi vào VNCB từ 14/02-26/07/2014

Tiếp nối phần thẩm vấn đang bỏ dở trong phiên tòa chiều qua (15/01), luật sư Huyền Trang (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) phiên tòa chiều nay (16/01) tiếp tục xét hỏi đại diện Ngân hàng CB để làm rõ các vấn đề có liên quan đến dòng tiền và tăng vốn điều lệ 4,500 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay là CB).

Theo đại diện CB, số dư tiền gửi đầu ngày 14/02/2014 của VNCB tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hơn 1,229 tỷ đồng, tức số tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng chưa vào tài khoản tiền gửi.

Trong khoảng thời gian từ 14/02 đến 26/07/2014 (thời điểm bị khởi tố), số tiền 4,500 tỷ đồng đi vào tài khoản tiền gửi của VNCB gửi tại NHNN, nhưng đại diện Ngân hàng không nhớ rõ thời điểm cụ thể. Thực chất trong khoảng thời gian này, có hơn 80,000 tỷ đồng đi vào Ngân hàng và 4,500 tỷ đồng đã hòa chung với tổng thể đó; đồng thời có khoảng 81,000 tỷ đồng đi ra. Đến cuối ngày 26/07/2014, số dư tiền gửi của VNCB chỉ còn hơn 526 tỷ và tính đến 31/12/2014 chỉ còn 34 tỷ đồng.

Đại diện CB nhắc tới đến dòng tiền đi vào, đi ra của Ngân hàng như vậy để nhấn mạnh quy mô của sự hòa vốn. Không rõ toàn bộ 4,500 tỷ đồng đã đi ra khỏi VNCB hay chưa bởi đã hòa chung vào dòng tiền của Ngân hàng. Chính vì dòng tiền vào ít hơn dòng tiền ra nên số dư tiền gửi cuối ngày 26/07/2014 mới bị sụt đi.

Trả lời thêm cho câu hỏi của luật sư, đại diện CB cũng nhận định rằng, toàn bộ số tiền tăng vốn 4,500 tỷ đồng là VNCB sử dụng, không phải cá nhân ông Phạm Công Danh và đồng phạm. Trong khoảng thời gian từ 14/02 đến 26/072014, ông Danh với tư cách Chủ tịch HĐQT VNCB đã sử dụng tiền của Ngân hàng cho mục đích của chính Ngân hàng.

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   Đã nhận được hồ sơ xác nhận ông Trần Bắc Hà nhập cảnh và khám bệnh tại Singapore từ 07/01 (16/01/2018)

>   Sacombank mở tài khoản trực tuyến cho doanh nghiệp mới thành lập (15/01/2018)

>   Sacombank bán toàn bộ hơn 81 triệu cp quỹ (16/01/2018)

>   Sau ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch TPBank cũng không đến tòa (15/01/2018)

>   DATC muốn bán khoản đầu tư tiền gửi hơn 111 tỷ đồng tại ALCII (15/01/2018)

>   Ông Trần Bắc Hà làm gì sau khi nghỉ hưu? (15/01/2018)

>   Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO sau gần 5 năm (15/01/2018)

>   Đại gia, quan chức thi nhau... đổ bệnh! (14/01/2018)

>   Một năm kết quả lớn cho ngân hàng Việt (14/01/2018)

>   Dự trữ có 54,5 tỉ USD, giá 'đô' tự do rẻ hơn ngân hàng (14/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật