Bất ngờ giảm lãi suất - Tại sao lại chọn ở thời điểm này?
Động thái giảm lãi suất vào cuối tuần vừa qua là khá bất ngờ với thị trường khi đang trong giai đoạn thanh khoản hệ thống thường chịu áp lực vào thời điểm cuối năm âm lịch. Phải chăng đã có những cơ sở vững chắc hỗ trợ cho quyết định này?
* Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO sau gần 5 năm
Giảm lãi suất và hiệu ứng lan tỏa?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ giảm 0.25% lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) trong phiên giao dịch cuối tuần 12/1 vừa rồi, xuống còn 4.75%. Đây là lần giảm đầu tiên sau gần 5 năm nhà điều hành duy trì tại mức 5%, lần giảm gần đây nhất là từ 5.5% xuống 5.0% vào ngày 18/3/2014, thời điểm NHNN giảm một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt khác như lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu. Trong đợt giảm lãi suất điều hành chủ chốt vào tháng 7/2017 vừa qua, việc vẫn giữ nguyên lãi suất trên OMO khiến thị trường không khỏi thất vọng, vì vậy quyết định giảm lần này dù nhỏ giọt nhưng cũng phần nào đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
Dù vậy, việc giảm lãi suất trên OMO khả năng không tác động nhiều đến chi phí vốn của các ngân hàng, do khối lượng giao dịch trên thị trường OMO từ giữa năm 2017 trở lại đây là rất khiêm tốn chỉ ở mức quanh 1,000 tỷ đồng, trong khi số lượng ngân hàng tham gia cũng khá ít ỏi do thanh khoản hệ thống luôn duy trì ở mức dồi dào. Đặc biệt, với mức giảm ít ỏi vừa qua thì lãi suất trên OMO cũng còn ở mức khá cao so với lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường 1 của các ngân hàng, vốn phổ biến từ 5 – 5.5% ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thậm chí cao hơn nhiều lãi suất vay vốn trên thị trường 2. Do đó, các ngân hàng có thể lựa chọn ưu tiên huy động tiền gửi từ khách hàng hoặc tìm đến thị trường 2 thay vì tìm nguồn hỗ trợ trên OMO.
Tuy nhiên, nếu như việc giảm lãi suất trên OMO chủ yếu mang tính định hướng của nhà điều hành thì việc giảm lãi suất cho vay ở 5 nhóm ngành ưu tiên được kỳ vọng sẽ có hiệu ứng lan tỏa rộng hơn. Một loạt các ngân hàng thương mại như Vietcombank (VCB), Agribank, VietinBank (CTG), VPBank (VPB) hay BIDV (BID) đã theo nhau giảm lãi suất cho vay đối với 5 nhóm ngành ưu tiên vào cuối tuần qua, với mức giảm từ 0.5 – 1% tùy theo kỳ hạn. Với tổng dư nợ của toàn ngành đến cuối năm 2017 tăng 18.17% và ước đạt hơn 6.5 triệu tỷ đồng, thì riêng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên ước chiếm tỷ trọng hơn 35%. Như vậy, nếu như toàn ngành có thể giảm khoảng 0.5% ở 5 lĩnh vực ưu tiên, thì chi phí các doanh nghiệp trong khu vực này có thể tiết kiệm được là hơn 11 ngàn tỷ đồng/năm.
Giảm trong thời điểm này phù hợp?
Như đã nói việc quyết định giảm vừa qua là khá bất ngờ với thị trường, do đang là thời điểm cuối năm âm lịch, nhu cầu vốn khá cao khi hoạt động sản xuất kinh doanh, chi trả và thanh toán đang vào giai đoạn cao điểm trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên động thái giảm lãi suất vừa qua cũng có những cơ sở vững chắc hỗ trợ.
Đầu tiên là mức tăng chỉ số giá tiêu dùng còn thấp trong tháng đầu năm, nên không phải chịu áp lực từ yếu tố lạm phát, do đó quyết định giảm lãi suất sẽ dễ thực hiện hơn. Thứ hai là NHNN trong vòng nửa tháng đầu năm đã mua thêm 1.5 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên mức 54.5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đã liên tục tăng mạnh kể từ giai đoạn cuối năm ngoái đến nay, đồng nghĩa với việc một lượng lớn tiền đồng đã được bơm ra thị trường, do đó thanh khoản của các ngân hàng không chịu nhiều quá áp lực căng thẳng trong thời gian gần đây.
Thứ ba là tỷ giá USD/VNĐ cũng khá ổn định và thậm chí những ngày qua còn giảm trước thông tin NHNN đã gia tăng dự trữ ngoại hối mạnh mẽ, cộng thêm yếu tố hỗ trợ từ sự suy yếu gần đây của đồng USD trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, cán cân thanh toán nói chung và cán cân thương mại hàng hóa nói riêng trong năm 2017 thể hiện tích cực càng tạo tâm lý lạc quan. Theo thống kê gần đây của NHNN thì cán cân thanh toán quý 3/2017 tiếp tục thặng dư hơn 2.3 tỷ USD, nâng mức thặng dư lũy kế 9 tháng lên hơn 4.5 tỷ USD, riêng cán cân thương mại hàng hóa cả năm 2017 theo số liệu từ Tổng cục Hải quan đạt thặng dư 2.91 tỷ USD.
Với những thông tin tốt liên tiếp được báo cáo thì quyết định giảm lãi suất ngay từ đầu năm sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ, thay vì nếu hoãn lại thì sau này có thể chịu áp lực từ các yếu tố lạm phát hay tỷ giá dẫn đến quyết định điều chỉnh giảm sẽ khó hơn. Đặc biệt là khi giá dầu đang tiếp tục hồi phục mạnh trở lại và nếu giá điện được điều chỉnh tăng mạnh trong năm nay tất yếu sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, cùng với việc Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất cơ bản USD trong năm 2018 thì cũng ít nhiều gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất vào thời điểm này cũng sẽ hỗ trợ đáng kể hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như có thể kích thích nhu cầu tín dụng tăng nhanh ngay từ đầu năm để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo động lực giúp tăng trưởng kinh tế nói chung cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng nói riêng ngay từ đầu năm, nhất là khi tăng trưởng GDP năm nay tiếp tục đặt ra ở mức cao là 6.5-6.7% và tín dụng là 17%. Thông thường quý 1 là giai đoạn tăng trưởng GDP và tín dụng khá thấp.
Trong năm 2017 lãi suất cho vay đã giảm 0.5%-1%/năm giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn và là một trong những yếu tố giúp tăng trưởng tín dụng đạt mức cao đã đề ra ở 18.17%, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt 6.81%, vượt kế hoạch đề ra.
Riêng đối với ngân hàng, nếu nhu cầu vay vốn tăng cao từ đầu năm sẽ giúp các ngân hàng dễ dàng đẩy mạnh cho vay và đạt được vòng quay vốn tốt hơn, nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã chính thức giảm từ 50% về 45% từ đầu năm 2018, do đó các ngân hàng đều ưa thích và ưu tiên cho vay vốn ngắn hạn hơn.
Phan Thụy
FiLi
|