Thứ Năm, 18/01/2018 15:54

Hố đen thông tin

Tại hội nghị tổng kết ngành kế hoạch, đầu tư ngày 15-1-2018, lãnh đạo Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết trong năm 2017 ngành thống kê đã thực hiện 28 cuộc tổng điều tra kinh tế, góp phần đánh giá chính xác các chuyển biến của nền kinh tế và dự báo sớm các diễn biến của nền kinh tế, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và gửi Chính phủ.

Trong quá trình này, hầu hết các bộ, ngành tham gia, phối hợp cung cấp dữ liệu đầy đủ cho cơ quan thống kê nhưng có năm bộ, ngành chậm trễ chia sẻ thông tin thống kê theo chỉ đạo, gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Với từng bộ, ngành này, TCTK nêu rõ từng loại thông tin cụ thể mà mình đang cần và đề nghị Chính phủ, với sự có mặt của Thủ tướng tại hội nghị, sớm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc chia sẻ thông tin từ dữ liệu hành chính.

Đọc những dòng này trên báo chí, người dân không khỏi tâm tư cho TCTK, cho Chính phủ và cho cả chính mình với tư cách là sử dụng sản phẩm thống kê cuối cùng. Mặc dù TCTK đánh giá những bộ, ngành còn lại đã giúp ngành này “nhận định thực tiễn, đánh giá hiệu quả, nhìn nhận ra thách thức và lập kế hoạch phát triển trong trung và dài hạn” nhưng bức tranh chung thiếu những mảnh ghép từ các nơi nắm giữ nguồn thông tin quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế hiện nay như ngân sách, tín dụng... liệu có ý nghĩa đầy đủ?

Nhiều năm qua, câu hỏi về độ chính xác, tính kịp thời của các kết quả thống kê thường được đặt ra. Mặc dù TCTK nhiều lần lên tiếng bảo vệ quan điểm của mình nhưng các lập luận kiên định nhất tập trung vào vấn đề phương pháp còn vấn đề thông tin đầu vào có khi được bỏ ngõ để... chừa đường lùi. Mà cũng đúng, chất lượng thông tin đầu vào không tốt, chậm trễ đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng thông tin đầu ra. Chỉ có điều, trước giờ nghe ngành thống kê than về việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp, người dân, nay địa chỉ là chính các cơ quan nhà nước quan trọng, nắm nhiều con số quan trọng.

Thật ra, theo quy định, một số các cơ quan bị TCTK “bêu tên” nói trên cũng có nghĩa vụ cung cấp các thông tin mà TCTK cần trên chính trang web của họ và cũng... thường xuyên vi phạm. Rồi đến lượt mình, các cơ quan này, như Bộ Tài chính, lại than không khác gì TCTK khi các đơn vị khác không cung cấp thông tin cho bộ. Còn nhớ, đầu năm ngoái, Bộ Tài chính báo cáo tính đến ngày 28-2-2017 có 13 cơ quan đại diện chủ sở hữu không thực hiện báo cáo kết quả giám sát tài chính sáu tháng đầu năm 2016, khiến Phó thủ tướng yêu cầu bộ kiến nghị Thủ tướng xử lý người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo Nghị định 87/2015 mà hình thức kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, miễn nhiệm hoặc cách chức. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bị yêu cầu báo cáo Thủ tướng danh sách tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin và đề xuất xử lý vi phạm theo Nghị định 81/2015. Đến nay, không có thông tin về việc các vi phạm này đã được khắc phục hay xử lý thế nào.

Vì sao các cơ quan, đơn vị nói chung không tự giác cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của mình? Đó có lẽ không đơn thuần là tâm lý muốn che giấu những yếu kém, sai phạm mà nhiều khi xuất phát từ sự không ý thức được nghĩa vụ của mình trong mối quan hệ với cơ quan, đơn vị khác và với người dân hay cá biệt, ý thức rõ quyền lực - lợi ích của thông tin mà mình đang nắm giữ nên cố giữ càng lâu càng tốt để bán hoặc sử dụng riêng. Chúng ta không thiếu các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin, mức độ cụ thể hóa về chế tài xử lý vi phạm cũng dần được cải thiện, không chỉ trong hai nghị định nêu trên mà cao hơn, còn có Luật Thống kê và mới đây nhất là Luật Tiếp cận thông tin (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018). Cách làm cho thông tin được công khai, minh bạch, kịp thời là áp dụng chế tài đối với rào cản đường đi của nó. Không chỉ để “nghiêm phép nước” mà quan trọng hơn, là để các giá trị của thông tin được khai thác hiệu quả như mục đích ban đầu của các quy định.

Những “hố đen” thông tin đang tạo ra rất nhiều hệ lụy cho công tác quản lý nhà nước, quyết định của doanh nghiệp và người dân. 

Nguyễn Mỹ

Thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   NÓI THẲNG: Sở thuế và phận dân (18/01/2018)

>   Uber điều thêm 'tướng' cho thị trường Việt Nam (18/01/2018)

>   'Soi' kinh tế ngầm quy mô 60 tỉ đô ở Việt Nam (18/01/2018)

>   “Thẻ vàng” hải sản: thách thức và cơ hội cho mở rộng thị trường (18/01/2018)

>   Chuỗi cửa hàng tiện ích GS của Hàn Quốc nhắm tới thị trường Việt Nam (18/01/2018)

>   Kinh doanh kém hiệu quả, Visi Việt Nam nộp đơn xin chấm dứt đa cấp (17/01/2018)

>   Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (17/01/2018)

>   TPHCM cho thí điểm tàu từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ và Vũng Tàu (17/01/2018)

>   Bị cáo Trịnh Xuân Thanh xin lỗi "bác Tổng Bí thư" rồi òa khóc (17/01/2018)

>   Tơ lụa Việt Nam: Sứ mệnh mới của thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc (17/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật