Thứ Tư, 17/01/2018 14:24

Tơ lụa Việt Nam: Sứ mệnh mới của thủ phủ tơ tằm Bảo Lộc

Cuộc trở mình của lụa Bảo Lộc đặt mục tiêu làm cho người tiêu dùng biết đến thương hiệu tơ lụa Bảo Lộc.

* Tơ lụa Việt Nam - Kỳ 1: Cú sốc Khaisilk và ba câu chuyện từ thủ phủ "vàng trắng"

Trong quá khứ, những chuyên gia của Nhật Bản từng xác định Bảo Lộc là xứ tốt nhất Việt Nam để làm tơ lụa.

Đến giữa năm 2017, tơ lụa Bảo Lộc đã có mặt ở thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Ý, Anh, Pháp và các nước khu vực Trung Đông.

Từ tơ tằm, các nhà dệt ở Bảo Lộc đã sản xuất lụa satin dùng may kimono cho người Nhật; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, CDC dùng may âu phục cao cấp...

Những ghi chép của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam nói rằng từ năm 1955, khi chiến tranh ngày càng ác liệt, trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ bị xóa sổ ở khu vực miền Nam.

Năm 1965, Chính phủ Nhật Bản dự định viện trợ cho chính quyền Sài Gòn khoảng 10 triệu USD để trồng dâu nuôi tằm ở Tây Nguyên thay cho bồi thường chiến tranh (Colombo plan) và đã cử chuyên gia sang miền Nam Việt Nam khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết, trồng thử giống dâu, nuôi thử giống tằm.

Kết quả thử nghiệm cho thấy việc trồng dâu nuôi tằm - nền móng của công nghiệp ươm tơ dệt lụa - thích hợp một điểm ở tỉnh Kon Tum, một điểm ở tỉnh Gia Lai, ba điểm ở tỉnh Lâm Đồng (gồm huyện Đức Trọng, huyện Di Linh, Bảo Lộc).

Họ đã chọn Bảo Lộc làm nơi trồng dâu, nuôi tằm với các giống tốt nhất của Nhật Bản thời đó.

 Năm 1968, người Nhật bắt tay xây dựng Trung tâm tằm tang Bảo Lộc. Chiến tranh ác liệt nên chương trình Colombo của Nhật Bản giúp chính quyền Sài Gòn phát triển nghề dâu tằm tơ ở Tây Nguyên không thực hiện được.

Nhưng những đánh giá khoa học thực hiện suốt ba năm của các chuyên gia Nhật Bản đã giúp Việt Nam xác định được đâu sẽ là "thủ phủ tơ tằm".

Sau năm 1975, Trung tâm tằm tang Bảo Lộc được tiếp quản, trở thành nơi cung cấp giống tằm cho cả nước, về sau, phát triển thành một liên hiệp dâu tằm tơ chuyên sản xuất giống, trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa.

"Ngành tơ lụa là ngành kết hợp nông - công nghiệp một cách nhuần nhuyễn, tạo ra nhiều lao động và lợi nhuận nên nhiều quốc gia đang quay trở lại đầu tư cho ngành này" - ông Fei Jianming, tổng thư ký Hiệp hội Tơ lụa thế giới, nói với nhận định trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề lâu năm.

Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan.

Nhưng để có tiếng nói, lụa Bảo Lộc phải bước thêm một bước mới. Nếu những năm qua sản xuất sợi là chính, giờ là lúc phải bắt tay sản xuất lụa, bởi một sản phẩm lụa hoàn chỉnh mới có thể định danh một vùng đất, một thương hiệu.

Chỉ với sợi tơ thô bán đi, ngành tơ lụa Bảo Lộc sẽ mãi mãi dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận thấp.

Ông Phước, một chủ xưởng sản xuất tơ, từ chối bán tơ sợi cho thương lái, chỉ bán cho những cơ sở làm lụa trong và ngoài nước.

Nhà thiết kế Minh Hạnh kể: "Tôi mang lụa dệt từ sợi do ông Phước làm giới thiệu ở APEC 2017. Ngay lập tức có một thương lái người Trung Quốc muốn tìm chủ sản xuất tơ. Tôi chỉ ông Phước. Sau khi họ làm việc xong xuôi, tôi nghe ông Phước lắc đầu, bảo không bán vì họ muốn mua tơ loại tốt nhất về bán cho các cơ sở sản xuất lụa chuyên xuất đi châu Âu. Tôi hỏi thêm, ông Phước nói cơ sở chỉ liên kết sản xuất chứ không bán sợi đơn thuần. Tức ông chỉ bán sợi cho nhà dệt làm ăn lâu dài, chứ không bán sợi theo kiểu từng đơn hàng dù họ trả giá cao hơn nhà dệt trong nước nhiều. Ông Phước làm thương lái ấy bất ngờ, vì tôi biết, giá tơ họ đưa ra là mong ước của nhiều cơ sở ươm tơ".

Quan điểm của ông Phước rất rõ ràng, chỉ liên kết làm ăn chứ không bán nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu loại tốt nhất mình làm được.

 Chỉ sau mấy năm cựa mình, vùng lụa Bảo Lộc trở thành vùng lụa xuất khẩu cho những thị trường quan trọng có mức chi tiêu cao.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc Công ty tơ lụa Viet Silk, nhìn nhận người làm lụa đang tập trung cho xuất khẩu.

Họ không chê thị trường trong nước, nhưng xuất khẩu để khẳng định lụa mình tốt và tranh thủ học hỏi công nghệ qua những yêu cầu khắt khe của khách.

Lý giải về sự phát triển mau lẹ của vùng lụa Bảo Lộc, sau bảy năm vừa rồi, quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu tăng gấp 4 lần, ông Dũng nói:

"Bài học sụp đổ của ngành lụa được làng lụa Bảo Lộc nhận diện rõ, do mạnh ai nấy làm, một mình ôm hết việc. Hồi đó, nhà nào cũng muốn làm đủ quy trình ươm tơ dệt lụa. Nhà nuôi tằm lớn lớn cũng cố làm thêm ươm tơ và dệt lụa dù không rành kỹ thuật. Thành thử lụa làm ra nhiều mà không bán được do chất lượng không đồng đều, không đúng ý người mua. Mà hồi đó người mua ít còn tìm tới chứ giờ người mua nhiều, hoặc nhà sản xuất ngoài nước không đoái hoài. Chuyện này cả vùng lụa đã thấm rồi. Bây giờ phải có liên kết giữa nhà may mặc - nhà dệt lụa - nhà ươm tơ - nhà trồng dâu nuôi tằm".

Khi nhà may mang về những mẫu vải mong muốn của khách, nhà dệt lụa sẽ tính toán lao động, nguyên liệu, sau đó chuyển hợp đồng cho nhà ươm tơ sản xuất sợi đúng quy cách và số lượng, nhà ươm tơ tổ chức sản xuất kén tằm cùng nông dân để có kén đúng yêu cầu.

Ông Dũng cho rằng nhờ vòng tròn khép kín này mà làng lụa Bảo Lộc sống lại.

Ông Nguyễn Văn Định, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri), cho biết một phương thức làm ăn khác đang được áp dụng tại Bảo Lộc, tạo sự an toàn trong sản xuất và giúp nâng cao công nghệ cho vùng lụa.

"Đối tác sản xuất mang máy móc công nghệ đủ để làm ra loại lụa tơ tằm họ mong muốn đến Bảo Lộc, mình lo tổ chức vận hành" - ông Định cho biết.

Ở Bảo Lộc, có 20 xưởng dệt lụa, ươm tơ, quá nửa số đó đã áp dụng phương thức này để làm ra lụa tốt. Cuối năm 2017, lụa Bảo Lộc đã có những đơn hàng đầu tiên xuất đi Ý, Pháp.

"Các đối tác Nhật Bản đang đặt hàng mình thực hiện những đơn hàng cầu kỳ" - ông Định nói.

"Brazil là nước có tiếng nói trọng lượng trong ngành tơ lụa thế giới nhờ vị trí thứ 5 thế giới về sản xuất lụa dù mỗi năm chỉ sản xuất 400 tấn tơ sống (chưa bằng một nửa sản lượng tơ Bảo Lộc). Để giữ vị trí tốt như vậy, họ sản xuất tơ chất lượng cao cho ngành lụa trong nước và đi mua tơ khắp thế giới, trong đó có Bảo Lộc để sản xuất lụa nội tiêu hoặc xuất khẩu. Việt Nam có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm người có thì nên gìn giữ để sản xuất lụa. Đó mới là hướng đi để đến con đường tơ lụa thế giới. Tôi hiểu ngành lụa các bạn trải qua những khủng hoảng đáng kể nhưng giai đoạn cầm cự đã qua. Cần một sự đầu tư tốt hơn để tơ thành lụa ngay trong nước" - ông Fei Jianming so sánh và khẳng định Bảo Lộc cần nhìn Brazil như một bài học gần gũi.

"30 năm qua là một chặng đường dài và nhiều nỗi truân chuyên. Tôi cảm thấy những bước chân quá nặng nề và chậm chạp trên con đường tơ lụa Việt Nam. Những năm tháng đầu ấy, những mét lụa Bảo Lộc ra đời đã có ngay chất lượng tiêu chuẩn nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu - nhà thiết kế Minh Hạnh tiếc nuối về ngành lụa Bảo Lộc - Ấy vậy mà giờ, với những con người đã tận tụy cả cuộc đời mình cho lụa mà Bảo Lộc vẫn không được biết đến là thành phố tơ lụa Việt Nam bởi không có một thương hiệu mạnh nào được quảng bá rộng rãi".

Bà khẳng định: "Hiện tại, một số dòng lụa thương hiệu hàng đầu trên thế giới của Ý, Nhật Bản, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Những người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cho thấy chất liệu tơ và tay nghề người dệt lụa ở Bảo Lộc thực sự tốt, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Nhưng nếu cứ gia công như vậy và an phận với mức lợi nhuận an toàn, Bảo Lộc sẽ chỉ là một vùng đất đồi núi chuyên gia công tơ lụa, sẽ chẳng một ai, kể cả người Việt Nam, biết rằng cao nguyên có một vốn quý do chính mình tạo ra".

Và giờ là lúc vùng lụa Bảo Lộc cần sự giúp sức của ngành thời trang hơn bao giờ hết.

 Muốn có một nơi để lụa Việt Nam tụ hội, tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều thương hiệu lụa khác nhau, nhà thiết kế Minh Hạnh và các doanh nghiệp tơ lụa tại Bảo Lộc đã thành lập Vietnam Silk House (Nhà tơ lụa Việt Nam).

Vietnam Silk House có hai cơ sở tại TP Đà Lạt (đường Trần Phú) và TP Bảo Lộc (672 quốc lộ 20, xã Đại Lào), trước tiên trưng bày sản phẩm của sáu doanh nghiệp ở Bảo Lộc và nhiều địa phương khác: Hà Bảo, Bảo Lộc Silk, Lụa Việt, Thái Nam Silk (Hà Nam), Đũi Nam Cao (Thái Bình), Minh Trang (Ninh Bình).

"Vietnam Silk House nhằm quảng bá cho lụa tơ tằm Việt Nam nhiều hơn là kinh doanh tơ lụa - nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết - Do đó Vietnam Silk House vừa trưng bày tơ lụa, vừa có những tư liệu để khách hàng hiểu hơn về lụa Bảo Lộc và lụa Việt Nam. Đây cũng là sân chơi để các đơn vị sản xuất tơ lụa nhìn nhau làm mà học hỏi nhau, tạo sự đa dạng cho sản phẩm về sau".

Dù chiếm 80% sản lượng tơ lụa Việt Nam và có chứng nhận độc quyền "Tơ lụa Bảo Lộc", lụa Bảo Lộc lại không có mấy tiếng tăm, vì như bà Hà Thị Hoa, giám đốc Công ty lụa Hà Bảo, giải thích:

"Làng lụa Bảo Lộc mới chỉ bán tấm lụa tốt, nhưng bán vải thì hiển nhiên có số phận vô danh. Vietnam Silk House là nơi khởi động để những doanh nghiệp lụa đưa ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng để định danh với người tiêu dùng".

Lụa Bảo Lộc đã hai lần xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC (năm 2006 và năm 2017) trong những trang phục của các nguyên thủ do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện.

Bà cho biết: "APEC là một cơ hội để tiếp cận những nguyên thủ đến từ các nước. Hình thức tiếp cận gần gũi nhất chính là các nguyên thủ mặc vào trên người. Vì vậy, cần tạo ra một câu chuyện thuyết phục mang tính lịch sử thì không gì hơn là bằng chất liệu truyền thống".

"Giá trị cạnh tranh tốt nhất của Bảo Lộc, khiến đối tác tìm tới là làng lụa này chưa có điều tiếng gì, chúng tôi gọi đó là "lụa quân tử". Sống chết cũng phải giữ cái phần thanh sạch mà phát triển. Lụa tơ tằm là ngành kinh doanh "nhạy cảm" vì nhắc đến nó là nhắc đến sản phẩm thuần tự nhiên, liên quan đến sức khỏe. Chỉ cần một chút không tự nhiên xuất hiện, sự sụp đổ sẽ lại bắt đầu". Nhà thiết kế Minh Hạnh

 

(Còn tiếp)

MAI VINH

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   'Siêu ủy ban' sẽ được lập trong quý I (17/01/2018)

>   Mua tàu Vinalines Sky 661 tỷ đồng sau 10 năm bán 154 tỷ đồng (17/01/2018)

>   Tự ru ngủ sẽ mất cơ hội vàng về kinh tế (17/01/2018)

>   Thủ tướng duyệt Đề án tái cơ cấu đầu tư công (17/01/2018)

>   Thủ tướng "sốc lại" ngành kế hoạch và đầu tư (17/01/2018)

>   Một vụ có... hai vụ trưởng! (16/01/2018)

>   Tơ lụa Việt Nam - Kỳ 1: Cú sốc Khaisilk và ba câu chuyện từ thủ phủ "vàng trắng" (16/01/2018)

>   Trung tâm thương mại: Người vui, kẻ buồn (16/01/2018)

>   Ông Nguyễn Hoàng Anh là Chủ tịch Ủy ban quản lý 5 triệu tỉ đồng vốn nhà nước tại DN (16/01/2018)

>   Kiểm toán phát hiện thừa hơn 57.000 cán bộ, công chức (16/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật