Tự ru ngủ sẽ mất cơ hội vàng về kinh tế
Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/4 Singapore và 1/3 Thái Lan.
Dù đánh giá cao về thành tích tăng trưởng 6,81% trong năm 2017 nhưng những khiếm khuyết trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong những chủ đề nổi bật tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 16-1.
Đừng để doanh nghiệp phải chạy sang Singapore
TS Lê Đăng Doanh nói: “Chúng ta hoan nghênh nỗ lực, tiến bộ của năm 2017 nhưng phải nhìn nhận thực tế là đóng góp kinh tế của các doanh nghiệp (DN) Việt rất thấp, đóng góp chủ yếu là khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài”.
Lấy trường hợp Samsung nội địa hóa điện thoại làm ví dụ cụ thể, TS Doanh cho hay: “Samsung công bố tỉ lệ nội địa hóa điện thoại di động là 52% nhưng đánh giá của Fullbright lại cho thấy DN Việt chỉ đóng góp được có 16%”.
Ông Doanh cũng cho rằng cần phải cấp bách tái cơ cấu nợ công và giảm chi thường xuyên, quay về sống với thực tế ngân sách, không thể chi tiêu rộng rãi, hoang phí qua những chuyến đi nghiên cứu nước ngoài, đầu tư nhiều công trình “vĩ đại”.
“Thời đại cách mạng 4.0 cần phải có chuyển hướng chính sách để người kinh doanh thay vì biếu xén, lợi ích nhóm, ăn chênh lệch giá thì phải đầu tư vào khoa học công nghệ. Nếu không có cơ chế, thể chế thuận lợi thì “đồng tiền có chân” sẽ chạy sang các nước ngay trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Các DN trẻ sẽ sẵn sàng chạy sang Singapore vì chỉ cần nộp 10 đồng tiền của nước này và sau hai tiếng sẽ đăng ký kinh doanh tại đây. Họ sẽ hoạt động và đóng góp cho kinh tế Singapore thay vì Việt Nam” - TS Doanh cảnh báo.
Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhận xét phần lớn sự chuyển dịch ngành và nội ngành trong năm vừa qua phụ thuộc vào nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài.
“Nhóm DN đầu tư nước ngoài chiếm tới 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu và đóng góp 20% GDP. Chính nhóm này mới tạo ra đóng góp chính vào tăng trưởng và sự thay đổi của năng suất lao động. Còn động lực chính được nói đến gần đây là khối DN tư nhân hầu như không có chuyển biến nhiều” - ông Tuyển nói.
Lo hàng ngoại thuế bằng 0 tràn vào Việt Nam
Mối lo về hội nhập được TS Lê Đăng Doanh nêu cụ thể: “Năm 2018, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện rất nghiêm túc, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% gây sức ép lớn cho nguồn thu ngân sách. Thuế nhập khẩu đang mang về cho ngân sách ở mức 13.000-15.000 tỉ đồng sẽ giảm nghiêm trọng. Vì thế Bộ Tài chính mới đề nghị tăng nhiều sắc thuế”.
Sau khi đưa ra nhận định trên, TS Doanh nói rằng: “Tôi nghĩ cần chú ý và báo động 2018 là năm chuyển sang thuế nhập khẩu bằng 0% đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc… Năm 2018 không phải là năm dễ dàng. Tôi rung chuông báo động hãy hết sức tỉnh táo và nỗ lực bởi 16 FTA phải thực hiện”.
Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cũng nhận định năm 2018 vẫn còn tồn tại nhiều lực cản. “Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/4 Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan” - ông Thành dẫn chứng.
Do vậy, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng sắp đi qua, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.
Ngoài vấn đề năng suất lao động, đại diện VEPR cũng đánh giá thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao tiếp tục là vấn đề nghiêm trọng cản trở nền kinh tế. Trong khi đó nguồn vốn chi đầu tư vẫn còn hạn chế.
“Trong bối cảnh các nhà tài trợ nước ngoài lần lượt rút dần và chỉ cho vay với mức lãi suất kém ưu đãi, Việt Nam cần sử dụng nhiều hơn nội lực để tạo động lực cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều quan trọng là nếu không có sự cải thiện vững chắc các vấn đề còn tồn tại thì cơ hội đến rồi sẽ đi” - Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cảnh báo.
Bitcoin vẫn chưa có “thân phận” rõ ràng
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tại hội thảo về cơ hội đầu tư kinh doanh 2018 mới đây, ông gặp một nhà đầu tư tiền ảo bitcoin. Người này kể nhờ chơi bitcoin anh ta đã mua được nhà, mua xe. “Tôi tin là người đó nói thật. Bởi vì thị trường bitcoin vẫn sôi động và trong năm 2017 giá bitcoin đã tăng 15 lần. Nhưng vấn đề là chúng ta có kiểm soát được không Tới đây, liệu người sử dụng bitcoin có thể bị bắt không” - TS Hiếu đặt câu hỏi và nhấn mạnh thêm rằng nếu chỉ trao đổi, tặng bitcoin cho nhau thì không sao. Nhưng nếu dùng bitcoin để trả tiền cà phê hay để thanh toán thì mới có vấn đề.
Hơn nữa, vẫn theo TS Hiếu, hiện bitcoin vẫn chưa có “thân phận” rõ ràng. “Bitcoin là gì? Là tiền hay hàng hóa hữu hình, vô hình vẫn còn để ngỏ. Trong khi đó, hàng trăm ngàn người vẫn đang chơi bitcoin và thiệt hại là hoàn toàn có thể. Hàng ngàn người vẫn tìm hiểu sàn bán bitcoin ở TPHCM rồi đăng ký và mỗi ngày giá bitcoin vẫn được chốt cụ thể” - TS Hiếu nói và đề xuất cần phải mau chóng có cách ứng xử phù hợp với bitcoin.
Theo đánh giá của IMF trước đây, Việt Nam đứng thứ 132/186 với GDP/đầu người là 2.173 USD. Hiện nay GDP/đầu người đạt 2.300 USD và ta vẫn ở vị trí 132/186 quốc gia, thua nhiều nước xung quanh. Một số người gần đây dùng từ “ngoạn mục, kỳ tích” để nói về tăng trưởng kinh tế… nhưng xin hãy nhìn vào thực tế để xem thế giới nhìn nhận chúng ta như thế nào.
Nếu ta tự ru ngủ, vỗ về thì ta ngủ ngon nhưng khi thức dậy ta sẽ phải phấn đấu cực khổ hơn.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU
|
CHÂN LUẬN
PLO
|