NÓI THẲNG: Sở thuế và phận dân
Trụ sở chi cục thuế cũ còn sử dụng được nhưng đã xây trụ sở mới, hoành tráng hơn. Tiền dân ai xót?
Trụ sở Chi cục thuế TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) với vốn đầu tư 84,5 tỉ đồng vừa xây xong, uy nghi mọc lên ngay khu đất vàng hai mặt tiền đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo của thành phố khoảng 110 năm tuổi này.
Gần đó, cách chừng 400 m, là trụ sở Chi cục thuế TP Tam Kỳ "cũ" đang hoạt động, dù cơ ngơi không hoành tráng bằng song cũng bề bề. Lý do phải xây mới trong khi trụ sở cũ vẫn còn ngon lành, đó là: Không bảo đảm chất lượng, chiều ngang hẹp, thiếu phòng, mỗi khi mưa xuống thì bị thấm nước dẫn đến hệ thống thiết bị máy móc ẩm mốc, hư hỏng...
Cái cũ xây lên rồi, cũng phải hàng chục tỉ, bây giờ nói không bảo đảm chất lượng, nên phải xây cái mới hơn, to hơn, nhiều tiền hơn (nhưng chất lượng chưa biết có tốt hơn?). Tất cả đều từ tiền ngân sách. Của công cứ như của "chùa".
Chẳng hiểu vì sao Tổng cục Thuế lại quyết định cho xây trụ sở nối trụ sở như vậy, lãng phí gấp đôi. Nên nhớ, đây chỉ là công sở của một chi cục thuế của thành phố trực thuộc một tỉnh, một tỉnh còn nghèo. Chi cục thuế TP Tam Kỳ gọi là "thành phố" chứ so về tầm vóc chỉ cỡ một quận của TP HCM mà thôi, mỗi năm (như 2017) thu thuế chỉ khoảng 500 tỉ đồng là cùng. Số thu chừng ấy, cho chỉ khoảng 70 cán bộ làm việc, sao lại phải xây đến 9 tầng, trên tổng diện tích đất 2.186,6 m2. Trời ơi là trời...!
Tâm lý muốn hoành tráng là thói tật của người Việt, biểu hiện qua các công sở hành chính. Ban đầu là các trung tâm hành chính tỉnh - thành, toàn xây mới 2.000-3.000 tỉ đến những 12.000 tỉ, quá khủng khiếp. "Lu lấp" hơn là những công sở dạng khác, trong đó có các trụ sở chi cục thuế. Không riêng Chi cục thuế Tam Kỳ, ra Hà Nội mà xem, trụ sở chi cục thuế hầu hết các quận đều to vật vã, đều 5-7 tầng cho hơn 100 người làm việc.
Đừng viện lý do nhằm phục vụ dân nên phải uy nghi, hiện đại. Nói thật lòng, sở thuế không phải là nơi người dân muốn đến. Và bây giờ đã có nhiều hình thức thu thuế khác rồi, số người trực tiếp đến sở thuế cũng ít đi nhiều. Thế nhưng, người ta vẫn muốn xây to. Vì trong gạch đá, vôi vữa, xà bần còn có "hoa hồng"; vì tiền xây công trình là của công, tội gì không làm, tội gì không hưởng!
Ngồi làm việc trên những tòa nhà cao vời ấy và nhìn xuống, thấy thật rõ, vì chẳng đâu xa, trong tầm mắt thôi, bao nông dân đang còng lưng chân lấm tay bùn; bao công nhân bạc mặt vào nhà máy chưa kịp ăn - rời nhà máy ăn không nổi, vì mệt rã rời... Người dân nhìn chung còn khổ lắm, thuế đâu mà thu cho nhiều. Doanh nghiệp còn vất vả lắm, cứ nhằm vào họ thì đâu phải là kế sâu rễ bền gốc.
Nhìn những sở thuế lăm lăm mọc lên, nhìn những trạm thu phí giao thông BOT lăm lăm mọc lên, sẵn sàng thu, sẵn sàng cưỡng chế..., cho dù đấy là nghĩa vụ, là làm đúng luật, nhưng sao vẫn thấy phản cảm thế nào... Từ ngoài nhìn vào, thấy như người dân đang bị "thập diện mai phục" bởi vô vàn thứ thuế, phí mà những sở thuế kia, những trạm BOT kia là đại diện. Đó là chưa kể mới đây, bộ - ngành chức năng còn tính tăng 5 sắc thuế, trong đó có VAT. Khoan thư sức dân mà vậy sao?
Từ trong nhìn ra, dưới góc độ người dân, không thể không bức xúc. Vì sao bức xúc? Vì lãng phí quá, vung vãi quá. Những công trình ấy mọc lên, suy cho cùng cũng là từ tiền nghĩa vụ thuế của người dân đóng nộp. Sở thuế ngồi nơi lầu son gác tía như thế nhưng đã làm tròn trách nhiệm chưa? Chưa. Còn đó rất nhiều trường hợp cán bộ thuế nhũng nhiễu, vòi vĩnh, làm tiền; còn đó tình trạng thất thu thuế mà tiêu cực trong hoàn thuế là một mảng tối đáng sợ, chưa được đưa ra ánh sáng... Đồng tiền mồ hôi nước mắt của muôn dân, nào ai nghĩ đến cho.
Phải chặn đứng việc tiếp tục xin xây những công trình gây mất lòng dân như vậy! Viết đến đây, chợt liên tưởng đến hình ảnh thật ngột ngạt (cho dù không mong nhìn thấy) về một người nông dân chân không giày dép, còn lấm bùn phèn, áo cũ sờn vai, nón cời cắp nách từ ruộng lúa tất tả đi vào sở thuế, lạ lẫm và khúm núm ngồi, tỉ mẩn đếm từng đồng bạc lẻ... để thực hiện nghĩa vụ công dân cao cả của mình!
Phong Ba
Người lao động
|