Để doanh nghiệp tự định giá, xăng A95 có bị 'làm giá'?
Lý giải việc không đưa mặt hàng xăng A95 vào danh sách các mặt hàng xăng dầu phải công bố giá cơ sở, một đại diện của Bộ Công Thương cho rằng đây là mặt hàng "không phổ biến", vẫn để cho doanh nghiệp tự định giá.
Cửa hàng xăng dầu nhượng quyền của Petrolimex Sài Gòn tại số 270B Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM chỉ bán một loại xăng A95, không bán xăng E5 - Ảnh: HỮU KHOA
|
Đại diện của Bộ Công Thương cho biết xu hướng tiêu thụ xăng E5 đang khá khả quan, đặc biệt từ sau kỳ điều chỉnh giá ngày 4-1 làm giá xăng A95 cao hơn xăng E5 từ 1.800 - 2.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại: Việc giá xăng A95 tăng hơn 800 đồng/lít trong 5 ngày qua khi thị trường chỉ có 2 loại xăng, liệu có ổn không?
A95 tăng giá càng khuyến khích dùng E5?
Từ 1-1-2018, chỉ còn 2 mặt hàng xăng E5 và A95 trên thị trường. Đáng chú ý là không có quy định nào buộc các thương nhân phân phối phải kinh doanh xăng E5, mà để doanh nghiệp tự lựa chọn kinh doanh 2 mặt hàng trên.
Theo Bộ Công Thương, thông tin từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết khoảng 55% số lượng cột bơm xăng A92 trước đây đã chuyển sang kinh doanh xăng E5.
Tuy nhiên, đối với các cửa hàng quy mô nhỏ ở khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ, thường chỉ có một cột bơm bán xăng nên doanh nghiệp phải lựa chọn một trong hai loại xăng này.
Mặc dù thị trường các sản phẩm xăng dầu có thay đổi lớn, khiến cho tâm lý cũng như nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm thay đổi, song cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu vẫn... giữ nguyên.
Trong kỳ điều hành giá mới nhất ngày 4-1, bảng công bố giá cơ sở và giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu do liên bộ Tài chính - Công Thương đưa ra, chỉ có giá của xăng E5 cùng các mặt hàng dầu mà chưa cập nhật thêm giá bán của mặt hàng xăng A95.
Lý giải về việc không đưa mặt hàng xăng A95 vào danh sách các mặt hàng xăng dầu phải công bố giá cơ sở, một đại diện của Bộ Công Thương cho rằng đây là mặt hàng "không phổ biến", vẫn để cho doanh nghiệp tự định giá.
Với chủ trương khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, nên cơ chế điều hành giá đã được tính toán kỹ để đảm bảo giá xăng E5 chênh lệch lớn với xăng A95.
Đề nghị công bố giá cơ sở xăng A95
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - đề nghị cơ quan quản lý cần công bố giá cơ sở của xăng A95.
Bởi về mặt quy định của pháp luật, tất cả các loại xăng đều phải công bố giá cơ sở. Do đó, phải công bố giá cơ sở mặt hàng xăng, trong đó có mặt hàng xăng A95 để người tiêu dùng giám sát.
Đồng tình với việc Nhà nước phải công bố giá cơ sở xăng A95, ông Ngô Trí Long - chuyên gia về giá - cho rằng do xăng là mặt hàng thiết yếu, vật tư chiến lược phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời còn là mặt hàng bình ổn giá của Nhà nước, nên nếu Nhà nước buông, không quản lý giá đối với xăng A95 mà để các thương nhân tự định sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Do đó, ông Long đề nghị đối với giá xăng A95, chính sách quản lý vẫn phải theo cơ chế thị trường và có sự giám sát của Nhà nước.
2 luồng nhận định khác nhau
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết với chủ trương khuyến khích sử dụng xăng E5 thì việc tạo sự chênh lệch lớn về giá bán với xăng A95 là cần thiết, khuyến khích người dùng sử dụng xăng E5.
Việc sử dụng nhiên liệu sinh học, thân thiện với môi trường là chủ trương đúng của Chính phủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xăng E5, việc thả nổi giá xăng A95 để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết, được nhiều chuyên gia cho rằng chưa phù hợp.
|
NGỌC AN - LÊ THANH
Tuổi trẻ
|