Thị trường dầu: Dọn đường cho cuộc đối đầu giữa OPEC và nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ
Sự hồi sinh của giá dầu sau đợt giảm mạnh nhất trong một thế hệ vẫn tiếp diễn, với việc giá dầu chuẩn bị ghi nhận 2 năm leo dốc liên tiếp, sau khi vượt qua mọi rào cản từ các cơn bão cho đến cuộc đối đầu giữa OPEC và nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Các hợp đồng tương lai dầu thô tăng hơn 11% trong năm 2017, sau khi bước vào thị trường con bò hồi tháng 9/2017. Bên cạnh các đợt cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh – bao gồm cả Nga, thì căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và tình trạng gián đoạn sản xuất từ khu vực Biển Bắc tới Canada và Libya cũng góp phần hỗ trợ đà leo dốc của giá dầu. Trong năm 2018, nhà đầu tư sẽ phải quan sát xem liệu sản lượng dầu Mỹ có phá hoại nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC hay không.
Ngày càng xuất hiện nhiều dự báo cho rằng các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ sẽ lắp đặt thêm nhiều giàn khoan để đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh giá dầu đang trên đà leo dốc. Điều này có thể phá hoại nỗ lực xóa bỏ tình trạng dư cung toàn cầu của các nhà sản xuất, bao gồm cả Ả-rập Xê-út – quốc gia đã cam kết gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018. Trong khi cơn bão Harvey khiến các nhà máy lọc dầu ở khu vực Gulf Coast phải tạm ngưng hoạt động hồi cuối tháng 8/2017 và tác động tiêu cực đến giá dầu, thì tình trạng xung đột ở Iraq và vụ nứt đường ống dẫn dầu ở Anh lại góp phần thúc đẩy giá dầu.
Ric Spooner, Chuyên gia phân tích tại CMC Markets, cho hay: “Yếu tố chi phối thị trường dầu trong năm nay rõ ràng là việc tiến hành thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga, cùng với lời cam kết gia hạn thỏa thuận. Điều này cho phép thị trường giảm bớt dự trữ dù sản lượng ở Mỹ, Libya và Nigeria liên tục gia tăng”.
Tính tới lúc 12h43 (giờ Seoul) ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu WTI giao tháng 2 trên sàn NYSE tăng 38 xu lên mức 60.22 USD/thùng. Tổng khối lượng giao dịch cao hơn 63% so với mức bình quân 100 ngày. Giá hợp đồng dầu WTI giao tháng 12 tăng 12% trong năm nay, sau khi nhảy vọt 45% trong năm 2016 (mức leo dốc mạnh nhất kể từ năm 2009).
Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 trên sàn Luân Đôn cũng tăng 34 xu lên 66.5 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 sẽ hết hạn vào ngày thứ Năm, sau khi tăng 28 xu lên 66.72 USD/thùng.
Tính tới thời điểm này trong năm 2017, giá dầu Brent đã tăng hơn 17%, vẫn còn thấp so với mức leo dốc 52% trong năm 2016. Chênh lệch giữa hợp đồng dầu Brent giao tháng 3 và dầu WTI giao tháng 3 là 6.25 USD/thùng.
Hiện giá dầu đang ở mức cao nhất kể từ giữa năm 2015 sau khi giá dầu WTI đột phá ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Hiện giá dầu WTI trung bình trong năm nay là 51 USD/thùng. Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần trước, dự trữ dầu ở Mỹ giảm 4.6 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015, cao hơn dự báo giảm 3.75 triệu thùng của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
“Cuộc đối đầu giữa OPEC và Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực và ngăn giá dầu dao động trên mức 60 USD/thùng trong năm 2018”, Kim Kwangrae, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Samsung Futures, cho hay. “Như chúng ta đã chứng kiến trong năm nay, các rủi ro địa chính trị sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy giá dầu vượt mức 60 USD/thùng”.
Sau vụ nổ đường ống dãn dầu trong ngày thứ Ba, Waha Oil đang ra sức sửa chữa đường ống vốn vận chuyển dầu thô tới cảng Es Sider của Libya. Trong khi đó, đường ống dẫn dầu Biển Bắc gần trở lại hoạt động.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|