Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ
Cuối cùng cũng có start-up “chịu” nhận vốn đầu tư của Shark Hưng
Sau nhiều lần đề nghị rót vốn bất thành, Shark Hưng cuối cùng đã rót vốn thành công cho start-up kinh doanh sản phẩm sữa thực vật Ogami tại tập số 11 của chương trình Shark Tank Việt Nam.
Đỗ Đầu Việt Nam từ chối trăm tỷ từ Shark Hưng
Nhà sáng lập Đoàn Trần Giáp đã đưa đến chương trình một start-up gây nhiều tranh cãi mang tên Đỗ Đầu Việt Nam.
Start-up này phát triển với nguồn thu chính từ cung cấp dịch vụ mà start-up gọi là bất động sản kinh doanh dòng tiền. Cụ thể mô hình kinh doanh là thực hiện thuê lại văn phòng hạng C, cải tạo thành hệ thống văn phòng tiện ích và cho thuê lại. Trong đó, Đỗ Đầu Việt Nam hỗ trợ khách hàng cả hoạt động bán hàng, hướng dẫn cách vay vốn ngân hàng hay thậm chí cũng sẵn sàng đầu tư vào các start-up có tiềm năng. Nhà sáng lập khẳng định còn kiêm luôn cả vai trò quản lý doanh nghiệp nếu khách hàng có nhu cầu.
Ngoài ra, Đỗ Đầu Việt Nam còn cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình cho tầng lớp nhân viên văn phòng bận rộn và ứng dụng đỗ xe thông minh.
Hơn 2 năm hoạt động, hiện start-up này đang có hơn 30 tòa nhà tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ tăng trưởng 15%/tháng. Doanh thu năm 2016 rơi vào khoảng 15 tỷ đồng còn năm 2017 tăng lên 60 tỷ đồng.
Tự tin rằng mình là người đang độc chiếm trong thị trường này và các ông lớn không đụng đến, Đỗ Đầu Việt Nam đặt kế hoạch trong 3 năm tới doanh thu của start-up sẽ đạt 500 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) cho 20% vốn cổ phần.
Nhà sáng lập Đoàn Trần Giáp kêu gọi 5 triệu USD từ các Shark. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam
|
Kế hoạch kinh doanh của start-up đã nhận được rất nhiều chất vấn từ các Shark. Shark Vương rất băn khoăn với khái niệm kinh doanh dòng tiền mà start-up đang sử dụng. Shark Thủy và Shark Linh đều e dè với tham vọng của Đỗ Đầu Việt Nam và cho rằng dự án rủi ro rất lớn. Còn Shark Phú thì nghi ngại về kế hoạch tăng trưởng từ 60 tỷ đồng lên 500 tỷ trong 3 năm của Đỗ Đầu cũng như mức P/E quá lớn... Cuối cùng cả bốn Shark trên đã chốt không đầu tư vào start-up này.
Hứng thú với start-up về bất động sản, là lĩnh vực hoạt động của mình, Shark Hưng đã đưa ra đề nghị sáp nhập Đỗ Đầu Việt Nam vào Cengroup bằng cách đổi 99% cổ phần của start-up lấy phần vốn góp 5 triệu USD. Tuy nhiên, lời đề nghị này bị nhà sáng lập từ chối vì không muốn “hòa mình” vào Cengroup.
Shark Hưng tiếp tục thất bại khi đưa ra đề nghị góp vốn.
Đưa “milk boy” về đội của mình
Một lần nữa Shark Hưng lại thể hiện mình là người có gu đầu tư khá đặc biệt khi đi ngược lại quyết định không đầu tư của các Shark khác để quyết định rót vốn vào start-up về thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Là một start-up về thực phẩm sạch, đi đầu là dòng sản phẩm sữa sen và sữa bắp, Ogami đưa ra kế hoạch rất chi tiết về chiến lược kênh phân phối cũng như phát triển dòng sản phẩm của mình trong thời gian tới. Ogami cũng chỉ ra điểm khác biệt của mình khi thực hiện sản xuất theo từng mô đun ở thị trường cụ thể và công nghệ thanh trùng giúp giữ lại một số lợi khuẩn cho sản phẩm của mình.
Ogami, start-up với tiêu chí "tốt cho sức khỏe". Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam.
|
Tuy nhiên, sau khi trao đổi cùng nhà sáng lập Phạm Duy Sơn, lần lượt các Shark đã từ chối đầu tư vào Start up về sản phẩm sữa thực vật Ogami. Shark Phú chỉ rằng rào cản của start up là hệ thống phân phối và đầu tư vào hệ thống máy móc thiết bị để sản xuất với quy mô lớn và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, đặc biệt ý tưởng này dễ dàng bị các ông lớn như Vinamilk hay THTruemilk nuốt chửng nếu muốn. Luận điểm rằng mình là người đầu tiên trên con đường này của nhà sáng lập của Ogami đã ngay lập tức bị Shark phủ nhận. “Là người đầu tiên nhưng không ai biết!”.
Lần này Shark Linh đưa ra quyết định từ chốn đầu tư dựa trên cảm nhận về sản phẩm với vai trò người tiêu dùng khi nhận xét rằng Shark không thích vị của sản phẩm, sản phẩm của Ogami cũng quá ngọt và như vậy là đi ngược lại với tiêu chí “tốt cho sức khỏe”.
Bằng câu nói “Em đừng quá quan tâm tới việc các Shark khác nói gì.” Shark Hưng khiến mọi người bất ngờ. Ông đánh giá cao mô hình mô đun hóa bộ máy sản xuất của Ogami và nhiệt huyết ở start-up này. Còn với vấn đề về việc cạnh tranh trong thời gian sắp tới, Shark Hưng cho rằng khi đã đưa con thuyền Ogami đi được xa rồi thì chắc chắn sẽ tìm được hướng giải quyết cho vấn đề này. Do đó, ông đã đưa ra đề nghị góp vốn 2.5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần của Ogami thay cho yêu cầu gọi vốn 2 tỷ cho 15 vốn từ nhà sáng lập. Nhìn ra rằng mình cần một người đồng hành giống Shark Hưng, nhà sáng lập của start-up đã ngay lập tức nhận lời.
Cuối cùng, Shark Hưng đã đưa start-up Ogami về với đội của mình. Ảnh: Fanpage Shark Tank Việt Nam.
|
Vậy là sau 11 tập được phát sóng của Shark Tank Việt Nam, Shark Phạm Thành Hưng cuối cùng đã tìm được người “chủ tinh khôn“ và rót tiền thành công.
5 lần đề nghị không thành trước đó
Điểm lại từ đầu chương trình tới nay, Shark Phạm Thành Hưng đã 5 lần đưa ra quyết định sẽ rót vốn vào start-up. Các start-up đó lần lượt là Emmawear, Supership, Peony Home, mới đây là start-up Power Ring và Hoozing.
Đặc biệt, với Hoozing, Shark Hưng tình nguyện tặng cả “gà lẫn trứng” cho start-up trong lĩnh vực cho thuê bất động sản này mà rốt cuộc vẫn không hiểu nổi tại sao bị từ chối.
|
Chí Kiên
FILI
|