Công bố thông tin sai sự thật: Cổ đông có quyền kiện đòi bồi thường
Công bố thông tin sai sự thật luôn được xem là một hành vi vi phạm có tính chất “sát thương” cao đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là những thông tin liên quan đến báo cáo tài chính của các công ty niêm yết hay bản cáo bạch trong hồ sơ phát hành chứng khoán ra công chúng của các công ty. Bởi lẽ, thông tin là dữ liệu quan trọng quyết định đến cung, cầu của thị trường và tác động trực tiếp đến giá chứng khoán. Do đó mà thông tin sai lệch có thể gây thiệt hại hàng tỉ đồng đối với các nhà đầu tư.
Diễn biến trong thời gian qua, việc công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán diễn ra không ít. Trong năm 2017, đã có hơn 200 quyết định xử phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong đó phần lớn là xử phạt vi phạm liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin, bao gồm công bố thông tin sai sự thật.
Điển hình là một số vụ liên quan đến công bố báo cáo tài chính tự lập sai lệch số liệu, thậm chí có trường hợp kinh doanh lỗ thì báo lãi hay lợi nhuận công bố chênh lệch so với thực tế vài chục phần trăm. Giá cổ phiếu theo đó cũng “lên đỉnh” rồi “cắm đầu”. Hậu quả là rất nhiều nhà đầu tư thiệt hại hàng tỉ đồng tạo nên không ít bức xúc.
Thiệt hại của nhà đầu tư, ai bồi thường?
Theo quy định hiện hành, chủ thể công bố thông tin sai sự thật có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi. Ngoài ra, Thông tư 155/2015/TT-BTC cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể vi phạm nếu có thiệt hại thực tế xảy ra. Như vậy, về mặt quy định, nhà đầu tư nếu bị thiệt hại hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường từ người thực hiện hành vi vi phạm theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thế nhưng, trên thực tế, dường như nhà đầu tư chưa bao giờ thực hiện quyền này. Các chủ thể vi phạm chỉ đóng phạt vi phạm hành chính và thiệt hại do nhà đầu tư tự gánh chịu. Chúng tôi khảo sát một số nhà đầu tư, phần nhiều lý do họ đưa ra là vì không biết phải tính toán thiệt hại như thế nào để yêu cầu bồi thường và cũng không nghĩ rằng kiện thì sẽ thắng kiện.
Lý do này của nhiều nhà đầu tư là có cơ sở. Bởi lẽ pháp luật Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng các quy định về phương thức tính toán và chứng minh thiệt hại thực tế của nhà đầu tư phát sinh từ hành vi công bố thông tin sai sự thật. Hơn nữa, cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung buộc nguyên đơn phải chứng minh được thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm. Đây là trở ngại chủ yếu khiến nhà đầu tư không thể thực hiện quyền trong bối cảnh luật pháp còn bỏ ngõ.
Đồng thời, nếu thật sự có vụ kiện xảy ra thì các thẩm phán cũng lúng túng trong việc đưa ra phán quyết vì những vụ án kiểu này chưa có tiền lệ.
Chúng tôi cho rằng đây là một khoảng trống pháp lý rất lớn trong hệ thống các quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tại Việt Nam. Nếu khoảng trống này không sớm được lấp đầy sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn ra một số nước có thị trường chứng khoán phát triển thì vấn đề này rất được chú trọng.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Tại Nhật Bản, việc bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư luôn được đặt lên hàng đầu trong quá trình lập pháp lẫn thực thi pháp luật. Luật các công cụ tài chính và sàn giao dịch Nhật Bản hiện hành (FIEA) ghi nhận rất chi tiết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư phát sinh từ hành vi công bố thông tin sai sự thật.
Các nhà làm luật quy định rõ phương thức tính toán thiệt hại trong từng trường hợp cụ thể để các nhà đầu tư làm căn cứ yêu cầu bồi thường và tòa án có căn cứ pháp lý để đưa ra phán quyết. Số tiền bồi thường thiệt hại sẽ được tính toán khác nhau tùy thuộc vào loại thông tin, tài liệu chứa thông tin sai sự thật.
Theo quy định tại điều 19 của FIEA, trong trường hợp thông tin trong hồ sơ chào bán chứng khoán (Security Registration Statements) hay bản cáo bạch chứa đựng thông tin sai sự thật thì số tiền bồi thường thiệt hại của chủ thể vi phạm sẽ được tính như sau: (1) Giá trị thiệt hại bằng giá trị chứng khoán mua vào từ đợt chào bán trừ cho giá trị thị trường của chứng khoán tại thời điểm mà nhà đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại; hoặc (2) Giá trị bán ra của chứng khoán, nếu chứng khoán đã được bán ra trước thời điểm yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp các tài liệu như báo cáo thường niên, báo cáo quí, báo cáo kiểm soát nội bộ hoặc báo cáo về việc mua lại cổ phần… chứa đựng thông tin sai sự thật thì những người mua cổ phiếu của công ty trong vòng một năm trước ngày cơ quan có thẩm quyền công bố sai phạm có quyền yêu cầu chủ thể vi phạm bồi thường. Giá trị thiệt hại sẽ được tính bằng cách lấy giá trị trung bình của chứng khoán trong suốt một tháng trước ngày thông báo sai phạm trừ cho giá trị thị trường của chứng khoán trong suốt một tháng sau ngày được thông báo sai phạm. Tuy nhiên, số tiền bồi thường này không được vượt quá số tiền bồi thường được tính theo điều 19 của FIEA nêu trên.
Mặt khác, chủ thể vi phạm có thể sẽ không phải bồi thường nếu như chứng minh được giữa thiệt hại của nhà đầu tư và hành vi vi phạm không có mối quan hệ nhân quả. Hoặc trách nhiệm bồi thường sẽ được tính toán lại theo hướng ít đi nếu chứng minh được những yếu tố khác tác động đến sự thiệt hại của nhà đầu tư nằm ngoài sự tác động của hành vi vi phạm.
Với những quy định rất chi tiết và nghiêm ngặt nói trên đã hình thành nên một cơ chế bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư rất mạnh. Minh chứng là có rất nhiều bản án đã được tuyên và nhà đầu tư đều được tòa án chấp nhận yêu cầu bồi thường.
Một trong những vụ kiện nổi tiếng của Nhật Bản liên quan đến việc xác định giá trị bồi thường thiệt hại trong việc công bố thông tin sai sự thật từ nhà đầu tư đó là vụ kiện Hyakusen số 04 (Quyết định của Tòa án Tối cao Nhật Bản vào ngày 13-9-2011). Với vụ kiện này, nhà đầu tư đã thắng kiện một công ty niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo (sau đây gọi là Y1) và người đại diện theo pháp luật của công ty do hành vi công bố báo cáo thường niên chứa đựng thông tin sai sự thật. Theo đó, nhà đầu tư đã được bồi thường đúng số tiền bị thiệt hại được tính toán theo quy định sau khi cân nhắc và loại trừ các khoản thiệt hại do các lý do khách quan khác dẫn đến làm giảm giá chứng khoán (như tình hình kinh tế vĩ mô, xu hướng thị trường, hiệu quả làm ăn thực tế của công ty...). Bản án này được xem như phán quyết tiêu biểu của Tòa án Tối cao Nhật Bản và được các tòa sử dụng để xét xử các vụ án tương tự.
Niềm tin của nhà đầu tư là nguồn sống của thị trường chứng khoán. Vì vậy, chúng tôi cho rằng để thị trường chứng khoán phát triển bền vững cần phải nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống trong cơ chế bảo vệ quyền của nhà đầu tư để tạo sự công bằng giữa các chủ thể trên thị trường.
Lưu Minh Sang - Liên Đăng Phước Hải
Thời báo kinh tế Sài Gòn
|