Thị trường bất động sản TP.HCM năm 2017: Những sự kiện nổi bật
TP.HCM sau một thời gian phát triển nóng và quy hoạch đô thị không đồng bộ khiến hạ tầng giao thông bị BĐS “bóp nghẹt”. Không chỉ cao ốc nội thành gây sức ép lên giao thông mà các siêu dự án ngoại thành được đề xuất góp phần đẩy giá đất vùng ven liên tục thiết lập mặt bằng mới. Bên cạnh đó, những sai phạm liên tiếp trong xây dựng và kinh doanh của các doanh nghiệp khiến thị trường năm 2017 pha nhiều gam màu tối trong đà phục hồi.
Đề xuất siêu dự án thổi giá đất vùng ven
Vào tháng 2, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất xây dựng “siêu dự án” tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi và một số quận vùng ven khác, với tổng mức đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Từ thông tin ban đầu về siêu dự án của "chúa đảo" Tuần Châu tại Củ Chi, giá đất nơi này và một số quận vùng ven thành phố đã tăng lên 70% và biến động từng giờ. Một số địa điểm chỉ sau một đêm giá đất đã khác hoàn toàn.
Sốt đất lan rộng vượt đỉnh giá năm 2007
Thông tin Tập đoàn Tuần Châu đề xuất làm tổ hợp “siêu dự án” cộng các thông tin về quy hoạch quận huyện ngoại thành đã khơi mào cho cơn sốt đất vùng ven lan rộng. Giá đất tăng vượt đỉnh giá năm 2007, tốc độ tăng nhanh có nguy cơ tạo nên bong bóng khiến chính quyền TP.HCM phải can thiệp bằng việc xác thực thông tin về các siêu dự án lẫn quy hoạch.
Cao ốc bóp nghẹt cửa ngõ nội đô
Những tuyến đường phải gánh quá nhiều cao ốc đang gây sức ép lớn lên giao thông và hạ tầng xã hội, nhất là các cửa ngõ trung tâm TP.HCM. Phía bắc, nhà cao tầng bao vây sân bay, phía đông đường Nguyễn Hữu Cảnh oằn mình với cao ốc và ngập lụt, phía nam đường Nguyễn Hữu Thọ bị bóp nghẹt với hàng trăm dự án…
Hàng loạt dự án đất vàng làm xấu thành phố
Một trong số các dự án "bất động" nhiều năm khiến chính quyền thành phố đau đầu xử lý là Saigon One Tower, The One, Tứ giác Nguyễn Cư Trinh, dự án KĐT Thanh Đa… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thanh tra hàng loạt doanh nghiệp từng chuyển đổi đất vàng.
Nhiều dự án "đắp chiếu" hồi sinh
Các dự án có quy mô vốn lớn sau nhiều năm "đắp chiếu" đã bắt đầu khởi động trở lại như Kenton Node, Thuận Kiều Plaza, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc…
Quyết liệt xử lý dự án sai phạm
Sai phạm trong xây dựng BĐS không phải là chuyện hiếm ở thị trường BĐS TP.HCM. Tuy nhiên, 2017 được cho là năm mà TP.HCM quyết liệt nhất trong việc xử lý sai phạm xây dựng. Nổi bật là Thảo Điền Sapphire bị cưỡng chế và xử phạt đến 1 tỷ đồng vì xây dựng lấn sông, dự án Phúc Yên 2 mọc thêm “ngọn” bị cưỡng chế tháo dỡ… Mức phạt với Thảo Điền Sapphire được cho là lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực này.
"Bật đèn xanh" cho xây căn hộ 25 m2
Trong khi TP.HCM lo việc xây nhà thương mại 25 m2 gây áp lực lên hạ tầng xã hội, phá vỡ quy hoạch thì Bộ Xây dựng "có vẻ" đồng tình với căn hộ thương mại loại này. Để đáp ứng nhu cầu mua nhà giá rẻ, Bộ Xây dựng đang lên phương án cho phép làm nhà chung cư diện tích 25 m2.
Hàng loạt dự án bị ngân hàng siết nợ
2017 cũng là năm mà các ngân hàng thương mại liên tục thông báo đấu giá hoặc thu giữ tài sản là bất động sản thế chấp của khách hàng dính nợ xấu. Mở đầu là Saigon One Tower và hàng loạt các dự án dở dang khác trên địa bàn TP.HCM.
Alibaba "làm khổ" chính quyền
Về cuối năm, nhiều cơ quan chức năng của TP.HCM cùng vào cuộc cảnh báo việc Công ty CP Địa ốc Alibaba tự nhận làm chủ đầu tư dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII-3" và một loạt dự án khác ở Đồng Nai, Vũng Tàu và bán hàng, nhận tiền đặt cọc của khách dù doanh nghiệp chưa được cấp phép.
Phân lô bờ sông Sài Gòn
Thị trường địa ốc TP.HCM năm 2017 cũng chứng kiến nhiều tranh cãi về câu chuyện bờ sông Sài Gòn cõng quá nhiều dự án, khiến không gian chung bờ sông, không gian mặt nước gần như chỉ để phục vụ cho dự án của doanh nghiệp.
Zingnews
|