Vì sao nhà đầu tư Nhật lại mạnh tay rót vốn vào bất động sản Việt Nam?
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản liên tục rót vốn khủng vào thị trường bất động sản tại Việt Nam. Vậy đâu là lý do chính khiến các nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra quyết định này?
Liên tục rót vốn vào thị trường bất động sản
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản đã vươn lên vị trí số 1 trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2017, với vốn đăng ký hơn 8.9 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư. Và trong 19 lĩnh vực có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam thì ngành bất động sản đứng thứ ba.
Trên thực tế, việc nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam đã có từ rất sớm nhưng chỉ thực sự ồ ạt và tăng mạnh trong những năm gần đây. Còn nhớ năm 2014, khi thị trường bất động sản phát tín hiệu hồi phục, Tập đoàn Creed Group (Nhật Bản) đã khởi động thương vụ đầu tư vào Việt Nam thông qua ký kết hợp tác với CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) để đầu tư dự án City Gate Towers bằng cách rót 600 tỷ đồng thông qua mua trái phiếu dự án.
Không lâu sau đó, giữa tháng 7/2015, Bất động sản An Gia đã ký hợp đồng đầu tư toàn diện, theo đó Creed Group cam kết đầu tư 200 triệu USD vào An Gia để mua lại cổ phần, đầu tư vào dự án và chuyển giao công nghệ. Và mới đây nhất là hợp tác đầu tư vào dự án River City (quận 7) của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR).
Dự án Mizuki Park tọa lạc trên trục đại lộ Nguyễn Văn Linh (lộ giới 120m với 10 làn xe), diện tích 26 hecta gồm 4,676 căn hộ biệt lập Mizuki Park (dòng Flora), khoảng 170 nhà phố Valora Mizuki, biệt thự Valora Island và khu villa với hàng loạt các tiện ích như đường dạo bộ rộng 20m, tuyến xe đạp dài 2.5km dọc kênh nhân tạo và trục đường chính, 1.7 hecta hồ cảnh quan, hơn 75,000 m2 cây xanh; 7,500m2 công trình y tế; hơn 40,000m2 đất giáo dục, 15,000 m2đất thương mại và căn hộ kết hợp thương mại- dịch vụ, khu công trình hành chính- văn hóa hơn 5,000m2…
Tổng vốn đầu tư của dự án này là 8,000 tỷ đồng, trong đó Nam Long góp 50%, phần còn lại từ hai đối tác Nhật Bản. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành sau 5 năm.
|
Một trong những thương vụ đầu tư khá thành công vào thị trường bất động sản Việt Nam của đối tác Nhật Bản phải kể đến là giữa Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad với Tập đoàn Nam Long (HOSE: NLG). Cụ thể, dự án đầu tiên mà 2 đối tác Nhật cùng Nam Long thực hiện là dự án Flora Anh Đào (Quận 9, TPHCM). Dự án Flora Anh Đào sau đó nhanh chóng được bán hết và bàn giao sau hơn 1 năm kể từ ngày công bố. Nối tiếp thành công này, Hankyu Realty, Nishi Nippon Railroad và Nam Long tiếp tục ra mắt 2 dự án là Fuji Residence và Kikyo Residence trước khi quyết định mở rộng phát triển dự án nhà ở thứ 4 tại Việt Nam mang tên Mizuki Park (quận Bình Chánh, TPHCM).
Cuối tháng 11/2017, Tập đoàn Anabuki Housing Service đến từ Nhật cũng đã hợp tác cùng Nam Long để thành lập một công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý bất động sản tại Việt Nam.
Cũng trong vòng 2 năm trở lại đây, Tập đoàn Mitsubishi đã đầu tư 290 triệu USD để hợp tác cùng Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh phát triển nhà ở tại dự án Khu đô thị phức hợp The Manor Central Park (Hà Nội) đã gây tiếng vang trên thị trường. Hay như hồi tháng 9/2016, một nhà đầu tư đến từ Nhật là Công ty TNHH Kajima Overseas Asia đã chi 500 triệu USD cùng Indochina Capital thành lập Liên doanh Indochina Kajima Development (ICC-Kajima) để đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam trong 10 năm tới. Trong khi Sumitomo sẽ đầu tư vào Dự án Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội) cùng Tập đoàn BRG (Việt Nam).
Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Duy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Bình (HOSE: HBC), hiện nay Hòa Bình thông qua công ty con là Địa ốc Tiến Phát đã có 4 dự án hợp tác với đối tác Nhật Bản. Một trong số đó là dự án Ascent Lakeside tại quận 7 được Sanyo Homes hợp tác với Địa ốc Tiến Phát để đầu tư.
Đi tìm lý do
Thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu phục hồi từ năm 2014 và một trong những lý do chính là nhờ sự ổn định, tăng trưởng của nền kinh tế. Đây cũng là một tiêu chí mà các nhà đầu tư Nhật đánh giá rất cao khi đầu tư vào Việt Nam.
Ông Shingu Akihiro - Tổng giám đốc Tập đoàn Anabuki Housing đã chia sẻ tại buổi hợp tác với Nam Long hồi đầu tháng 11/2017 rằng, ông ấn tượng với đà phát triển của Việt Nam và bất ngờ hơn khi biết biết tốc độ tăng trưởng dân số và tăng trưởng GDP khá cao, khoảng 6%.
Trong khi đó, Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về tình trạng dân số già hóa với số người già trên 65 tuổi chiếm 26.86% dân số, cách biệt đến 4 chấm so với quốc gia đứng thứ hai là Ý. Ngoài ra, tỷ lệ sinh thấp đang kéo theo tình trạng dân số sụt giảm. Thêm vào đó, việc đa dạng hóa nhu cầu và tình trạng phân cực trong tiêu dùng cũng khiến thị trường nhà ở có khuynh hướng thu hẹp. Vì vậy, cách đây vài năm, Anabuki Housing cũng như nhiều tập đoàn lớn của Nhật bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư ở thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Shingu, với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu cùng với việc mở rộng điều kiện cho phép sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài, bất động sản Việt Nam đang là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm nhất.
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ bởi yếu tố dân số trẻ mà còn ở tốc độ đô thị hóa. Theo World Bank, tốc độc đô thị hóa tại Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đạt 3%, ngang với Thái Lan và cao hơn Indonesia, Singarpore và Philippines, giai đoạn 2015-2020 dự kiến 2.6% và 2020-2025 là 2.2%, cao nhất trong khu vực.
Trong khi đó, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Theo Công ty JLL Việt Nam, giai đoạn 2005-2015, mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam là 15.3% và dự kiến đạt 18.2% giai đoạn 2016-2020, cao hơn hẳn so với nước xếp thứ hai trong khu vực với mức tăng trưởng lần lượt là 11.5% và 11.9%. Dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng mạnh chính là đối tượng có nhu cầu mua nhà ở lớn nhất.
Theo ông Stephen Wyatt, Giám đốc quốc gia JLL Việt Nam, hàng triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đang chờ đổ bộ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Đặc biệt, nhu cầu M&A không còn gói gọn ở một phân khúc, mà sẽ phát triển ở hầu hết các phân khúc khác nhau như nhà ở, văn phòng cho thuê, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp.
Cuối cùng, một yếu tố khá quan trọng là chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản trong những năm gần đây. Việc áp dụng lãi suất âm đã kích thích hoạt động đầu tư của giới đầu tư tại Nhật Bản, tất nhiên trong đó có nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản đã mở rộng ra nước ngoài. Và với sự hấp dẫn đang hiện hữu, bất động sản Việt Nam đã trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.
Phương Châu
FiLi
|