Thị trường bất động sản giống như người đã trưởng thành, đang vào độ chín muồi
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển - Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Thế kỷ (CenLand) về thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển
|
Trái với nhiều dự báo, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2017 vẫn có nhiều chuyển biến tích cực. Theo ông, đâu là những yếu tố đã tác động mạnh nhất lên thị trường trong năm 2017?
Ông Nguyễn Thọ Tuyển: Có nhiều yếu tố đã tác động lên thị trường BĐS trong năm 2017, mà yếu tố đầu tiên phải nhắc đến là chính sách mua nhà cho người nước ngoài.
Thứ hai, dù Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP thì việc phê chuẩn cũng sẽ tác động tới sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư và cũng sẽ tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản. Hơn nữa, đến năm 2018, Việt Nam sẽ chính thức thực hiện đầy đủ những thỏa thuận khi gia nhập WTO, mở rộng cửa đón các nhà đầu tư quốc tế. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp trong nước, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng đô thị mới được kết nối ngày càng đồng bộ hơn, trước hết là đường giao thông, tuyến metro, xe buýt nhanh…, sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp "ăn theo" để đầu tư, phát triển thị trường BĐS, cả trong trung và dài hạn.
Cuối cùng, việc quy hoạch các thành phố đang được mở rộng ra các vùng lân cận, kéo theo BĐS tại các khu vực này cũng sẽ được “đánh thức”.
Theo ông, những chuyển biến đáng ghi nhận đối với thị trường BĐS kể từ khi phục hồi vào năm 2014 là gì? Và những chính sách nào đã phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ thị trường BĐS trong 3 năm qua?
Từ năm 2014, tính thanh khoản của thị trường đã có dấu hiệu tăng rõ rệt, hàng loạt các dự án dừng thi công trước đó cũng hoạt động trở lại, khách hàng, nhà đầu tư đã có niềm tin, quay trở về với thị trường BĐS.
Để có kết quả này, những chính sách tác động tích cực tới thị trường BĐS trong 3 năm qua phải kể đến việc đầu tư mạnh tay về cơ sở hạ tầng của Nhà nước kéo theo giá trị BĐS tại những nơi đó tăng lên; cũng như việc nới rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ làm tăng đáng kể lượng giao dịch, tính thanh khoản trên thị trường BĐS.
Đâu sẽ là điểm nổi bật của thị trường bất động sản trong năm 2018, thưa ông?
Thị trường BĐS năm 2018 sẽ có hai điểm nổi bật: Thứ nhất, bất động sản đất nền vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận các thành phố lớn sẽ là phân khúc được săn đón nhiều nhất, tiếp đó là loại hình căn hộ officetel, condotel,… cuối cùng mới là phân khúc chung cư giá bình dân.
Thứ hai, các thương vụ mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng dự án bất động sản sẽ diễn ra phổ biến hơn, trên quy mô lớn hơn (có sự tham gia của các các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kể cả các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực BĐS).
Trong năm 2018, tác động lớn đến thị trường BĐS vẫn sẽ là các chính sách liên quan tới người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Khi Việt Nam mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng đều tác động tích cực lên thị trường BĐS (phân khúc khu công nghiệp, thương mại bán lẻ, nghỉ dưỡng, căn hộ officetel…).
Đâu là những rủi ro mà thị trường bất động sản có thể đối mặt trong năm 2018?
Sau giai đoạn khủng khoảng 2011 – 2013, thị trường bất động sản đang dần đi vào ổn định và 2018 sẽ là năm thị trường phát triển tốt nhưng không bùng nổ.
Trải qua những khủng hoảng liên tiếp, các đối tượng tham gia thị trường BĐS hiện nay đều thận trọng hơn, luôn dè chừng, việc hình thành bong bóng BĐS sẽ rất khó và hầu như không thể xảy ra trong năm 2018.
Song, rủi ro nếu có thì cũng chỉ xảy ra cục bộ, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi vay nợ đầu tư hay đầu tư quá tay vào một số điểm cục bộ.
Ông dự báo giá cả chung của thị trường bất động sản trong năm 2018 sẽ biến động như thế nào?
Như tôi đã nói phía trên, phân khúc trọng điểm trên thị trường BĐS 2018 sẽ là đất nền (nhà liền đất) tại các khu vực có quy hoạch rõ ràng. Tâm điểm này đã bắt đầu manh nha vào quý cuối năm 2017.
Giá bất động sản năm 2018 chắc chắn sẽ tăng so với năm 2017, trung bình 10 – 20% tùy từng khu vực (giá sẽ bị tác động mạnh bởi hạ tầng tại khu vực và vùng lân cận).
Là người am hiểu sâu về thị trường BĐS, ông có thể cho biết thị trường ở thời điểm hiện nay có gì khác so với thời điểm 10 năm trước (năm 2007-2008)?
Nếu so sánh thị trường bất động sản với chu kỳ phát triển sinh học của một con người thì 10 năm về trước, bất động sản là đứa trẻ mới lớn, phổng phao, dồi dào sức khỏe nhưng cũng vô cùng bộc phát, liều lĩnh, dễ bùng nổ.
Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản giống như người đã trưởng thành, đang vào độ chín muồi, có sự thận trọng, chắc chắn, tạo được cảm giác an toàn và đáng tin cậy. Nhà đầu tư có thể yên tâm với thị trường BĐS vào thời điểm này.
CTCP Bất động sản Thế kỷ (CenLand) thành lập vào năm 2001 do ông Nguyễn Thọ Tuyển làm Tổng Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật. CenLand là đơn vị thành viên của Tập đoàn Cengroup, có vốn điều lệ là 250 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh chính của CenLand là kinh doanh bất động sản, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú, buôn bán vật liệu xậy dừng, Xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp…
Tính đến năm 2017, CenLand có hệ thống hơn 400 sàn liên kết, hàng chục ngàn Mentor, Connector trên toàn quốc. Một số dự án mà CenLand đã tham gia phân phối như Mizuki Park, La Casta, Eurowindow River Park…
|
Xin cám ơn ông!
Sanh Tín (thực hiện)
FiLi
|