'Ông lớn' EVN cố tình hạch toán sai ngàn tỉ để né thuế?
Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.
Theo thanh tra Bộ Tài chính, EVN hạch toán cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015) không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong ảnh: khu vực đặt đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ qua Nhơn Trạch, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
|
Hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng
Theo ông Trần Văn Vượng, Chánh thanh tra Bộ Tài chính, quyết định được Bộ Tài chính đưa ra trên cơ sở thanh tra tài chính EVN và phát hiện tập đoàn này có những khoản hạch toán chi phí không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015-2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng".
Theo giải thích của một lãnh đạo Bộ Tài chính: giai đoạn 2012-2015, cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mới chỉ là tạm tính. Khoản chênh lệch cước phí (tức chi phí tăng thêm) theo quy định sẽ được tính từ năm 2016-2017.
Thực tế tháng 6-2016, trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng đề xuất cho EVN được phân bổ 85,26 triệu USD trong hai năm 2016-2017.
Đây là khoản chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM được bộ này chấp thuận trong lộ trình thanh toán, đưa vào giá điện.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý phân bổ khoản chi phí chưa thanh toán khoản chênh lệch cước phí như nêu trên.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và EVN thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM mà EVN phải trả cho PVN là 1.938 tỉ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ. Cụ thể, năm 2015 EVN hoạch toán hơn 1.341 tỉ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỉ đồng.
"Dù hạch toán tới 70% khoản chênh lệch cước phí này từ năm 2015 nhưng EVN vẫn báo cáo Bộ Công thương xin Chính phủ được phân bổ vào năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã nói một đằng làm một nẻo. Sai về nguyên tắc tài chính" - một lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ Tài chính, chính vì hạch toán sai nên đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Do đó, để khắc phục sai sót này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỉ đồng.
Tổng số tiền mà Bộ Tài chính quyết định truy thu từ EVN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
|
Lờ đi 4.847 tỉ đồng lãi chênh lệch tỉ giá?
Cùng với việc hạch toán sai hơn 1.341 tỉ đồng như nêu trên, Bộ Tài chính cũng phát hiện EVN "quên" hạch toán hơn 4.847 tỉ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016.
Đây là khoản lãi chênh lệch tỉ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.
Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này.
Trên cơ sở thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện sai sót này của EVN và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016 số tiền 969,5 tỉ đồng. Phần tiền còn lại 3.878 tỉ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.
Điều đáng nói là tại buổi họp báo công bố về chi phí giá thành điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương và EVN chủ trì vào ngày 1-12 vừa qua, không hề có thông tin về khoản lãi tỉ giá này.
Thay vào đó là bức tranh khá "xám xịt" về khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại chưa được phân bổ tới trên 9.500 tỉ đồng, mặc dù kết quả kinh doanh chung năm 2016 ghi nhận lãi trên 2.658 tỉ đồng.
Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, khoản chênh lệch tỉ giá này được Chính phủ cho phép phân bổ từ nay đến năm 2020 tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, nhằm giảm áp lực tăng giá điện.
Theo Bộ Công thương, tổ công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp như báo cáo chi phí, giá thành được kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính, hợp đồng mua bán điện…
Tuy nhiên, việc kiểm tra này lại không bao gồm nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, cơ cấu sản lượng phát điện…
Tiếp tục rà soát báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của EVN cho thấy khoản chênh lệch tỉ giá còn treo lại đến thời điểm 31-12-2015 là trên 9.806 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định đã giảm lỗ do tự xử lý được 3.500 tỉ đồng, nên EVN cho biết số tiền treo lại sẽ phải được hạch toán dần trong 5 năm, đưa vào giá điện.
Tại sao trong năm 2016, EVN có lãi tỉ giá trên 4.847 tỉ đồng, mà tổng số lỗ tỉ giá được treo lại của cả năm này do EVN công bố, vẫn lên trên 9.500 tỉ đồng?
Tại buổi họp báo ngày 1-12-2017, báo Tuổi Trẻ đã đặt câu hỏi với đại diện EVN đề nghị giải trình rõ khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2016 xuất phát từ những yếu tố nào (bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá), cũng như giải thích về khoản lỗ chênh lệch tỉ giá tăng mạnh, song không được tập đoàn này thông tin cụ thể.
Khai khống một phần cước phí?
Trong quá trình thanh tra tài chính tại EVN, Bộ Tài chính phát hiện thêm vấn đề liên quan đến PVN (chủ đầu tư vận hành đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM).
Theo đó, thanh tra Bộ Tài chính đang đặt nghi vấn, cước phí vận chuyển trạm Nhơn Trạch - Hiệp Phước (một phần trong hệ thống đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM) mấy năm gần đây không có nhà máy điện nào hoạt động.
Trong khi đó, chi phí vận chuyển khí đoạn Nhơn Trạch - Hiệp Phước vẫn được tính vào cước phí vận chuyển khí của dự án.
Nếu đúng như vậy thì theo Bộ Tài chính là có dấu hiệu tính khống chi phí, khiến giá thành sản xuất điện bị "méo mó".
Theo xác nhận của một lãnh đạo Bộ Công thương: hệ thống đường ống dẫn khí trên có đoạn đường ống từ Nhơn Trạch đến Hiệp Phước, nhưng hiện nhà máy điện khí dừng hoạt động nên không cung cấp khí.
Tuy nhiên, liên quan đến việc có hay không chuyện khai khống chi phí vào giá vận chuyển, lãnh đạo bộ này cho biết cần phải xem xét lại hồ sơ và các thông tin liên quan.
|
Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Hà Nội - Ảnh: N.KHÁNH
|
Lê Thanh - Ngọc An
Tuổi Trẻ
|