Ngân hàng Việt chưa “mặn mà” phát triển ngân hàng số
Trước đây các ngân hàng chiếm vị trí độc tôn trên thị trường tài chính. Ngày nay làn sóng xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) với ưu điểm nhanh, chi phí giao dịch thấp khiến các ngân hàng buộc phải chuyển mình theo hướng “ngân hàng số”.
Việc thiếu hàng lang pháp lý khiến các ngân hàng ở Việt Nam hiện vẫn chưa “mặn mà” trong việc tung ra nhiều sản phẩm mới. Ảnh: P.V
|
Theo ước tính của các chuyên gia, khoảng 10-40% doanh thu và 20-60% lợi nhuận của ngân hàng bán lẻ đang bị Fintech đe doạ trong 10 năm tới. Ông Phạm Anh Tuấn - Uỷ viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - đã có cuộc trò chuyện với báo chí về những khó khăn trong việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay.
Theo ông, điều khó khăn nhất các ngân hàng ở Việt Nam đang phải đối mặt khi phát triển ngân hàng số là gì?
Điều khó nhất hiện nay khi triển khai ngân hàng số là vấn đề xác thực người dùng, nhận diện khách hàng. Đối với mô hình phòng giao dịch truyền thống, việc xác minh được người đến giao dịch và giấy tờ họ mang đến là một chứng minh thư là thật, ảnh, chữ ký của khách hàng là thật đã là khó.
Nay các công việc chuyển sang cho hệ thống nhận diện tự động trên máy thì việc này còn khó hơn nhiều lần. Để thực hiện xác thực người dùng không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là hành lang pháp lý khi xảy ra các vấn đề tranh chấp thì ngân hàng có cơ sở để giải quyết đúng sai thuộc về ngân hàng hay khách hàng. Hiện nay việc nhận diện người đến giao dịch qua ngân hàng số thông qua chữ ký điện tử, chữ ký số và sinh trắc học đều có hạn chế nhất định. Chưa có công ty nào khẳng định 100%, như vậy vẫn còn rủi ro mà về phía ngân hàng phải chịu hoàn toàn rủi ro đó.
Vậy cơ sở pháp lý của vấn đề này hiện nay ra sao, thưa ông?
Về mặt pháp lý hiện mới chỉ có một số văn bản luật như 2015 có Luật Giao dịch điện tử. Năm 2016 có Luật Công nghệ thông tin và năm 2017 có Luật An toàn thông tin. Một số nghị định được ban hành nhưng vẫn tập trung cho việc giao dịch trực tuyến trên nền tảng Mobile Banking và Internet Banking.
Tuy nhiên, ngày nay, nếu hiểu ngân hàng số chỉ là Mobile Banking và Internet Banking thì không đúng. Ngân hàng số hiện nay là tất cả các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đều thông qua công nghệ số từ khâu mở tài khoản, rút tiền, nộp tiền, cho vay đều được thực hiện số hoá. Các văn bản hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ xu hướng hiện nay các ngân hàng đang trong xu hướng chuyển đổi là Digital Banking.
Ông có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn hiện nay không?
Để các ngân hàng tự tin triển khai các dịch vụ ngân hàng số và có cơ sở để xử lý khi có tranh chấp với khách hàng, cần có các quy định về mặt pháp luật giúp NH nhận dạng và đánh giá được khách hàng. Hiện nay nhiều ngân hàng mong muốn phát triển Mobile Banking và Internet Banking và sau đó là ngân hàng số nhưng khi xảy ra rủi ro thì ngân hàng phải tự xử lý bằng các giải pháp của mình mà không có hành lang pháp lý đầy đủ từ NHNN, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính…
Thiệt hại của các định chế tài chính toàn cầu lên tới 20 tỉ USD. Các NH ở Việt Nam không ngân hàng nào công bố con số thiệt hại do triển khai ngân hàng số. Khi có sự cố xảy ra, chưa xác định trách nhiệm của NH hay khách hàng nhưng với sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông thì hầu hết đều nhận định ngân hàng sai. Các ngân hàng buộc phải tạm xử lý bằng cách hoàn thiện tạm cho khách hàng trong khi chờ đợi kết quả của cơ quan điều tra. Điều này có thể khiến các ngân hàng “mặn mà” trong việc đưa ra các sản phẩm số mới, ngoại trừ sản phẩm thanh toán.
Cách nhìn nhận của các cơ quan quản lý. Các luật của chúng ta hiện khá chồng chéo, vì vậy cần sự đánh giá tổng thể để có lộ trình sửa tổng thể. Hiện đã là quá muộn khi nói về hành lang pháp lý cho ngân hàng số. Chưa có nhiều thay đổi cho các văn bản về luật và dưới luật để hỗ trợ ngân hàng phát triển các sản phẩm ngân hàng số.
Ông kỳ vọng Vietcombank sẽ thu được kết quả gì sau khi triển khai ngân hàng số?
Nếu chuyển đổi ngân hàng số theo dự án được HĐQT phê duyệt, chúng tôi kỳ vọng chi phí cho giao dịch vật lý giảm đáng kể. Tỉ trọng khách hàng hưởng ứng và chuyển đổi từ giao dịch vật lý sang giao dịch không gian số sẽ đạt mức 50%. Lượng nhận viên được chuyển đổi vào các vị trí phù hợp và tập trung cho bán. Các tiện ích cung cấp cho khách hàng mọi nơi, mọi lúc, không giới hạn. Các NH ở Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức số 1 trong việc chuyển đổi không gian số. Đa số khách hàng vẫn đang tập trung thực hiện giao dịch vật lý tại ngân hàng.
- Xin cảm ơn ông!
Lan Hương
LAO ĐỘNG
|