Thứ Bảy, 23/12/2017 23:36

Thanh toán trên 5 triệu đồng phải qua ngân hàng?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc thanh toán hàng hóa và dịch vụ trên 5 triệu đồng phải qua ngân hàng, thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Giảm hạn mức dùng tiền mặt

Cụ thể, tại dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, các doanh nghiệp (DN) khi thanh toán hàng hóa, dịch vụ từ mức 10 triệu đồng phải thực hiện qua ngân hàng (NH) mới được khấu trừ thuế GTGT (VAT) thay vì quy định mức 20 triệu đồng như hiện nay.

Thế nhưng, trả lời Thanh Niên chiều 22.12, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết dự kiến mức này sẽ được điều chỉnh từ 5 triệu đồng để phù hợp với đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN giai đoạn 2016 - 2020 đang triển khai. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Quy định này không những góp phần thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua NH giữa các DN mà còn góp phần ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT và phòng chống rửa tiền. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán của các NH đang phát triển mạnh, cung cấp các kênh thanh toán đa dạng cho các DN, cá nhân có thể thực hiện thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng không cần trả tiền mặt khi mua hàng, thậm chí việc mua xăng dầu cũng có thể thanh toán bằng thẻ.

Hơn nữa, việc thanh toán qua NH những khoản tiền trên 5 triệu đồng là phù hợp với thông lệ một số nước trên thế giới. Một số nước hiện nay cũng áp dụng thanh toán qua NH từ 50 - 60 USD, có nước 100 - 200 USD.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM cũng đưa ra đề xuất quy định ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp từ 5 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán bằng thẻ và phải sử dụng hóa đơn điện tử. Việc này, theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, là điều hoàn toàn tốt không những cho DN mà cả nền kinh tế. Các DN minh bạch hóa các giao dịch mua bán, quản lý, theo dõi được các chi phí hoạt động hiệu quả hơn ngay khi có phát sinh giao dịch. Trong khi các kênh thanh toán đã có rất nhiều, từ ATM, POS đến NH điện tử… hay những ứng dụng công nghệ mã vạch (QR) giúp người dùng có thể thanh toán hàng hóa dịch vụ mọi lúc mọi nơi.

Cần áp dụng với cả kinh doanh nhỏ lẻ

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty bao bì Nam Thái Sơn, cho rằng bản thân nhiều DN hiện nay cũng ngại sử dụng tiền mặt để thanh toán vì phức tạp và rủi ro. Vì vậy, ông hoàn toàn ủng hộ dự thảo của Bộ Tài chính. Tuy nhiên trong hoạt động kinh doanh, đôi khi các DN lớn vì cần bổ sung thêm một ít phụ liệu cho sản xuất nên phải mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ hay ngoài chợ với số tiền 10 - 20 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Nhiều trường hợp, DN muốn thanh toán qua nhà băng nhưng người bán lại không đồng ý và đưa ra nhiều lý do để chỉ nhận tiền mặt. Bên cạnh đó, một số trường hợp đối tác chỉ cung cấp hàng sau khi nhận được chuyển khoản nhưng việc chuyển khoản có thể bị kéo dài sau 24 giờ vì khác hệ thống NH cũng khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp đó, nếu cần gấp, thì DN cũng lựa chọn phương án trả bằng tiền mặt để nhận hàng ngay…

“Đó là một số trường hợp ngoài ý muốn của DN. Tôi cho rằng để thực hiện đồng bộ, cơ quan quản lý cần xem xét việc quản lý cả những người bán lẻ, cơ sở kinh doanh... thì mới tạo ra sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh. Từ đó các DN cũng thực hiện dễ dàng hơn và giải pháp này mới đạt được hiệu quả mong muốn là giảm tỷ lệ dùng tiền mặt ở VN”, ông Trần Việt Anh nêu ý kiến.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC, nhận xét quy định thanh toán qua NH từ mức 20 triệu đồng xuống 5 triệu đồng cần thực hiện trong môi trường đồng bộ. Hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM thì tỷ lệ DN và người dân tiếp cận với dịch vụ NH nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đồng ý cho người dùng chi trả bằng thẻ. Rất nhiều lần bản thân ông và một số chủ DN đi tiếp khách, mua sắm mà nhà hàng, dịch vụ đều nêu lý do máy POS bị hư hay chưa gắn máy vì phí cao… nên cũng phải bỏ sẵn tiền mặt trong túi. “Ngay tại các TP lớn, không phải nhà hàng nào cũng đặt sẵn máy POS và không phải ông chủ nào cũng muốn thanh toán qua NH vì họ phải trả phí khá cao cho các nhà băng, từ 2 - 5%. Vì vậy, muốn đẩy mạnh việc thanh toán qua NH, ngoài tính đồng bộ, phải giảm phí, cho khấu trừ một số chi phí hợp lý từ các hóa đơn thì mọi việc mới khả thi”, luật sư Hùng khuyến nghị.

Cần lộ trình

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận định: việc thanh toán của các DN hiện nay hầu hết được áp dụng qua hệ thống NH, các hình thức thanh toán cũng dễ dàng và đa dạng hơn. Vì vậy, việc hạ định mức sử dụng tiền mặt của Bộ Tài chính về cơ bản sẽ không gặp khó khăn gì khi áp dụng. Tuy nhiên, những DN có nhiều đại lý ở các tỉnh thành trên cả nước hoặc những DN cần giao dịch với một số cửa hàng nhỏ lẻ ở những tỉnh thành xa, nơi mà mạng lưới NH còn ít hoặc thanh toán điện tử chưa phổ biến sẽ gặp khó khăn. Việc chuyển ngay mọi hoạt động từ dùng tiền mặt hiện nay sang giao dịch hoàn toàn qua nhà băng là hết sức khó khăn. Vì vậy chuyên gia này cho rằng có thể cần đưa ra lộ trình áp dụng để các DN đủ thời gian chuẩn bị. Song song đó, hệ thống NH, các phương tiện thanh toán khác cũng được khuyến khích phát triển mạnh hơn, phủ sóng hầu như rộng khắp các tỉnh thành cả nước.

“Cũng giống như cá nhân nhiều người hiện nay đi siêu thị, có người thích trả tiền mặt nhưng cũng có nhiều người quẹt thẻ vì thấy tiện lợi hơn. Khi các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh chóng, người dân sẽ dần dần từ bỏ thói quen chỉ dùng tiền mặt để chi tiêu. Bản thân các DN cũng sẽ không đợi bị ép buộc mà sẽ chủ động thực hiện nhiều hơn nếu thấy thuận tiện, an toàn”, ông Đinh Tuấn Minh nói.

Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng về công nghệ hiện nay thì các NH hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu thanh toán ngay tức thì các lệnh của khách hàng. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Bộ Tài chính cần có lộ trình vì giảm hạn mức đột ngột từ 20 triệu đồng hiện nay xuống còn 5 triệu đồng sẽ khiến phát sinh nhiều kiểu đối phó. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước rà soát để đảm bảo việc kết nối các điểm mua sắm, buôn bán, nhà hàng… được liên thông, tạo thuận lợi cho cả DN lẫn người dân trong hoạt động thường ngày. Từ đó sẽ tạo ra sự đồng thuận trong việc thực hiện. “Thanh toán không dùng tiền mặt giảm thiểu được chi phí trong lưu thông rất nhiều nên xu thế NH số, thanh toán điện tử sẽ từng bước thay thế hoàn toàn. Quy định của Bộ Tài chính khi triển khai trên thực tế và được thực hiện tốt sẽ góp phần giảm tỷ lệ dùng tiền mặt tại VN xuống nhanh như mong muốn”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Xu hướng tất yếu

Theo TS Bùi Quang Tín, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng gia tăng tại VN. Không những DN mà cả cá nhân nếu đứng ngoài hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là người thiệt thòi. Đơn cử đối với cá nhân thanh toán tiền mặt sẽ mất thời gian kiểm đếm, giữ tiền mặt không an toàn và không được hưởng những chương trình giảm giá mà các đơn vị bán lẻ thực hiện. Quan trọng hơn, họ sẽ không bắt kịp được xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.

Xu hướng tất yếu

Theo TS Bùi Quang Tín, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng gia tăng tại VN. Không những DN mà cả cá nhân nếu đứng ngoài hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là người thiệt thòi. Đơn cử đối với cá nhân thanh toán tiền mặt sẽ mất thời gian kiểm đếm, giữ tiền mặt không an toàn và không được hưởng những chương trình giảm giá mà các đơn vị bán lẻ thực hiện. Quan trọng hơn, họ sẽ không bắt kịp được xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.

 

Thanh Xuân - Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt chào bán cổ phần OCB (22/12/2017)

>   500 triệu cp BacABank sắp lên UPCoM với giá tham chiếu 20,000 đồng/cp (22/12/2017)

>   Quỹ ngoại sang tay tiếp 2.5 triệu cổ phiếu VPBank (22/12/2017)

>   Sacombank: Tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm về mức 3% vào 2018 (22/12/2017)

>   Thống đốc: Dự trữ ngoại hối lên xấp xỉ 48 tỷ USD (22/12/2017)

>   Loạt quỹ ngoại chi hơn 6,800 tỷ đồng gom 21.5% vốn HDBank (21/12/2017)

>   Sacombank: Mỗi đồng vốn đều phải sinh lời (21/12/2017)

>   Vụ án GPBank: Rút 3.900 tỷ đồng qua 2 hợp đồng với “sân sau“ (20/12/2017)

>   Agribank AMC đấu giá tài sản đảm bảo của Lifepro Việt Nam khởi điểm hơn 371 tỷ đồng (20/12/2017)

>   VNPT muốn đấu giá nguyên lô 71.57 triệu cp MaritimeBank khởi điểm hơn 850 tỷ đồng (20/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật