M&A trong lĩnh vực bất động sản sẽ đạt kỷ lục trong năm 2017-2018
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc Đầu tư Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) tại Hội nghị BĐS Việt Nam 2017 diễn ra ngày 13/12/2017.
Hoạt động M&A tại Việt Nam đang tăng tốc trong những năm gần đây nhờ vào sự hội nhập toàn cầu, tình hình chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định cũng như những chính sách tái cơ cấu trong ngành ngân hàng và tài chính, đầu tư công và các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, thị trường bất động sản (BĐS) dự kiến sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2017 với hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập, đang thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhờ đó mà bà Khanh nhận định M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục trong năm 2017-2018.
Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, thị trường BĐS nước ta đang ở làn sóng M&A thứ hai, kể từ năm 2015, và sẽ tiếp nối sang năm 2018. Theo ước tính năm 2017, giá trị M&A trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, trong đó M&A mảng bất động sản tiếp tục nhộn nhịp nhất.
Và động lực cho đà tăng này chủ yếu đến từ công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, trong năm 2017 đã có những tên tuổi lớn trong ngành được Nhà nước thoái vốn phải kể đến như Idico, Becamex IDC, DIC Group, Sonadezi (SNZ) và Vinaconex.
Cùng với đó, ông Minh cho biết hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong giai đoạn này; từ năm 2016 đến nay thì TPHCM luôn là khu vực được khuyến nghị đầu tư, như vậy, BĐS Việt Nam thực sự có sức hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại.
Bởi, theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc Đầu tư Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL) thì tỷ suất vốn hóa thị trường còn nhiều tiềm năng, do đó nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn muốn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế chia sẻ thêm việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã, đang và sẽ là một trong những nhân tố chủ lực thúc đẩy công cuộc M&A trên thị trường nhà đất. Tính đến thời điểm hiện tại, bất động sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nợ xấu toàn thị trường. Chưa kể, giá trị tài sản đảm bảo các khoản nợ tương ứng cũng chiếm tỷ trọng trọng yếu, tương đương 62% tổng tài sản đảm bảo tại VAMC.
* Vốn ngân hàng sẽ không còn ưu tiên đổ vào bất động sản?
Như vậy, nếu 2017 là năm bùng nổ về M&A, thì năm 2018 đến đây thị trường sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội hơn cho giới kinh doanh BĐS tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt, CEO của Jones Lang Lasalle Việt Nam nhấn mạnh.
Nhà đầu tư ngoại muốn gì khi đến Việt Nam?
Tuy nhiên, cơ hội không dành cho tất cả, yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của một thương vụ M&S vẫn luôn là “món hàng đó có hấp dẫn hay không”?, ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Bất động sản Sohovietnam phân trần.
Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận, và trong tương lai yêu cầu của họ sẽ ngày khó tính hơn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đầu tư về chất lượng sản phẩm, uy tín với đối tác.
Hội nghị BĐS Việt Nam 2017 diễn ra ngày 13/12/2017.
|
Lắng nghe ý kiến của chính người trong cuộc, ông Stephen Wyatt cho biết Việt Nam thực sự là một điểm đến hấp dẫn đối với ông nói riêng, cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác nói chung. Và trước khi muốn hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam về một dự án nào đó, ông phải nghiên cứu rất là kỹ lưỡng để có thể đạt được mức sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, một yếu tố mà ông Stephen Wyatt vẫn muốn Việt Nam đầu tư nhiều hơn chính là mức độ minh bạch về thông tin, từ đó tạo được niềm tin vững chắc hơn giữa những đối tác kinh doanh.
Cùng ý kiến trên, ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho biết thông tin về dự án, cũng như pháp lý tại Việt Nam cần phải rõ ràng hơn. Như vậy, thì nhà đầu tư nước ngoài mới dễ dàng hơn để kết nối với nhà đầu tư trong nước, và sự đồng hành giữa chủ dự án cùng đại lý bán hàng sẽ suông sẻ hơn, bền chặt hơn.
Hiếu Nguyễn
FiLi
|