Vốn ngân hàng sẽ không còn ưu tiên đổ vào bất động sản?
"Hướng đi lâu dài về nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS) trong tương lai là từ doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn nước ngoài và các quỹ đầu tư. Bởi ngân hàng thương mại (NHTM) sinh ra không phải để cho vay bất động sản", ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế chia sẻ tại Hội nghị BĐS Việt Nam 2017 diễn ra ngày 13/12/2017.
Ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế.
|
Theo ông Lực, hiện hệ thống các định chế tài chính cho thị trường BĐS chưa đa dạng, chưa có các loại hình mới như quỹ ủy thác đầu tư, cơ quan cho vay thế chấp nhà ở… Trong đó, một loại hình được ông Lực nhấn mạnh là quỹ REIT, dự kiến sẽ được vận hành trong thời gian tới, gần nhất là năm 2018.
Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa có được thị trường tài chính thứ cấp, điển hình như những đơn vị tái thế chấp, tức mua đi bán lại dư nợ BĐS, ông Lực phân trần. Hiện Malaysia đang vận hành rất tốt loại hình này, dự kiến sau khi áp dụng sẽ góp phần làm tăng mạnh tính thanh khoản tại thị trường BĐS Việt Nam trong tương lai.
Bởi những hạn chế trên, rủi ro từ đòn bẩy tài chính hiện nay đối với thị trường BĐS nước ta là phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường trái phiếu và cổ phiếu chưa phát triển, dẫn đến doanh nghiệp nhà đất gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn.
Theo thống kê tổng dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh BĐS Việt Nam tính đến ngày 31/10/2017 khoảng 400,000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6.5% tổng dư nợ theo NHNN, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Chưa kể, nếu tính cả dư nợ xây dựng thì con số trên đạt đến 15.5% tổng dư nợ thị trường, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Mặt khác, tín dụng tiêu dùng tính đến hết tháng 6/2017 là 743,000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12.4% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay sửa, thuê, mua nhà chiếm khoảng 50%, tương đương mức 6.2% tổng dư nợ thị trường.
Như vậy, nếu tính chung lại thì nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS chiếm xấp xỉ 20% tổng dư nợ.
* Bảo lãnh dự án: Cần cắt đứt chuyện chủ đầu tư vơ đũa hai tay!
Doanh nghiệp BĐS năm 2017 hiệu suất chưa cao bởi chỉ “chăm chăm” bán hàng!
Nhận xét về hoạt động các doanh nghiệp BĐS trong năm 2017, ông Lực cho biết hiệu suất hoạt động chưa cao. Bởi, mặc dù doanh thu tăng mạnh khoảng 40%, tuy nhiên mức tăng của lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 6%. Như vậy, doanh nghiệp BĐS năm nay chỉ lo chăm chăm bán hàng, nhưng không quản lý chặt bài toán chi phí, tức quản lý tài chính đang có vấn đề.
Cùng với đó, quy mô về vốn của thị trường tăng mạnh, từ mức khoảng 20 tỷ đồng/doanh nghiệp trước đây tăng lên đến 69 tỷ đồng/doanh nghiệp trong năm 2017. Đồng thời, số doanh nghiệp mới cũng tăng mạnh, tính riêng 11 tháng đầu năm có khoảng 4,500 doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS thành lập mới (tăng 60% về số DN và số vốn, tăng khoảng 18.6% về lao động), 155,300 DN xây dựng thành lập mới, (tăng 9% về số DN và 28% về số vốn).
Hiếu Nguyễn
FiLi
|