Chủ Nhật, 03/12/2017 09:39

Doanh nghiệp hiến kế thoát “thẻ vàng” EU

Như đã biết, cuối tháng 10 vừa qua, EU đã rút “thẻ vàng” cảnh báo cho thuỷ sản Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp (IUU), đây như là một cú giáng vào nỗ lực thúc đẩy gia tăng xuất khẩu thuỷ hải sản Việt vào thị trường chủ lực này. Các doanh nghiệp đã có loạt kiến nghị để đưa thuỷ sản Việt thoát khỏi cảnh báo này.

Thuỷ sản Việt Nam có 6 tháng để cải thiện "thẻ vàng" từ EU hoặc sẽ bị "cấm cửa".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đây cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EU.

Quy định “trói chân” doanh nghiệp

Đặc biệt, để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp đang cho rằng, dự thảo Thông tư 26 đang bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Thanh Lĩnh, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty Hải Vương, Khánh Hòa cho biết: " Theo dự thảo Thông tư 26, Bộ NN&PTNT yêu cầu trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam là phải nộp ngay chứng nhận đánh bắt gọi là CC, như vậy doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được.

Bởi theo vị này lý giải, quy trình cấp C/C của các nước phải qua rất nhiều khâu, theo đó, phải mất ít nhất 1 tháng DN Việt Nam mới có thể nhận được C/C từ chủ hàng. “Nếu mà Thông tư này được thông qua thì toàn bộ hàng nhập sản, xuất khẩu của chúng tôi hiện nay là sẽ không thể nhập khẩu được. Đó là khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp”, ông Huỳnh Thanh Lĩnh nhấn mạnh.

Thậm chí, chia sẻ của đại diện Công ty TNHH ITOCHU, đôi khi doanh nghiệp phải mất tới 4 tháng cho quy trình này.

Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, quy định này là “tự mình trói chân mình”, do Luật thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu. Quy định của EU cũng chỉ yêu cầu DN nộp C/C khi nhập hàng vào EU chứ không cần nộp vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam.

Đại diện VASEP cũng nêu lên rằng, NAFIQUAD căn cứ vào Thông báo số 90/BNN-QLCL ngày 21/12/2009 của Bộ NN&PTNT, trong đó yêu cầu các nước xuất khẩu nguyên liệu vào Việt Nam để chế biến xuất đi EU phải đáp ứng đồng đồng thời hai điều kiện liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một là cơ sở sản xuất, bao gồm cả tàu cá, phải có tên trong danh sách được EU công nhận hoặc được cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra và công nhận đáp ứng yêu cầu tương đương với quy định EU về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, từng lô hàng nhập vào Việt Nam (không áp dụng đối với tàu cá) cung cấp giấy chứng nhận y tế (H/C) theo mẫu của Việt Nam yêu cầu , trên mẫu H/C này có ghi chú cho phần chứng nhận lô hàng phải ghi “meet EU requirements”.

Trên thực tế, một số nước chỉ cấp H/C có chứng nhận lô hàng đạt yêu cầu EU (nghĩa là “meet EU requirement”) đối với những lô hàng xuất trực tiếp đi EU và  việc cấp EU H/C này phải làm trên hệ thống TRACE. Đối với nước nhập khẩu không phải EU, họ không cấp H/C trên hệ thống TRACE được nên không thể cấp H/C có câu “meet EU requirement”. Nhiều nước cũng có mẫu định sẵn nên không thể chèn thêm câu chữ như Việt Nam yêu cầu.

Do đó, VASEP kiến nghị sửa đổi Thông tư 26 theo hướng không yêu cầu DN nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản.

Phải quản lý và phân luồng nguyên liệu

Thay vào đó, doanh nghiệp có thể cung cấp giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc giấy xác nhận của người bán. Doanh nghiệp sẽ nộp C/C cho NAFIQUAD khi đăng ký xuất khẩu lô hàng. Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có H/C do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích rồi cấp H/C để DN được nhập khẩu vào Việt Nam.

Đối với lô nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đi EU, nếu lô hàng đã đáp ứng quy định IUU của EU nhưng chỉ thiếu H/C hoặc H/C không có câu “meet EU requirement”, các doanh nghiệp kiến nghị cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam (cơ quan thú y hoặc NAFIQUAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện để xuất khẩu sang EU.

Đặc biệt, đại diện Công ty TNHH Hải Vương kiến nghị, bên cạnh việc quản lý nguồn nguyên liệu nhập khẩu, dự thảo cần bổ sung nội dung quản lý đối với hàng nhập khẩu để tiêu thụ nội địa và hàng chuyển cảng.

“Bởi thực tế, lượng hải sản nhập khẩu tiêu thụ nội địa là rất lớn. Trong đó hải sản khai thác bất hợp pháp chiếm tỷ lệ không nhỏ. Khi EU nhận thấy có tàu bất hợp pháp vào cảng Việt Nam thì lập tức hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị vạ lây”, vị này nhấn mạnh.

Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khác cũng cho rằng, để gỡ được thẻ vàng của EU thì điều quan trọng là kiểm soát sao cho nguyên liệu IUU không vào được Việt Nam. Hiện EU có dữ liệu đẩy đủ về các tàu IUU. Do đó, cơ quan nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với EU để nắm các thông tin này, từ đó có cơ sở kiểm soát chặt chẽ đầu vào, chặn các tàu IUU ngay tại cảng.

Cùng với đó, doanh nghiệp kiến nghị dự thảo cần bổ sung quy định theo hướng phân luồng doanh nghiệp để làm căn cứ miễn kiểm tra, kiểm tra theo tần suất, không áp dụng kiểm tra 100% tất cả các lô hàng nhập khẩu như hiện nay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn chưa là thành viên của tổ chức quốc tế nào về nghề cá. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần tham gia và trở thành thành viên của các tổ chức quản lý nghề cá để có thể tiếp cận nhiều thông tin giúp cho việc quản lý chặt chẽ vấn đề IUU.

Quan trọng nhất là thực thi

Về vấn đề này, theo Bộ NN&PTNT, để thoát khỏi “thẻ vàng” EU, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ cả 9 khuyến cáo từ EC. Do đó, Bộ đã có kế hoạch hành động và đưa ra những giải pháp cụ thể, chi tiết. Trong đó, xác định 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và quy định phù hợp với quốc tế và EU, cụ thể là phải sửa luật thuỷ sản.

“Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Thuỷ sản 2017, chúng ta đã đưa tối đa những khuyến nghị của EU vào Luật mới này. Tuy nhiên cũng có một số không thể đưa vào luật đã giải trình với EU vì những lý do khác biệt trong sự ban hành Luật taị Việt Nam so với các nước trên thế giới”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành sửa đổi các Nghị định và Thông tư phù hợp với Luật sửa đổi.

Nhóm giải pháp thứ hai, là năng lực thực thi của các Bộ ngành, địa phương, chủ tàu và ngư dân. “Đây là vấn đề yếu nhất của chúng ta, trong thời gian ngắn cũng khó có thể thực thi được”, Thứ trưởng nhận định.

Tuy nhiên, các địa phương cũng đã quyết tâm thực hiện, cải cách chỉ số này. Từ tháng 7 đến nay tình trạng ngư dân vi pham khai thác vùng biển các nước đã giảm mạnh. Đặc biệt là Quảng Ngãi chưa ghi nhận trường hơp nào, trước đây, đây là địa phương có số vụ vi phạm cao nhất.

Nhóm giải pháp thứ ba là tuyên truyền, để ngư dân hiểu được những nội dung đánh bắt bất hợp pháp không theo quy định là thế nào. “Bằng hệ thống chính trị cùng hành động. Bộ NN&PTNT đã có ký kết với các đài truyền hình, đơn vị báo chí để có chiến dịch truyền thông tuyên truyền về vấn đề này. Bên cạnh đó, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và ngư dân. Dù có cố gắng nhưng EU hiện vẫn chưa ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực cải thiện việc khai thác thuỷ sản. Trong chiều nay, Bộ NN&PTNT đang tiến hành đối thoại trực tuyến với đại diện EU về vấn đề này”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin.

Đặc biệt, Thứ trưởng nhận định, trong 3 nhóm giải pháp này năng lực thực thi là quan trọng nhất bởi EU cần nhất là hành động cụ thể của Việt Nam trong công tác quyết tâm giải quyết vấn đề.

Thy Hằng

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Thành ủy TP HCM kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân (02/12/2017)

>   Ô tô nhập sụt giảm 5 lần: Nín thở chờ thời điểm biến động (02/12/2017)

>   Yêu cầu giám sát chặt việc mở rộng Cảng Đình Vũ (02/12/2017)

>   Ai chịu trách nhiệm khi để metro số 1 Sài Gòn đội vốn 30.000 tỷ? (02/12/2017)

>   Thứ Hai, BOT Cai Lậy sẽ có đủ tiền mệnh giá 100 đồng (01/12/2017)

>   Thực hư việc Audi Việt Nam bán được nửa lô xe APEC? (01/12/2017)

>   Không nên đưa phương án giá điện vào “diện” tài liệu mật (01/12/2017)

>   Ngân hàng Nhà nước: Không thiếu tiền 100 đồng (01/12/2017)

>   Bộ Tài chính có 181 cục trưởng (01/12/2017)

>   Thị trường vận tải nội địa: Còn nhiều chông chênh (01/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật