Không nên đưa phương án giá điện vào “diện” tài liệu mật
Tại cuộc họp báo về giá điện chiều 1-12, đại diện VCCI cho rằng luôn nói phải công khai, minh bạch giá điện, nhưng theo quy định hiện nay, tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong "diện" tài liệu bí mật nhà nước.
Chiều 1-12, tại buổi họp báo của Bộ Công Thương để công bố về giá thành sản xuất và cơ sở tăng giá điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương khẳng định việc kiểm tra giá thành được thực hiện với sự tham gia của nhiều bên.
Theo đó, báo cáo kiểm tra giá thành được thực hiện bởi Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập. Thành phần Tổ công tác ngoài thành viên của Bộ Công Thương thì bộ còn mời đại diện Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, Hội Điện lực. Đặc biệt, năm nay, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
"Chúng tôi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, sau đó có báo cáo với lãnh đạo bộ" - ông Tuấn cho biết.
Về cơ sở cho quyết định tăng giá điện, ông Tuấn cho biết căn cứ vào: Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định số 3173/QĐ-BCT ngày 17-8-2017 về việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện; tình hình thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng; công tác thống kê và công tác tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên; Quyết định ban hành khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2016-2020; kết quả kiểm tra giá thành và phương án điều hành giá do EVN xây dựng kèm theo đánh giá của các bộ, ngành về tác động đến kinh tế - xã hội nói chung.
Có mặt tại buổi họp báo, góp ý về tính minh bạch đối với quá trình kiểm tra giá điện, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI, đánh giá việc kiểm tra chi phí sản xuất - kinh doanh điện đã có bước tiến về minh bạch. Nhưng, theo ông này, vẫn có thể tiến bộ hơn để đảm bảo tính minh bạch hơn nữa.
Theo đó, ông Đức cho rằng có 2 khía cạnh có thể giúp đáp ứng tốt hơn tính minh bạch.
Thứ nhất, việc đi kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêu % thì chỉ do bên bán điện quyết. "Có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia vào việc này" - ông Đức góp ý.
Thứ hai, theo ông Đức, vẫn nói là phải công khai, minh bạch giá điện, tuy nhiên, theo quy định hiện nay, tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong "diện" tài liệu bí mật nhà nước. "Trường hợp này, cần thay đổi, không nên để cơ chế mật với phương án giá điện" - ông Đức nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 30-10, Bộ Công Thương đã công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017.
Cụ thể, sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về giá bán lẻ điện năm 2017 thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/KWh).
Thời điểm điều chỉnh là từ ngày 1-12.
* Giá điện tăng 6,08% từ ngày 1/12
Ph.Nhung
NLD
|