Chứng khoán Tuần 25-29/12: Kết năm rực rỡ sắc xanh
Việc thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ đã khiến thanh khoản thị trường sụt giảm trong tuần qua. Tuy vậy, sự luân chuyển của dòng tiền lớn ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã tạo động lực cho các chỉ số. Nhờ đó, VN-Index kết thúc năm giao dịch 2017 với mốc đỉnh cao nhất trong 10 năm trở lại.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 25-29/12/2017
Giao dịch: Các chỉ số thị trường đồng loạt tăng điểm trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần tăng 3.35% đứng tại 984.24 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần tăng 3.39% đang dừng ở 116.86 điểm.
Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 150.48 triệu đơn vị/phiên sụt giảm 16.44% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 45.4 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 16.39%.
Thị trường có tuần giao dịch cuối năm đầy hưng phấn khi các chỉ số thị trường ghi nhận đà tăng điểm ấn tượng. Sắc xanh đều đặn nối dài qua các phiên và giúp VN-Index tăng gần 32 điểm trong tuần qua.
VN-Index không ngừng bứt phá nhưng giao dịch thị trường không có sự đồng thuận đủ tốt với các chỉ số. Diễn biến phân hóa liên tục diễn ra qua các phiên. Việc thị trường bước vào tuần lễ giao dịch cuối cùng trước ngày nghỉ lễ đã khiến dòng tiền có sự sụt giảm và kéo theo sức bật tâm lý không đủ lớn. Dù sắc xanh hiện diện nhưng độ rộng thị trường chỉ đạt mức cân bằng, dòng tiền thể hiện rõ nét tính chọn lọc cao trong hoạt động giải ngân.
Nhóm cổ phiếu Large Cap trở thành tâm điểm của thị trường. Sắc xanh không có sự lan tỏa nhưng sự luân chuyển của dòng tiền lớn đã giúp các cổ phiếu trong nhóm thay phiên nhau đảm nhiệm vai trò dẫn dắt thị trường. Trong đó, nhóm dầu khí với GAS, PLX và nhóm cổ phiếu ngân hàng với VCB, CTG, BID, VPB… là các nhóm cổ phiếu dẫn dắt nổi bật nhất khi thể hiện rất tốt nhiệm vụ dẫn dắt VN-Index.
Với việc dòng tiền chuyển hướng sang nhóm Large Cap, các nhóm Mid Cap, Small Cap và Micro không để lại nhiều dấu ấn trong tuần qua. Tình trạng giằng co với thanh khoản thấp chiếm ưu thế ở các nhóm cổ phiếu này. Vẫn có những nhóm cổ phiếu gây chú ý như nhóm chứng khoán với BSI, VND, HCM… nhưng không đủ tạo sức lan tỏa.
Phiên cuối tuần, diễn biến tích cực tiếp tục được duy trì khi VN-Index dễ dàng nối dài sắc xanh nhờ sức bật từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Trong khi nhóm dầu khí và ngân hàng hạ nhiệt thì thị trường lại nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ hai trụ lớn khác là ROS và VNM. Trước sự hưng phấn của dòng tiền lớn, VN-Index đã kết thúc một năm giao dịch đầy thành công khi thiết lập cho mình mốc đỉnh cao mới trong vòng 10 năm trở lại. Nỗ lực của các chỉ số cũng đã cải thiện tâm lý của giới đầu tư và giúp sắc xanh lan tỏa rộng hơn. Thanh khoản đã tăng trưởng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài: mua ròng hơn 1,731 tỷ đồng trên cả hai sàn. Trong đó, họ mua ròng trên HOSE với hơn 1,681 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 50.9 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Các cổ phiếu tăng giá mạnh đáng chú ý trên sàn HOSE là KPF tăng 39.42%, VID tăng 24.69%, PXS tăng 15.60% và BSI tăng 15.83%.
KPF tăng 39.42%. KPF vẫn không ngừng nối dài chuỗi tăng trưởng ngoạn mục qua 6 tuần liên tiếp sau khi cổ phiếu này đã chấm dứt xu hướng điều chỉnh trong gần 1 năm qua. Động lực hỗ trợ mạnh nhất ở cổ phiếu này vẫn đến từ thông tin KPF sẽ thoái vốn tại các công ty liên kết là Phú Gia Hà Nam và Đầu Tư Tam Hà với tổng giá trị thoái vốn dự kiến hơn 78 tỷ đồng.
VID tăng 24.69%. VID tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc HĐQT công ty này thông qua kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư tài chính tại CTCP Văn hóa Giáo dục Viễn Đông. Thời gian thoái vốn dự kiến diễn ra từ tháng 12/2017 đến tháng 01/2018.
PXS tăng 15.60%. PXS tiếp tục tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ (1) sự tăng trưởng ấn tượng của giá dầu thế giới khi giá dầu WTI và giá dầu Brent đều giao dịch trong vùng giá cao nhất trong 2 năm trở lại và (2) Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) xác nhận số tiền 102 tỷ đồng vốn góp vào PXS không liên quan đến khoản tạm ứng của Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 từ việc thực hiện hợp đồng EPC (Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2).
BSI tăng 15.83%. BSI tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ (1) sự sôi động của dòng tiền bắt đáy khi cổ phiếu này đã điều chỉnh mạnh trong khoảng thời gian dài trước đó và (2) sự hiện diện của dòng tiền đầu cơ ăn theo sự kiện đấu giá 10 triệu cổ phần với mức giá khởi điểm 10,000 đ/cp diễn ra trong ngày 29/12/2017.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là CDO giảm 12.45% và AMD giảm 11.41%.
CDO giảm 12.45%. CDO giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ việc cổ phiếu này chính thức bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 26/12 vừa qua.
AMD giảm 11.41%. AMD tiếp tục giảm mạnh trong tuần qua nhiều khả năng đến từ hoạt động chốt lời khi cổ phiếu này đã tăng trưởng mạnh trong các tuần giao dịch trước đó.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|