Các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương lên tiếng cảnh báo về Bitcoin
Các nhà điều hành ở châu Á-Thái Bình Dương ngày càng khó chịu với đà tăng của các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin.
Lời cảnh báo gần đây nhất là từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Haruhiko Kuroda. Cụ thể, ông Kuroda gọi đà tăng của Bitcoin là “bất thường” tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm. Nhận định của ông cũng tương tự với các lời cảnh báo từ các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Australia, Hàn Quốc và Singapore.
Nỗi lo lắng của họ không phải là không có căn cứ khi châu Á chiếm phần lớn hoạt động giao dịch Bitcoin trên toàn cầu.
Tại cuối tháng 11/2017, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chiếm tới 80% hoạt động giao dịch Bitcoin trên toàn cầu, dữ liệu từ CryptoCompare cho thấy.
Mức biến động mạnh của giá tiền kỹ thuật số là một khía cạnh đáng lo ngại đối với các nhà điều hành.
Giá Bitcoin đã tăng gần 1,400% trong năm nay, nhưng hiện đang trên đà suy giảm. Đáng chú ý, trong ngày thứ Sáu, có lúc giá Bitcoin rơi về gần ngưỡng 12,500 USD trên Coindesk. Nhiều người lo ngại rằng nếu Bitcoin tụt dốc sâu hơn có thể gây chấn động cả thị trường tài chính.
Dẫu vậy, cuộc đua để tung ra các sản phẩm tài chính có gắn liền với tiền kỹ thuật số ngày càng được đẩy mạnh. Mới đây, Goldman Sachs dự tính thiết lập một phòng giao dịch tiền ảo, còn CME Group và CBOE thì đã tung ra các hợp đồng tương lai về Bitcoin.
Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương dường như tỏ ra ít hoan nghênh tiền kỹ thuật số hơn, trong đó nhiều cơ quan chức trách đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ. Dưới đây, CNBC cũng đưa ra cái nhìn tổng quan về nhận định của một số nhà điều hành:
Trung Quốc – Muốn kiếm soát hoàn toàn
Trung Quốc đã nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ tiền ảo với lệnh cấm hoạt động chào bán tiền ảo lần đầu, và tạm ngưng hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo hồi tháng 9/2017. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết thị trường không bị kiểm soát như Bitcoin có thể gây ra các rủi ro tài chính nghiêm trọng đến nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.
Mặc dù đưa ra những lập trường cứng rắn về các đồng tiền ảo phi tập trung và được phát hành tư nhân, nhưng Bắc Kinh vẫn ủng hộ việc sử dụng tiền ảo. PBoC cho biết họ đang xem xét phát hành đồng tiền kỹ thuật số của quốc gia và đã thiết lập 1 nhóm để phát triển nó.
Nhật Bản – Quốc gia đầu tiên hợp thức hóa Bitcoin
Các nhà lập pháp Nhật Bản đã cho phép sử dụng Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác để thực hiện thanh toán hồi tháng 4/2017. Sau đó, trong tháng 9/2017, quốc gia này chính thức công nhận 11 công ty điều hành sàn giao dịch tiền ảo. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chưa có kế hoạch phát hành đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.
Dạo gần đây, BoJ đã lên tiếng cảnh báo về đà tăng quá nhanh của Bitcoin. Ông Kuroda, Thống đốc của BoJ, cho biết đà tăng của giá Bitcoin là “bất thường” và đồng tiền kỹ thuật số này được sử dụng cho mục đích đầu tư hoặc đầu cơ, chứ không có chức năng là phương tiện thanh toán.
Ấn Độ – Lo ngại về các hoạt động bất hợp pháp
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) liên tiếp cảnh báo về các rủi ro trong hoạt động giao dịch tiền kỹ thuật số. Nhà điều hành nước này cũng lo ngại rằng các đồng tiền ảo có thể được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Tuần trước, các cơ quan chức trách đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng hơn về các hành vi sai trái liên quan đến tiền ảo có thể xảy ra.
Hàn Quốc – Giám sát các tổ chức tài chính
Hàn Quốc đã cấm các tổ chức tài chính không được thỏa thuận bằng đồng tiền kỹ thuật số, bao gồm mua, sở hữu hoặc xem là vật thế chấp. Trước đó trong tháng 12/2017, Văn phòng của Thủ tướng Hàn Quốc cho biết ICO cũng bị xem là bất hợp pháp.
Theo ghi nhận từ AFP, Hàn Quốc chiếm khoảng 20% giá trị Bitcoin trên toàn cầu.
Khoảng 1 triệu người Hàn Quốc, trong đó có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, đang sở hữu Bitcoin.
Australia – Bitcoin là “cơn sốt đầu cơ”
Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), Philip Lowe, gọi Bitcoin là cơn sốt đầu cơ, và nói thêm rằng Bitcoin có thể trở nên hấp dẫn đối với những ai thực hiện giao dịch bất hợp pháp hơn là người tiêu dùng.
Ông Lowe cũng đánh giá thấp khả năng phát hành tiền kỹ thuật số trong tương lai gần.
New Zealand – Bitcoin là trường hợp bong bóng cổ điển
Grant Spencer, Thống đốc của Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ), cho hay giá Bitcoin biến động rất mạnh và là trường hợp bong bóng điển hình.
Ông nói thêm các đồng tiền kỹ thuật số có thể đóng vai trò gì đó trong tương lai, nhưng không phải dưới dạng đồng Bitcoin. RBNZ cũng đang xem xét nhu cầu đối với đồng NZD và đánh giá xem liệu có nên thay thế nó với dạng tiền kỹ thuật số tại giai đoạn nào đó trong tương lai hay không.
Đông Nam Á – Ám ảnh từ khủng hoảng 1997
Đông Nam Á là khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, và các cơ quan chức trách ở khu vực đã phải đưa ra các lời cảnh báo mạnh mẽ nhất về mặt tối của các đồng tiền kỹ thuật số.
Indonesia, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, lên kế hoạch cấm giao dịch tiền ảo kể từ năm 2018 với mục tiêu bảo vệ đồng nội tệ của mình (Rupiah), tờ Jakarta Post ghi nhận.
Singapore – một trung tâm tài chính toàn cầu quan trọng – cho biết vào đầu tuần này rằng nhà đầu tư có khả năng mất trắng khi xét trên bản chất đầu cơ của tiền ảo.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|