Thứ Tư, 22/11/2017 20:00

Tiền mặt vẫn là “Vua” trong thời đại kỹ thuật số?

Tiền mặt hiện vẫn chiếm ưu thế trong thời đại kỹ thuật số.

Các hệ thống thanh toán kỹ thuật số đã nở rộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khu vực San Francisco, lượng USD lưu thông trên khắp thế giới đã tăng 87% suốt 10 năm qua.

Con số đó bao gồm lượng tiền mặt do các ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nắm giữ.

Trong năm 2006, 783 tỷ USD đã được “sang tay” trên khắp toàn cầu. Năm ngoái, con số này tăng vọt lên 1.46 ngàn tỷ USD, dựa trên một nghiên cứu của Fed khu vực San Francisco. Một cuộc nghiên cứu khác của Fed khu vực New York, ước tính rằng phần lớn lượng USD hiện đang được nắm giữ bên ngoài nước Mỹ.

“Các báo cáo về ‘dấu chấm hết’ của tiền mặt đã bị phóng đại quá mức. Ở hầu hết mọi quốc gia, nhu cầu tiền giấy và tiền xu vẫn mạnh và chưa có dấu hiệu suy giảm”, Chủ tịch Fed khu vực San Francisco, John Williams, viết trên blog của mình.

Các yếu tố kinh tế, lãi suất biến động và thậm chí là những thảm họa thiên nhiên có thể thúc đẩy nhu cầu USD tăng lên. Trên khắp thế giới, USD được xem là một đồng tiền an toàn để nắm giữ vào những thời điểm hỗn loạn kinh tế và chính trị.

Tuy vậy, lượng tiền mặt của tất cả các đồng tiền, chứ không chỉ riêng đồng USD, đang tăng lên. Ông Williams phát hiện ra rằng ở 40 trong số 42 nền kinh tế lớn – từ châu Âu, châu Á đến châu Mỹ Latinh và nước Mỹ – sự tăng trưởng của lượng tiền mặt lưu thông đã vượt qua cả sự tăng trưởng kinh tế trong suốt 10 năm qua.

Những phát hiện của Fed khu vực San Francisco càng trở nên thuyết phục hơn nhờ những bằng chứng từ khu vực tư nhân. Theo Western Union, ngày nay, 83% giao dịch toàn cầu được thực hiện bằng tiền mặt, chỉ giảm một chút so với con số 85% cách đây một thập kỷ. (Western Union không cung cấp số liệu của riêng nước Mỹ).

“Chúng tôi không tin vào một thế giới không dùng đến tiền mặt. Tiền mặt sẽ tiếp tục chiếm một phần lớn trong thanh toán trong 50 năm tới, nhưng thanh toán bằng các phương tiện kỹ thuật số sẽ tăng trưởng nhanh hơn”, Odilon Almeida, Chủ tịch Bộ phận Chuyển tiền toàn cầu của Western Union, cho biết.

Có nhiều lý do khiến tiền mặt được ưa chuộng hơn. Chẳng hạn như là tính tiện lợi, không cần phải có tài khoản ngân hàng hay một chiếc điện thoại di động.

Hãy lấy Argentina làm ví dụ. Lượng tiền mặt lưu thông ở quốc gia này đã tăng đến 900% trong thập kỷ vừa qua, cao nhất trên toàn cầu, dựa trên nghiên cứu của Fed. Phần lớn trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế nước này đã phải hứng chịu lạm phát cao và những chính sách mang hơi hướng chủ nghĩa dân túy đã “nghiền nát” giá trị của đồng Peso, đồng nội tệ nước này, và cuối cùng là gây ra một cuộc suy thoái.

Đảng dân túy cầm quyền của Chính phủ trước đây ở Argentina (đã thua trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2015) cũng tìm cách hạn chế người dân Argentina nhận USD khi rút tiền từ tài khoản ngân hàng. Có lẽ điều đó đã góp phần khiến cho tiền mặt tăng vọt.

Lượng tiền mặt lưu thông cũng tăng mạnh ở các quốc gia khác với những mức độ khác nhau: 442% ở Mozambique, 413% ở Myanmar, 355% ở Ukraina.

Tại các quốc gia phát triển hơn, lượng tiền mặt lưu thông đã không tăng nhiều, nhưng vẫn nhanh hơn mức tăng trưởng kinh tế. Nhóm này gồm có Anh, Canada và Nhật Bản.

Những ngoại lệ trong báo cáo của Fed là Thụy Điển và Na Uy, nơi lượng tiền mặt lưu thông đã giảm trong thập kỷ qua. DNB, ngân hàng lớn nhất của Na Uy, đã loại bỏ tiền mặt tại các chi nhánh của họ, trong khi Thụy Điển đã tạo ra một cơ sở hạ tầng vốn không thích hợp cho việc thanh toán bằng tiền mặt.

Vì thế, tiền mặt có thể không “chết”, nhưng những tấm ngân phiếu lại không tránh được làn sóng “hủy diệt” này – ít nhất là ở Mỹ. Một cuộc nghiên cứu khác của Fed hồi tháng 6 đã phát hiện rằng ngân phiếu chỉ chiếm 13% trong các thanh toán phi tiền mặt ở Mỹ trong năm 2015, trong khi vào năm 2000, chúng chiếm gần 60%.

Nhã Thanh (Theo CNNMoney)

FiLi

Các tin tức khác

>   Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng về vụ sáp nhập AT&T-Time Warner (22/11/2017)

>   Tổng thống Zimbabwe từ chức sau 37 năm cầm quyền (22/11/2017)

>   Dầu khởi sắc chờ tin về nguồn cung tại Mỹ (22/11/2017)

>   Vàng thế giới quay đầu tăng nhẹ (22/11/2017)

>   Bà Merkel rơi vào thế bế tắc chưa từng có trong lịch sử Đức (21/11/2017)

>   OPEC đau đầu vì Iraq (21/11/2017)

>   Vàng thế giới sụt 1.5% khi đồng USD khởi sắc (21/11/2017)

>   Dầu suy yếu vì triển vọng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng (21/11/2017)

>   Cuộc cách mạng số hóa sẽ mang lại cơ hội đầu tư hàng ngàn tỷ USD ở Ấn Độ? (21/11/2017)

>   Cuộc họp OPEC cuối tháng 11: Tiến thoái lưỡng nan (21/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật