Chủ Nhật, 26/11/2017 09:20

Thuế thu nhập cá nhân: sao không quyết liệt?

Thuế liên quan đến thu nhập cá nhân (TNCN) chiếm một phần quan trọng trong nguồn thu của ngân sách ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Luật Thuế TNCN sắp tròn 10 năm có hiệu lực, và nguồn thu này cho ngân sách ngày càng tăng trong những năm vừa qua. Dù vậy, tỷ trọng của thuế TNCN vẫn còn thấp, chưa bảo đảm tính công bằng, và quan trọng nhất là chưa kiểm soát được các nguồn thu nhập từ tham nhũng và các hoạt động bất hợp pháp khác.

Ở những đô thị của Việt Nam, nhiều người có thu nhập cao từ việc cho thuê nhà, cửa hàng nhưng lại không kê khai thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Thành Hoa

Nhiều kẽ hở khi chưa bắt buộc khai thuế TNCN

Hiện nay, theo quy định của Bộ Tài chính (Thông tư 111/2013/TT-BTC), các khoản thu nhập của cá nhân trong diện chịu thuế bao gồm: thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương tiền công, thu nhập từ quà tặng, thu nhập từ thừa kế, thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, và thu nhập từ bản quyền.

Trong các khoản thu nhập này, trừ khi bị khấu trừ từ nguồn do tổ chức, cá nhân chi trả kê khai với cơ quan thuế thì quá khó để một cá nhân tự giác kê khai thuế các thu nhập trong năm tài chính của mình. Chính vì không bắt buộc khai thuế TNCN hàng năm, nhiều kẽ hở đang bị lợi dụng, dẫn đến một số hệ lụy như sau:

Thứ nhất, mục đích điều tiết, tái phân phối thu nhập qua thuế TNCN không thực hiện được khi bỏ sót những người có thu nhập cao mà không khai báo.

Chẳng hạn, nhiều cá nhân, hộ gia đình có hoạt động kinh doanh đem lại thu nhập cao nhưng không khai báo, hoặc khai báo không đủ khi không tách bạch thu nhập của doanh nghiệp thuộc sở hữu của mình và thu nhập cá nhân. Lẽ ra, cá nhân chủ doanh nghiệp sau khi nộp thuế doanh nghiệp (nếu có) thì những thu nhập từ doanh nghiệp như lương, thưởng, cổ tức phải coi là thu nhập cá nhân.

Hay ở những đô thị của Việt Nam, nhiều người có thu nhập cao từ việc cho thuê nhà, cửa hàng nhưng lại không kê khai thuế TNCN vì họ thấy rằng không có động lực để khai thuế. Ngay cả lợi ích từ việc đăng ký kinh doanh để được khấu trừ các chi phí đầu vào cũng không so được nếu như họ phải khai thu nhập chịu thuế minh bạch.

Các khoản thu nhập khác như cho, tặng, thừa kế tài sản có giá trị lớn, chuyển nhượng bất động sản, khi không có cơ chế khai thuế TNCN bắt buộc thì cơ quan thuế rất khó để kiểm soát được.

Như vậy, hóa ra những người lao động ăn lương (đa phần không xếp vào nhóm thu nhập cao) lại là những người đóng thuế TNCN đầy đủ nhất.

Thứ hai, vì không bắt buộc kê khai thuế TNCN hàng năm, không có cơ chế kiểm soát nên không thể kiểm soát các nguồn thu nhập bất chính như tham nhũng, hối lộ, kinh doanh bất hợp pháp. Ở một đất nước vẫn chuộng tiền mặt như Việt Nam hiện nay, và hệ thống ngân hàng cùng các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư vẫn chưa siết chặt các quy định liên quan đến nắm rõ thông tin khách hàng - KYC (Know Your Customer) và chống rửa tiền - AML (Anti-Money Laundering) thì việc không bắt buộc kê khai thuế TNCN sẽ được nhóm người này lợi dụng tối đa.

Không những thế, việc kê khai hàng năm là căn cứ để thực hiện kiểm tra giám sát nếu có nghi vấn sau này.

Thứ ba, vì không kiểm soát được thu nhập chịu thuế của nhóm người có thu nhập cao, Nhà nước sẽ bị thất thu thuế, khi đó phần thiếu hụt sẽ chuyển sang các loại thuế, phí khác, hoặc sẽ thiếu nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ ngân sách khác. Ngoài ra, các khoản thu nhập trốn được thuế TNCN thường không được đưa vào lại nền kinh tế chính thức, có khi còn bị chảy ra nước ngoài.

Mã số thuế cá nhân: quan trọng như thẻ căn cước và số an sinh xã hội

Đối với nhiều nước, nguồn thu thuế từ cá nhân chiếm một tỷ trọng khá quan trọng. Như trường hợp các nước OECD, tỷ trọng thuế cá nhân trong tổng số thuế của một số nước có khi lên đến 40-50%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam theo dự toán ngân sách năm 2017 chỉ là 6,7%.

Vì thuế cá nhân quan trọng nên việc mỗi cá nhân trưởng thành có mã số thuế là điều hầu như bắt buộc, vì nếu không có thì khó thực hiện các thủ tục khác. Chẳng hạn như khi vay tiền ngân hàng, chứng minh địa chỉ cư trú, căn cứ thu nhập để tính các khoản đóng góp địa phương, hay tiền học, tiền ăn của trẻ đều dựa trên bảng khai thuế cá nhân của năm trước đó. Tuy nhiên, có một số người vì quyền riêng tư, có quyền không công khai bản khai thuế của mình (như Tổng thống Mỹ Donald Trump), nhưng khi đó, họ phải chịu các khoản đóng góp ở mức kịch trần.

Việc mỗi cá nhân có một mã số thuế riêng, rồi khai thuế, đóng thuế vào một thời điểm nhất định trong năm, hay tạm nộp thuế TNCN hàng tháng từ lương rồi quyết toán sau với các khoản thu nhập khác, cả khi thu nhập không thuộc diện chịu thuế, sẽ giúp nhà nước kiểm soát và giám sát được thu nhập của dân cư, từ đó có dữ liệu để hoạch định các chính sách xã hội khác. Thêm vào đó, có được dữ liệu về thu nhập dân cư sẽ giúp việc tính toán GDP chính xác hơn, dựa trên phương pháp thu nhập. Ngoài ra, khai thuế TNCN bắt buộc còn giúp giảm dần khu vực kinh tế phi chính thức, các đảm bảo về xã hội khi đó sẽ được thực hiện tốt hơn.

Nhưng còn một điều quan trọng khác là thuế TNCN chỉ được đóng bởi một tỷ lệ nhỏ dân số, những người có thu nhập cao. Ngay như ở Pháp, 70% tổng thuế TNCN năm 2016 được đóng bởi chỉ 10% hộ gia đình. Số hộ gia đình có thu nhập trên 200.000 euro một năm chỉ chiếm 0,4% dân số Pháp nhưng đóng 22% trong tổng số thuế TNCN của nước Pháp. Còn tại Mỹ, khoảng 50% dân số không đóng thuế thu nhập liên bang, khoảng 73 triệu hộ gia đình ở mức thu nhập trung bình chỉ đóng trung bình 3,4% thu nhập cho thuế liên bang. Chính vì thế, nhiều người nói vui rằng ở các nước phát triển, tốt nhất là nên già hoặc trẻ, hoặc giàu hẳn hoặc nghèo hẳn, thì sẽ dễ thở hơn với các khoản thuế phí.

Trở lại trường hợp của Việt Nam, việc bắt buộc mỗi người trưởng thành có một mã số thuế riêng, và bắt buộc khai thuế hàng năm là hoàn toàn có thể thực hiện được, như đã làm với thẻ căn cước. Các giải pháp đồng bộ khác như hạn chế giao dịch tiền mặt; quy định mức giao dịch tiền mặt tối đa, nhất là trong giao dịch bất động sản; phải chứng minh nguồn gốc tiền khi chuyển vào ngân hàng hay các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ đầu tư, sẽ cùng với việc bắt buộc khai thuế đem lại những lợi ích rất lớn như đã phân tích ở trên.

Để tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng như Hội nghị Trung ương 6 vừa qua khẳng định, cần bắt buộc kê khai thuế TNCN hàng năm. Điều lo lắng ở đây, là quyết tâm chính trị của hệ thống chưa đủ mạnh, có dám vượt qua chính mình hay không.

Võ Đình Trí

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Đường bay ế khách, Cần Thơ đề xuất lấy ngân sách... bù lỗ (25/11/2017)

>   Uber, Grab vào tầm ngắm thanh tra thuế năm 2018 (24/11/2017)

>   Sẽ chưa thể thí điểm thuế tài sản tại Tp.HCM (24/11/2017)

>   Người từ Việt Nam có tên trong Hồ sơ Paradise là ai? (23/11/2017)

>   Thu ngân sách 2018: giảm hơn 30.000 tỷ thuế vì cam kết thương mại (23/11/2017)

>   Ưu đãi trên 35.300 tỉ thuế thu nhập cho doanh nghiệp ngoại (20/11/2017)

>   Dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi): Ba điểm mới quan trọng (19/11/2017)

>   Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô bị truy thu thuế trăm tỷ (15/11/2017)

>   Hà Nội để thất thu ngân sách 6.000 tỉ đồng (15/11/2017)

>   Thủ tục hải quan, ưu đãi thuế XNK ở đặc khu kinh tế thế nào? (15/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật