Sinh viên trong vòng xoay học phí tự chủ
Tự chủ ĐH giúp các trường linh hoạt trong nghiên cứu, đào tạo và cơ chế tài chính, tuy nhiên sinh viên chịu thêm áp lực từ việc tăng học phí khiến đời sống sinh hoạt thêm chật vật.
Nhiều trường đại học (ĐH) đã bước vào tự chủ đồng nghĩa với việc học phí tăng cao khiến nhiều sinh viên (SV) có phần chới với. Giữa vòng xoáy tự chủ, SV phải tự bơi ra sao để tiếp tục con đường đến giảng đường?
Chật vật mưu sinh
Phục vụ tiệc cưới, nhân viên phục vụ các quán thức ăn nhanh là những việc thời vụ quen thuộc của Nguyễn Quang Thắng, SV năm ba ngành kế toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Thắng giãi bày nếu như năm đầu còn lạ nước lạ cái lại có thêm nguồn viện trợ từ gia đình nên em chưa chú tâm đi làm thêm. Thế nhưng bước vào năm hai, các khoản chi tiêu, học thêm ngoại ngữ, kỹ năng, sinh hoạt đội nhóm khiến hầu bao lúc nào cũng bị thâm thủng.
Thắng tính toán ngoài tiền học phí 24 triệu đồng/năm (hệ tiên tiến) mỗi tháng gia đình chắt bóp hỗ trợ 3,5 triệu đồng, trong khi mọi chi phí tại TP đắt đỏ ngần ấy tiền không kham nổi. Chẳng đặng đừng, Thắng cất công tìm việc để trang trải các khoản chi phí không tên.
Nguyễn Minh Thư dù mới là SV năm nhất ngành ngoại ngữ nhưng đã hăng hái tham gia vào việc làm thời vụ. Nữ sinh này thổ lộ học phí ngành em học gần 15 triệu đồng/năm, so với thu nhập của ba mẹ em khá cao, bởi vậy em tính toán giờ học rất sát để còn sắp xếp thời gian đi làm để vơi bớt gánh lo tiền ăn uống, mua tài liệu và sinh nhật bạn bè. “Hằng tháng ba mẹ hỗ trợ 2 triệu đồng để lo tiền trọ và ăn uống, dè sẻn lắm cũng không kham nổi, vì mặt bằng chi tiêu tại TP đắt đỏ. Để cải thiện em không ngại đi làm thêm từ phát tờ rơi, phụ quán, gia sư em đều làm miễn có tiền để cân bằng việc học tập và sinh hoạt không bị rớt lại đằng sau” - Thư khẳng khái.
Ngoài chương trình học bổng toàn phần, bán phần, các trường ĐH tự chủ còn xây dựng “Góc chia sẻ” để hỗ trợ SV nghèo vượt khó khi học phí không ngừng tăng. Ảnh: P.ĐIỀN
|
Quỹ học bổng tăng gấp ba…
Thực hiện tự chủ gần một năm nay, PSG-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cảm nhận: “Học phí tăng (13,5-15,5 triệu đồng/năm) dĩ nhiên SV, phụ huynh sẽ chật vật hơn. Chưa kể thiên tai, hạn hán đổ ập xuống bất cứ lúc nào khiến nhiều gia đình thêm gánh lo”.
Theo ông Dũng, để chia gánh lo với SV, mới đây trường tổ chức gặp gỡ những SV có hoàn cảnh khó khăn, nghe các em tâm tư về hoàn cảnh, thu nhập của gia đình ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt và đóng học phí. Từ đây, nhà trường đã quyết định đồng hành, chia sẻ cụ thể để các em vượt khó bằng cách miễn 100% học phí, giảm học phí theo hoàn cảnh.
Về nguồn tài chính giúp SV vượt khó, ông Dũng tính toán tự chủ ĐH học phí tăng nhưng theo quy định 8% học phí đưa vào học bổng nên nguồn học bổng tăng lên rất đáng kể. Toàn bộ tiền lãi ngân hàng từ học phí thay vì đưa vào đầu tư phát triển như trước đây thì bây giờ có thể đưa vào hỗ trợ trực tiếp cho SV. Hiện quỹ hỗ trợ SV của trường lên đến hàng chục tỉ đồng.
Ngoài ra, trường còn tạo công ăn việc làm để SV có thêm thu nhập từ các dịch vụ sửa máy tính, rửa xe, bán hàng... ngay tại trường. Chưa kể kênh việc làm của 800 thầy cô trong trường khi có dự án nghiên cứu cần thêm SV đăng ký qua trang dịch vụ của trường. Đáng chú ý, các em có nguồn thu nhập từ trợ lý giảng dạy, vì thông thường các môn lý thuyết SV học rất đông 70-100. Các giảng viên sẽ đăng ký trợ lý, chia nhỏ nhóm để hướng dẫn làm bài tập, báo cáo, dạy phương pháp mới. Công việc này mang lại thu nhập 30.000 đồng/giờ, gấp đôi so mức phục vụ nhà hàng, quán ăn. “Ngoài các chương trình nói trên, trường còn xây dựng “Góc chia sẻ”. Đây là nơi SV khó khăn của trường tự phục vụ bữa ăn hoặc mang gạo, mì gói, nước mắm, áo quần, sách vở, giày dép, xe đạp về dùng hoàn toàn miễn phí” - hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận từ khi thực hiện tự chủ, học phí của trường tăng (8-9 triệu đồng/học kỳ). Ngược lại, quỹ học bổng tăng gấp ba lần so với lúc chưa tự chủ. Riêng năm 2017, quỹ học bổng của trường là 16 tỉ đồng. Quỹ học bổng này dành cho SV khá giỏi; SV hoàn cảnh khó khăn được miễn hoàn toàn hoặc bán phần. Riêng SV thủ khoa được trường cấp học bổng nước ngoài nghiên cứu.
Bảo lãnh nợ cho sinh viên
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (học phí 17,5 triệu đồng/năm) với cơ chế tự chủ nguồn học bổng tăng lên nhiều lần, năm 2014 trị giá học bổng là 10 tỉ đồng/năm thì năm 2017 đã đạt 24 tỉ đồng/năm. Nguồn học bổng gia tăng kết hợp với những nguồn lực xã hội như các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, trường có thêm nguồn để thực hiện chính sách học bổng, học phí đối với đối tượng chính sách, gia tăng số suất và số người được học bổng; đảm bảo các chế độ đối với các đối tượng chính sách theo quy định.
Để việc phân bổ học bổng có cơ sở quản lý chặt chẽ và công bằng, trường đã ban hành quy định về chính sách học bổng mới dành cho SV hệ ĐH chính quy giai đoạn 2015-2017. Cùng đó, trường đẩy mạnh chương trình tín dụng học tập dành cho SV hệ ĐH chính quy, tăng cường phối hợp với các ngân hàng triển khai chương trình tín dụng học tập dành cho SV, bảo lãnh nợ gốc để người học được vay với lãi suất thấp nhất.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM |
Phong Điền
Pháp luật TPHCM
|