Nhịp đập Thị trường 02/11: Sụp đổ vì margin call?
Thị trường “sụp đổ”, trên các diễn đàn mạng ngập tràn những ý kiến đại ý như thế khi chứng kiến phiên giao dịch chiều nay.
Nếu ROS giảm sàn như là cú xả của bản thân cổ phiếu này, sau bao ngày ròng rã tăng, thì có lẽ ít ai ngờ một bluechip là MWG mà cũng giảm đến 5.4%. Mà MWG thì rõ ràng là không phải chốt lời như ROS, bởi cổ phiếu này có kết quả quý 3 đạt tốt, thực sự tốt nhưng giá gần đây lại giảm. Không chỉ MWG, nhiều mã vốn hóa lớn khác cũng giảm mạnh, ví dụ như PLX, HBC, REE, GMD, VPB, TCM…
Nếu xem xét diễn biến giá nhiều cổ phiếu gần đây, cộng với những tin đồn trên mạng, thì cũng có thể hôm nay đã và đang kích hoạt tình trạng margin call. Thị trường gần đây biến động khá tiêu cực dù không có thông tin vĩ mô nào thực sự xấu tác động tới, cũng như sự kiện rất được mong chờ là APEC đã đến rất gần, do đó margin call đang được coi là yếu tố chính tác động lên tâm lý NĐT. Ví dụ trong đợt ATC, có rất nhiều lệnh bán lớn chất ngay tại giá ATC (được gọi nôm na là “giá nào cũng bán”), sau đó lệnh mua bắt đáy mới đổ vào.
VN-Index giảm mạnh ngay khi bước vào đầu phiên chiều, và chỉ dừng lại trước đợt ATC chừng 10-15 phút do lệnh mua bắt đáy tăng lên. Diễn biến này diễn ra trên diện rộng, ở rất nhiều mã không phân biệt quy mô vốn hóa. Tuy vậy, vẫn có những mã đi ngược thị trường như VNM, VIC, MSN… Ngoài ra, cần lưu ý đến khối lượng giao dịch tăng vọt ở những mã cổ phiếu đơn lẻ (tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường thì không tăng bao nhiêu so với bình quân 1 tháng gần đây). Về kỹ thuật, đó là tín hiệu cho thấy đang có hoạt động bắt đáy ở những cổ phiếu đó.
Trên sàn UPCoM, tuy chỉ số chính của sàn này giảm theo HOSE, nhưng vẫn có những mã trụ được trong sắc xanh, ví dụ như QNS, ACV…, nhất là SDI, cổ phiếu này thậm chí đạt mức tăng giá lên đến 12.7%, mức tăng còn cao hơn phiên sáng.
HBC có lẽ là “của hiếm” trong nhóm xây dựng, khi giảm giá rất mạnh trong thời gian qua. Thậm chí chiều nay, không ít thời điểm cổ phiếu này dư bán sàn, và khi vào đợt ATC, khối lượng dư bán tại mức giá ATC lẫn giá sàn lên đến hơn 1.5 tr.cp. Có lẽ lãnh đạo HBC nên học tập HSG, cần có giải trình sớm cho cổ đông và nhà đầu tư, trước khi được HOSE gửi yêu cầu theo quy định.
HQC tăng giá 3.5% nhờ thông tin công ty đăng ký mua 10 triệu cp làm quỹ. Công ty này mới công bố kết quả kinh doanh quý 3, và doanh thu lẫn lợi nhuận đều đạt thấp hơn rất nhiều so với những “dự báo” của chính lãnh đạo doanh nghiệp trước đó. Tuy nhiên, nói HQC bắt đáy thì còn hơi sớm.
Nếu tìm nhóm ngành nào có nhiều cổ phiếu đi ngược thị trường chiều nay thì có lẽ là nhóm xi măng – bê tông. ACC, BTS, DXV, HT1, HVX… đều tăng giá, thậm chí có mã tăng hơn 5-6%.
Phiên sáng: Tin ra với ROS, cả thị trường bị ảnh hưởng
Sau khi đạt đỉnh 849.5 lúc gần 10h, VN-Index đột ngột “cắm đầu” giảm, thậm chí thủng cả tham chiếu, với 2 tác nhân chính là ROS mất đà tăng giá và PLX thì giảm giá mạnh. Các chỉ số khác, kể cả HOSE lẫn HNX, và cả rất nhiều cổ phiếu đơn lẻ, đều chịu ảnh hưởng không nhiều thì ít mà giảm theo.
Chỉ số VN-Index đã có lực hồi nhẹ kể từ khoảng 10h40, tuy nhiên cho đến thời điểm nghỉ giao dịch, chỉ số này vẫn thấp hơn 1 chút so với tham chiếu. Tính cả 3 sàn, chỉ có VN30-Index và UPCoM Index là tăng cao hơn tham chiếu. VN30 được đỡ bởi khá nhiều Large Cap như VNM, GAS, VIC, VCB…, còn trên sàn UPCoM, nhiều mã lớn cũng tăng giá như ACV, LTG, QNS, VEF… và nhất là SDI, cổ phiếu này tăng giá hơn 10% nhờ có thông tin tốt liên quan đến 1 cổ phiếu “hàng họ” sắp lên sàn đầu tuần sau là VRE.
ROS đã công bố kết quả quý 3 với 488 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận gộp chỉ đạt 37 tỷ đồng, giảm hơn 27% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tuy vẫn chịu ảnh hưởng từ các khoản doanh thu ngoài core, nhưng lợi nhuận sau thuế quý 3 chỉ đạt 62.33 tỷ đồng, giảm 20.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm Large Cap sàn HOSE, ROS là mã có PE trailing cao nhất, cũng như với quy mô vốn hóa thuộc Top 10, chắc chắn PE của ROS ảnh hưởng không nhỏ lên PE bình quân toàn sàn HOSE, nói cách khác, khiến PE sàn HOSE bị đội lên cao. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu này gần như chả liên quan gì đến số liệu tài chính và định giá, và luôn đỡ chỉ số trong thời gian qua.
Dù đã công bố kết quả quý 3 khá sớm trong số Large Cap, nhưng từ nửa cuối tháng 10 đến nay, cổ phiếu MWG lại giảm giá nhẹ. Công ty mới công bố kế hoạch phát hành ESOP cho các lãnh đạo chủ chốt, và điều gây sốc là giá phát hành chỉ vỏn vẹn 10,000 đ/cp, chưa bằng 1/10 thị giá. Ở Việt Nam, việc phát hành ESOP được hạch toán rất đơn giản, và nó không tạo ra bất kỳ chi phí nào có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp, nó chỉ làm pha loãng EPS của cổ phiếu mà thôi. Dù vậy, vẫn chưa rõ thông tin này có phải là nguyên nhân khiến giá MWG giảm hay không.
Nhóm ngân hàng dù có thời điểm mà 10/12 cổ phiếu giảm giá, nhưng đến cuối phiên sáng tình hình cũng “dễ thở” hơn chút: VCB vẫn giữ đà tăng giá suốt phiên sáng nhờ lực đỡ khối ngoại, CTG, MBB và EIB cũng tăng giá. Tuy nhiên, thất vọng nhất có lẽ là VPB (-3.2%) hay BID (-1.6%).
Dù kết quả quý 3 lần nữa không đạt tốt, nhưng sáng nay MSN vẫn tăng giá nhẹ 0.7%. Trong các công ty con, MCH thậm chí tăng hơn 7%. Chỉ có MSR giảm nhẹ 1.2%.
Nhóm chứng khoán đang phân hóa, 1 số công ty tốp đầu tăng giá như SSI, HCM, MBS, nhưng có không ít mã giảm như SHS, CTS… nhất là VDS (-6.5%) dù công ty này đã công bố kết quả quý 3 rất tốt. VDS giảm gần sát sàn là do 1 giao dịch đơn lẻ, không loại trừ khả năng 2 bên mua – bán biết nhau.
Dù giá dầu đang tăng lên mức rất cao trong vòng 2 năm qua, nhưng sáng nay nhóm dầu khí gần như có sự chia rẽ, các cổ phiếu dòng dầu giảm giá như PVD, PVS, PVT… nhưng dòng khí lại tăng giá như GAS, PGD, PGS… Thậm chí 2 mã chịu tác động tiêu cực khi giá dầu tăng là DCM và DPM cũng tăng giá.
Từng có lúc dư bán sàn, nhưng đến cuối phiên sáng HBC hồi phục chút ít và tạm nghỉ ở mức giá 48,600 đ/cp. Dù sao đi nữa, đây là mức giá không tưởng cho cổ phiếu này trong vòng chưa đầy nửa tháng qua. Lưu ý khối lượng giao dịch sáng nay đã đạt gấp rưỡi cả ngày hôm qua, tức có dấu hiệu bắt đáy lần 2 hay lần 3.
10h30: ROS không tăng, PLX đè chỉ số, thị trường đỏ thực
ROS quay trở lại gần tham chiếu, khiến VN-Index và hầu hết các chỉ số khác nhuộm đỏ, trừ VN30-Index. Ngoài ra, PLX đang giảm giá mạnh gần 5%, cũng như 1 số Large Cap khác quay đầu giảm giá cũng khiến chỉ số chính của TTCK Việt Nam giảm điểm. Tác động của chỉ số đang khiến rất nhiều cổ phiếu giảm giá.
Sáng nay theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết các cơn bão vào cuối mùa hè năm nay nhiều khả năng sẽ không tác động lâu dài hơn tới hoạt động kinh tế nước này. Cụ thể, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở phạm vi 1-1.25%. FOMC vẫn duy trì quan điểm lạc quan về bức tranh kinh tế của Mỹ.
Trong nhóm ngân hàng, VPB đang gây bất ngờ khi giảm giá hơn 3.6%. Gần đây, công ty đã công bố BCTC quý 3 rất tích cực, tuy nhiên chỉ trong 3 phiên gần đây, giá cổ phiếu VPB lại giảm. Ngoài VPB, một số ngân hàng khác cũng đang giảm giá như ACB, BID, VIB… VCB ngược lại, đang tiếp tục tìm lại đỉnh ngắn hạn cũ.
Sau khi mất giá gần 1/3 chỉ trong vòng chưa đến 1 tháng, với kết quả quý 3 khá thất vọng và yếu tố khối ngoại bán ròng, sáng nay cổ phiếu HSG đã có vẻ chững lại ở mức 22,100 đ/cp. Còn hơi sớm để bắt đáy, bởi khối ngoại dường như vẫn chưa “đóng cửa xả” cổ phiếu này. Tuy nhiên, giải trình của HSG vừa công bố cho thấy không hẳn tình hình sản xuất của công ty là quá tệ như những dự báo trước đó.
Một cổ phiếu có trạng thái mất giá không tưởng tương tự như HSG là HBC sáng nay tiếp tục giảm sàn, đâm thủng ngưỡng 50,000 đ/cp và hiện đang ở mức 48,100 đ/cp. Điều bất ngờ cho HBC là họ không gặp phải tình cảnh quý 3 thất vọng như HSG mà ngược lại, vẫn đạt tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận. Có lẽ, những tin đồn trên mạng, cũng như rủi ro margin call đang tạo áp lực bán lớn lên cổ phiếu này.
Theo Vinanet, tình hình xuất khẩu sản phẩm cá tra sang Mỹ, EU 9 tháng đầu năm nay suy giảm do các rào cản thương mại và kỹ thuật. Cho dù giá trị xuất khẩu vẫn tăng 5.8% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 1.3 tỷ USD nhưng tại thị trường Mỹ, giá trị xuất khẩu cá tra chỉ đạt 258.3 triệu USD, giảm 9.9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại thị trường EU, sau nhiều tháng xuất khẩu giảm, tháng 8 và 9/2017, giá trị xuất sang thị trường này giảm lần lượt 8.4% và 23.7% so với cùng kỳ năm 2016.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra từ tuần sau ở Đà Nẵng, những TPP vẫn sẽ chỉ có 11 thành viên. Trong thông báo ngày hôm qua từ phía đại diện Nhật Bản, Bộ trưởng thương mại các nước TPP 11 sẽ tiếp tục đàm phán tại hội nghị APEC, sau đó trong một cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC, lãnh đạo 11 nước sẽ quyết định có đạt một thỏa thuận về TPP hay không. Đây là điều Việt Nam đang kỳ vọng rất nhiều.
Mở cửa: Cổ phiếu hồi phục nhẹ
VN-Index tăng khoảng 0.3% sau khi mở cửa sáng nay, tất nhiên vẫn nhờ nhiều vào sự hỗ trợ nhiệt tình, quý báu của ROS. Tuy nhiên, điểm tích cực sáng nay là rất nhiều Large Cap khác cũng không chịu thiệt, mà tăng giá nhẹ, khắc phục tình trạng xanh vỏ đỏ lòng hôm qua. Các chỉ số phụ sàn HOSE vì thế mà cũng đều xanh, với mức tăng tương đương với chỉ số chính.
Sàn HNX dường như vẫn chưa chịu hồi theo HOSE. Hầu hết các chỉ số chính lẫn phụ đều vẫn đang “dán” sát vào tham chiếu, ngoại trừ Large Cap Index tăng hơn 0.35%. SHB tuy có thông tin rất tốt về kết quả quý 3, nhưng chỉ tăng giá khoảng 1.3% và chưa hỗ trợ được gì nhiều cho chỉ số sàn này.
ROS tiếp tục đà tăng gần 5% sáng nay, giúp đẩy chỉ số VN-Index lên 0.3%. Tuy nhiên, sáng nay dường như nhiều Large Cap khác cũng đang phục hồi, ví dụ như HPG, CTG, VCB, BHN…
HAG sau 2 phiên tăng giá với sự giúp sức rất lớn của khối ngoại, thì sáng nay giảm giá nhẹ 0.6%. Có lẽ thông tin về việc tập đoàn quyết tâm đẩy mạnh kinh doanh trái cây trong năm 2018 chưa khiến NĐT yên tâm. Điều này cũng dễ hiểu, thật khó tìm được 1 công ty nào sản xuất kinh doanh trên diện tích 18,000 ha trái cây trải dài trên 3 quốc gia như HAG, nhất là trong chủng loại trái cây, có nhiều loại ngắn ngày và dễ chịu rủi ro thời tiết hay sâu bệnh. Tuy nhiên, lượng mua ròng của khối ngoại gần đây, và cả sáng nay, cũng là dấu hiệu tốt cho HAG.
Giá cổ phiếu FMC tiếp tục tăng hơn 3.7% trong đợt ATO, sau đó vọt lên hơn 6% sáng nay, tiếp nối đà tăng từ hôm qua khi có thông tin HĐQT HVG quyết định sẽ bán toàn bộ 21,168,000 cp FMC, (tương đương 54.28% vốn cổ phần). Có vẻ như FMC sẽ được đẩy lên cao để HVG bán sao cho có lợi nhất.
Theo BCTC hợp nhất quý 4, HVG chỉ đạt mức lãi sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tỷ đồng trên tổng doanh số 3,588 tỷ đồng. Tuy doanh thu tăng 14% so cùng kỳ và lợi nhuận cũng được cải thiện so với khoản lỗ 112.5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, có vẻ như khó khăn vẫn còn chờ ở phía trước. Giá cổ phếu này đang giảm tiếp về mức 5,400 đ/cp sáng nay.
Sau khi tăng giá 2.65% ngày hôm qua, VNM sáng nay đứng yên tại mức 155,000 đ/cp. Với thông tin đấu giá SCIC, có vẻ như VNM khó bứt phá khỏi mức giá đấu khởi điểm 150,000 đ/cp.
PGS tiếp tục tăng giá mạnh gần 7.7% sau khi công bố BCTC quý 3. Gần đây cổ phiếu này có mức biến động giá trong phiên rất mạnh, nhưng hiện nay đã quay trở lại đỉnh cũ.
SDI tiếp tục tăng giá lên đỉnh 3 năm là 93,500 đ/cp, và tất nhiên là nhờ thông tin rằng công ty này đang sở hữu lượng cổ phiếu VRE (Vincom Retail, sẽ chào sàn đầu tuần tới) với giá trị vốn hóa gấp đôi chính mình.
Hoàng Nam
FiLi
|