Nếu cộng các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn, đã bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu là 8.61%
Nếu đánh giá thận trọng, cộng các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn, các khoản đã bán cho VAMC... thì tổng mức nợ xấu tới cuối tháng 9/2017 là 566,000 tỷ đồng, tương đương 8.61%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2016.
Chiều ngày 16/11 và sáng ngày 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Trước nghi ngờ về con số tỷ lệ nợ xấu của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) thực tế có thể cao hơn mức 3% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo, Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích, báo cáo của NHNN nêu rõ "đây là số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng". Theo đó, tới cuối tháng 9/2017 nợ xấu ở mức 2.34%, giảm so với mức 2.46% vào cuối 2016.
Nhưng nếu đánh giá thận trọng, cộng các khoản nợ xấu, nợ tiềm ẩn, các khoản đã bán cho VAMC... thì tổng mức nợ xấu tới cuối tháng 9/2017 là 566,000 tỷ đồng, tương đương 8.61%, giảm hơn 1% so với cuối năm 2016.
Không dùng ngân sách để xử lý ngân hàng yếu kém
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước.
Trả lời đại biểu Tô Bích Châu (TPHCM), Thống đốc khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng là "an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng", tuỳ trường hợp cụ thể, đặc biệt sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét xử lý.
"Tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn, ổn định hơn. NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát", ông nhấn mạnh.
Đáp lại ý kiến đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, ông Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc và các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng. NHNN đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó được ông Hưng nhấn mạnh vẫn là hoàn thiện khung khổ pháp lý. "Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", Thống đốc nói.
Không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập tới kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối tháng 8 về năng lực thanh tra giám sát của NHNN, trong đó có nội dung NHNN chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. "Báo cáo có đề nghị Thống đốc cho kiểm tra và xử lý trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Từ tháng 8 đã xử lý như thế nào?", Đại biểu hỏi.
Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi NHNN trình mới đây có điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ ngân hàng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Nhưng thực tế, theo ông Trương Trọng Nghĩa, nhiều ngành khác cũng rủi ro, nhưng không có ngành nào có điều khoản miễn trách như thế. "Nên đề nghị Thống đốc cho biết, Luật Tổ chức tín dụng thông qua không có điều khoản này thì ngành ngân hàng có làm tròn nhiệm vụ của mình không", Đại biểu hỏi.
Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Thống đốc cho biết, hiện NHNN đang tiến hành thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tại thanh tra giám sát, "chúng tôi sẽ báo cáo hướng xử lý trong thời gian tới".
Về sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng trong đó có quy định về miễn trừ trách nhiệm, Thống đốc khẳng định, "chúng tôi không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm, chỉ yêu cầu tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực được cử sang cơ cấu lại ngân hàng yếu kém để họ yên tâm công tác. Đây cũng là thông lệ của các nước".
Anh Đức
FiLi
|