Sở hữu chéo là vấn đề phức tạp, trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ rất khó phát hiện
Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát. Với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được.
Chiều ngày 16/11 và sáng ngày 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Về sở hữu chéo, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sau khi đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất mua lại cổ phần, cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch và đại chúng hơn. Thống đốc khẳng định tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý.
Cụ thể, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 (năm 2012) xuống còn 2. Số cặp ngân hàng sở hữu cổ phần trực tiếp giảm từ 5 xuống 2.
Mặc dù vậy, Thống đốc cũng thừa nhận sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát. Với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được.
Thống đốc chỉ ra 4 nguyên nhân khiến sở hữu chéo vẫn còn như việc thoái vốn thời gian qua có những khó khăn nhất định do chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đó. Ngoài ra việc thoái vốn ngoài ngành quy mô lớn có thể gây tổn thất cho các đơn vị. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư khó khăn nguồn vốn.
Về giải pháp, Thống đốc cho rằng nếu Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay. Trong dự thảo, NHNN đã sửa đổi một số quy định về khái niệm người có liên quan để xác định được cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Ngoài ra, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với chức danh chủ tịch HĐQT, theo hướng chặt chẽ hơn, đưa vào quy định góp vốn mua cổ phần các tổ chức tín dụng.
"Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường thanh tra để giám sát cổ đông và người có liên quan. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về sở hữu cổ phần cổ phiếu. Chỉ đạo các ngân hàng phải xây dựng đề án cơ cấu lại, trong đó có lộ trình khắc phục triệt để vi phạm cổ phần của cổ đông", Thống đốc nói.
Cơ cấu lại ngân hàng, xử lý nợ xấu chưa như mong muốn
Theo Thống đốc, trong điều kiện đặc thù Việt Nam, phát triển thị trường vốn chưa có bước tiến mạnh, vì thế vốn nền kinh tế dựa nhiều vào ngân hàng, nên quá trình cơ cấu lại các ngân hàng chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân nữa là do năng lực quản trị điều hành các tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Trong đề án tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm... Thống đốc hy vọng những giải pháp này sẽ giúp quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhanh hơn, xử lý nợ xấu tốt hơn.
Anh Đức
FiLi
|