Hiện tượng tỉ USD Vân Đồn
Cơ chế đặc khu sẽ giúp Vân Đồn tiến xa hơn trên hành trình trở thành đảo ngọc của vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc?
Một trong những hiện tượng về đầu tư trong năm nay có thể kể đến là Vân Đồn (Quảng Ninh). Tương tự như Phú Quốc, quần đảo có tổng diện tích 551km2 đang thay đổi khá nhanh sau khi lọt vào danh sách 3 ứng viên được chọn để thí điểm mô hình “đặc khu kinh tế đặc biệt” lần đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng liệu chiếc áo khoác mới sẽ giúp Vân Đồn tiến xa hơn trên hành trình trở thành đảo ngọc của vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc?
Địa lợi phát huy nhờ hạ tầng
Hàng tỉ USD đã và đang đổ vào Vân Đồn. Tính đến tháng 10.2017, đã có khoảng 2,5 tỉ USD đầu tư vào hệ thống hạ tầng của huyện đảo, hầu hết đều theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Đáng chú ý nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân đồn đang được gấp rút hoàn thiện. Một khi hoàn thành, sân bay này sẽ giúp kết nối hòn đảo đến các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Thượng Hải, Hồng Kông hay Macao chỉ trong 1-2 giờ bay. Còn trong bán kính 5 giờ bay, Vân Đồn có khả năng tiếp cận tới một số thị trường rộng lớn, bao gồm một loạt trung tâm kinh tế lớn của châu Á với dân số hơn 3 tỉ người và tổng GDP hơn 22.000 tỉ USD.
Một dự án khác rất được kỳ vọng tạo cú hích cho Vân Đồn chính là đường cao tốc kết nối Vân Đồn với cửa khẩu Móng Cái. Dự án này có tổng vốn đầu tư 16.000 tỉ đồng, dự kiến được khởi công vào cuối năm nay theo hình thức BOT. Cùng với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long, Hạ Long - Hải Phòng đang nỗ lực hoàn tất các công đoạn cuối cùng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ giúp hệ thống giao thông kết nối liên hoàn Hà Nội - Hải Phòng - Vân Đồn - Hạ Long - Móng Cái được hoàn chỉnh với chất lượng cao, góp phần kích thích luồng vốn đầu tư và dòng luân chuyển hàng hóa, khách du lịch quốc tế thuận lợi hơn.
Hàng loạt dự án lớn quy mô ngàn tỉ đồng xuất hiện tại đây như SonaSea Dragon Bay (5.000 tỉ đồng), dự án Cảng và Khu Đô thị Bắc Cái Bầu (25.200 tỉ đồng), dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (16.014 tỉ đồng) và nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô ngàn tỉ đồng khác... khiến nơi đây trở thành một “đại công trường” chờ đón đặc khu.
Điều mà các nhà đầu tư kỳ vọng nhất chính là chiếc áo đặc khu kinh tế đặc biệt mà Vân Đồn chuẩn bị khoác lên, cùng với Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Vân Đồn cũng là địa điểm thứ 2 tại Việt Nam sau Phú Quốc được cấp phép thí điểm dự án casino cho người Việt vào chơi. Cùng với ưu thế về hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, Vân Đồn có tiềm năng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới để trở thành một khu đô thị kinh tế - du lịch hàng đầu cho vùng Đông Bắc, kết nối với Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới, cũng như tạo thành mạng lưới giao thương hiệu quả với thành phố lớn ở Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Cơ chế mở đến đâu?
Dự thảo về Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực (du lịch - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển. Trong đó, giai đoạn 1 (2018-2022) tập trung phát triển: du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp. Mô hình tổ chức chính quyền theo mô hình Trưởng đặc khu, không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Dù tiềm năng là có nhưng Vân Đồn sẽ còn nhiều việc phải làm để hóa rồng. Theo đề án Phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn mà tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhu cầu vốn để xây dựng Vân Đồn trở thành một đô thị hiện đại lên đến khoảng 12 tỉ USD giai đoạn 2014-2030. Tổng vốn đầu tư quá lớn trong khi ngân sách nhà nước đang thiếu thốn sẽ buộc Vân Đồn phải tìm các phương án huy động khác, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân. Dù vậy, vấn đề này còn phụ thuộc vào độ mở của cơ chế.
Hiện các chính sách dành cho đặc khu kinh tế đặc biệt vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến còn lo ngại các đặc khu kinh tế này quá lớn khó có thể kiểm soát tốt. “Dường như chúng ta vẫn còn ôm đồm khi xây dựng chính sách, chưa xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế”, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định.
Là quốc gia đi sau, Việt Nam có đủ điều kiện để học hỏi mô hình của các quốc gia khác để áp dụng. Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, một số đặc khu kinh tế của khu vực như Thượng Hải, Thâm Quyến của Trung Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc thử nghiệm thể chế rất thành công. Hiện nay, nước này tiếp tục xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới. Tất nhiên nếu chậm, cơ hội sẽ trôi qua.
Thực tế, hạ tầng phục vụ ngành du lịch tại Vân Đồn vẫn còn khá hạn chế. Hiện quần đảo này chỉ mới có 14 khách sạn 1-2 sao đi vào hoạt động. Để có thể thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm và nhất là khách du lịch quốc tế, Vân Đồn sẽ cần bổ sung hàng ngàn phòng khách sạn, đặc biệt là phân khúc cao cấp, hạng sang và cần thêm nhiều dịch vụ giải trí hiện đại. Và điều này chỉ có thể đạt được khi các nhà đầu tư có sự tin tưởng tuyệt đối vào tiềm năng quần đảo này, đi cùng với độ mở của cơ chế chính sách.
Ngọc Sơn
NCĐT
|