Thứ Ba, 21/11/2017 21:57

Nên dồn lực cho ba đặc khu hay TP.HCM và Hà Nội?

Thay vì đầu tư theo kiểu cào bằng hay tập trung vào 3 đặc khu, cần dồn lực thúc đẩy phát triển hai trung tâm kinh tế lớn là vùng Hà Nội và vùng TP.HCM.

TP.HCM nhìn từ trên cao - Ảnh: NAM TRẦN.

Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, một chuyên gia về đô thị cho rằng muốn "ra tấm ra món" thì phải tạo ra các cú hích, trong đó hai "đầu tàu" là Hà Nội và TP.HCM phải được tập trung để kéo theo cả một khu vực phát triển.

* Trên thực tế có rất nhiều ưu đãi vượt trội được đưa ra để tập trung phát triển ba đặc khu, với kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế?

- Muốn phát triển đặc khu, cần phải gắn liền với vùng Hà Nội hay vùng TP.HCM để bung ra. Phát triển đặc khu cần có người giỏi, nhưng thử hỏi giữa hai vùng đô thị trung tâm và ba khu được chọn thì hầu hết mọi người sẽ chọn nơi nào nếu cùng một mức thu nhập?

Các đặc khu có thể thành công ở một số lĩnh vực nào đó, nhưng để tạo ra cú hích lớn, làm động lực cho phát triển kinh tế đất nước, tạo tính lan tỏa ra cả vùng, thì rất khó.

Cần nhìn bài toán kinh tế Việt Nam 20 năm tới là gì, có phải là giữ những nguồn lực, đặc biệt là giữ người tài ở lại Việt Nam để đầu tư, kinh doanh trên chính Việt Nam. Tình trạng chảy máu chất xám, số lượng du học sinh đi học ngày càng đông nhưng không trở về Việt Nam ngày càng nhiều, vậy thì liệu những đặc khu này có giữ chân được những người tài?

Theo quan điểm của tôi, tạo ra cú hích vẫn nên tập trung nguồn lực vào hai đô thị trung tâm, với thể chế vượt trội, xây dựng các vườn ươm, hay chọn một vùng trong hệ sinh thái, một nơi đặc biệt của hai trung tâm này để thu hút nguồn nhân lực.

* Vậy theo ông Hà Nội và TP.HCM có lợi thế vượt trội gì so với các nơi khác?

- Một đặc khu hay một địa phương để tạo ra động lực phát triển thì cần nhìn vào các nhân tố cơ bản. Đó là nơi phải thu hút được doanh nghiệp (nhà đầu tư), người tài, người giàu, và cũng phải có thị trường đủ lớn, với các yếu tố cơ bản cho phát triển.

Cho đến nay, chỉ có vùng TP.HCM và Hà Nội có đầy đủ các yếu tố nền tảng và vượt trội hơn này. Là thành phố tập trung lực lượng lao động có kỹ năng, trí tuệ là nền tảng cốt lõi, nơi thu hút lượng lớn doanh nghiệp, được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, giáo dục, y tế tốt hơn… Đây cũng là trung tâm sáng tạo, phát triển nhân tố mới.

Kinh nghiệm các nước muốn phát triển và thành công thì cần tập trung vào nơi có hội đủ các yếu tố căn bản, có nghĩa là đầu tư cho "ra tấm, ra món", thì mới tạo ra các cú hích.

Còn nếu không cứ phát triển "mành mành", dàn trải và biến Hà Nội, TP.HCM trở thành thành phố không đáng sống với việc tắc nghẽn, kẹt xe, ô nhiễm, hạ tầng tụt hậu… thì những người có trí tuệ của Việt Nam sẽ không gắn bó lâu dài được và mất đi nguồn lực quốc gia.

Như TP.HCM chỉ suốt ngày đi lo kẹt xe, tắc đường hay kinh tế vỉa hè, mà không tập trung giải quyết các vấn đề gốc rễ, nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo động lực… thì rất khó để bứt phá.

Tiên sĩ Huỳnh Thế Du - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

* Thực tế so với các địa phương khác, Hà Nội và TP.HCM cũng đã có được những ưu đãi nhất định song vẫn khó có sự bứt phá?

- Nút thắt khiến cho Hà Nội và TP.HCM chưa phát triển xứng tầm là do chưa được xem là trọng lực thực chất phát triển cho quốc gia, chưa xem quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, cùng các yếu tố then chốt để tạo ra sự phát triển của đất nước.

Ví dụ, cơ chế ngân sách hiện nay với các thành phố này còn hạn chế. Nếu như chi ngân sách bình quân cả nước so với GDP là 30% mà Hà Nội chỉ được 15-16%, còn TP.HCM thì bằng phân nửa Hà Nội hay ¼ cả nước là quá thấp.

Trong khi ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, như Thượng Hải và Bắc Kinh tỉ lệ chi là 21% và 22%, gần tương đương chi ngân sách bình quân của quốc gia.

Muốn thoát nghèo, thúc đẩy phát triển và tạo sự lan tỏa, thì phải tập trung đô thị. Thế nhưng chính sách của mình đang là "hàng hai", tức là không tập trung nguồn lực cho "ra tấm ra món" mà có xu hướng đầu tư dàn trải.

*Ông nghĩ gì chuyện cơ chế đặc thù cho TP.HCM sẽ giúp thành phố phát triển ra tấm ra món?

- Trên thực tế đã có nhiều cơ chế và Nhà nước luôn khẳng định dành nguồn lực cho thành phố này phát triển. Nhưng để hiện thực hóa cơ chế, gỡ các nút thắt cụ thể, đưa ra các quy định thực sự tạo khuyến khích, như vấn quyền tự chủ như thế nào, tỉ lệ ngân sách ra sao, thì chưa rõ. Hay cơ chế mở để thu hút người tài, cho những người dám nghĩ dám làm, liệu tinh thần "cởi trói" ấy có được hiện thực hóa hay không?

Cũng có lo ngại nếu tập trung đô thị hóa ở TP.HCM có thể gây kẹt xe do đông dân, nên phải giãn dân hoặc phát triển các vùng xung quanh. Tuy nhiên, trên thế giới chưa có đô thị nào triển khai phương án này thành công. Nhiều đô thị vẫn xây dựng các nhà cao tầng, nhưng gắn với đó là đầu tư hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ.

Thập niên 80, dân số đô thị của Trung Quốc tương đương với Việt Nam là 20%, nhưng giờ tỉ lệ này đã gần 60% trong khi Việt Nam chỉ có 35%. Quan điểm phát triển không nên là phân tán nguồn lực nữa, mà cần tập trung cho những thành phố có ưu thế nhất, sau đó phát triển lan tỏa ra.

Tình trạng "vắt kiệt" sức lực của TP.HCM, đầu tư theo kiểu rải mành mành khắp mọi nơi nên không có nơi nào "ra tấm ra món", nguy cơ sẽ dẫn tới người giỏi đi hết, những du học sinh không muốn về Việt Nam, thì không thể tạo ra nguồn đầu tư, công ăn việc làm trong tương lai.

Ngọc An

TTO

Các tin tức khác

>   Chống tham nhũng: Cứ tài sản không giải trình được là tịch thu? (21/11/2017)

>   Năm 2019, báo cáo thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao (21/11/2017)

>   Người Sài Gòn chính thức đi buýt đường sông từ ngày 25.11 (20/11/2017)

>   Thêm một mặt hàng Việt bị Mỹ đánh thuế hơn 230% (20/11/2017)

>   Ưu đãi trên 35.300 tỉ thuế thu nhập cho doanh nghiệp ngoại (20/11/2017)

>   Cởi trói cho TP Hồ Chí Minh: "Thoáng" đến đâu là đủ? (20/11/2017)

>   ​Nguy cơ bị “cấm cửa” vào thị trường châu Âu: VASEP đề nghị được gặp Bộ trưởng Nông nghiệp (20/11/2017)

>   Phong tỏa tài sản Công ty Cổ phần phát triển Hà Nam (20/11/2017)

>   Cơ chế cho Tp.HCM: "Đặc thù cũng phải có trần" (20/11/2017)

>   'Giấc mơ' mua xe ôtô giá rẻ của người tiêu dùng gần như đã khép lại (20/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật